Tháo điểm nghẽn, tạo đột phá cho Khánh Hòa phát triển
Những lợi thế vượt trội của Khánh Hòa được nhận diện và nếu được phát huy đúng tầm chắc chắn sẽ tạo động lực cho sự phát triển của khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Chính sách phải khả thi
Phiên thảo luận diễn ra vào nửa cuối chiều nay (10/6) nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ với lý giải “so với nhiều địa phương, Khánh Hòa xứng đáng có được nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhất”. Điều này được đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) chứng minh bằng vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Khánh Hòa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cả nước.
“Trong liên kết vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trong hội nhập quốc tế thông qua Biển Đông và khu vực ASEAN, Khánh Hòa có nhiều lợi thế vượt trội với các giá trị ngoại hạng cấp quốc gia và toàn cầu của quân cảng và sân bay quốc tế” – ông Tân chỉ ra.
Nhận định biển và tiềm năng kinh tế biển là những yếu tố then chốt của Khánh Hòa, đại biểu của Hải Phòng cho rằng, những lợi thế vượt trội của Khánh Hòa đã được nhận diện và nếu được phát huy đúng tầm chắc chắn sẽ tạo động lực cho sự phát triển của khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Vì thế, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là rất cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng và là quá trình thể chế hóa cơ chế chính sách để giúp Khánh Hòa khắc phục, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo cơ chế đột phá nhằm huy động tối đa nguồn lực, tiềm năng, lợi thế vượt trội giúp Khánh Hòa đạt được các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra.
Chung quan điểm, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phân tích, ngoài các cơ chế, chính sách tương đồng đã được áp dụng cho các tỉnh, thành phố, 4 chính sách còn lại gắn với đặc thù riêng của Khánh Hòa đều có cơ sở thực hiện.
Khánh Hòa có huyện đảo Trường Sa mang ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quốc phòng, an ninh, đại biểu Tô Văn Tám nhận định, việc ban hành chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản sẽ giúp người dân chuyển đổi phương thức, phát triển, đồng thời kết hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo và huyện đảo Trường Sa.
“Với nghĩa đặc biệt của huyện đảo Trường Sa, việc cho phép có một quỹ phát triển nghề cá là cần thiết nhằm hỗ trợ dân sự, du lịch, phát triển ngư nghiệp, xây dựng huyện đảo Trường Sa về kinh tế và khu vực phòng thủ” – ông Tám nói.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nhìn nhận, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên, định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Khánh Hòa.
Lưu ý khuyến khích vươn khơi trong điều kiện bình thường đã khó, trong điều kiện phức tạp về an ninh quốc phòng lại càng khó hơn, đại biểu đề nghị các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cần phải khả thi và đủ hấp dẫn. “Tôi đề nghị miễn toàn bộ tiền thuê mặt nước biển và áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp 0 % trong suốt vòng đời dự án nhưng tối đa không quá 30 năm cho cả khu vực, từ 3 hải lý trở ra” – bà Thủy nói.
Điểm “kích nổ” phát triển của cả miền Trung, Tây Nguyên
Nhấn mạnh Khánh Hòa rất xứng đáng để được có cơ chế, chính sách đặc thù, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhận xét, các cơ chế đặc thù trong tờ trình Chính phủ đưa ra cơ bản vẫn nằm trong trần pháp lý hiện tại và có một số cơ chế đã có tiền lệ.
“Lẽ ra với Khánh Hòa phải có sơ kết hoặc tiểu tổng kết từ 8 mô hình (cơ chế, chính sách đặc thù của 8 địa phương - PV) trước đó” – ông Vân nêu quan điểm.
Theo đại biểu của Cà Mau, lợi thế của Khánh Hòa chính là biển, nhưng cụm chính sách chưa tường minh ở từng bình diện. Từ góc nhìn này, đại biểu đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm để minh định các cơ chế đặc thù.
Dẫn Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, đại biểu Lê Thanh Vân khái quát, tinh thần là phải thiết kế được các chính sách đặc thù cho Khánh Hòa ở ba bình diện: cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính, đặc biệt là phân cấp ủy quyền. Tuy nhiên, đánh giá dự thảo Nghị quyết “mới thấy bóng dáng của đầu tư và tài chính”, ông Lê Thanh Vân kiến nghị phải rà soát lại, trao cho Khánh Hòa quyền được tự quyết định chủ trương đầu tư.
“Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ từ nay đến 2030, Khánh Hòa phải trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và phải là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; là một địa điểm “kích nổ” cho sự phát triển lan truyền của miền Trung và Tây Nguyên” – ông Vân chỉ ra. Như thế, theo ông, đầu tư công phải tăng lên và cơ chế chính là trao cho Khánh Hòa được tự quyết định chủ trương đầu tư phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng đã được phê duyệt.
Quyền nữa, theo đại biểu Vân, là quyền được tự tổ chức bộ máy hành chính phù hợp với tiêu chí quản lý của Luật tổ chức chính quyền địa phương, quyền được quyết định nhân sự theo phân cấp của Trung ương.
“Cần có cơ chế đặc thù riêng biệt mới phát triển được, hơn là cho cơ chế bằng tiền, bằng đầu tư công” – ông Vân bình luận.
Ông Vân đồng thời đề nghị Chính phủ sớm tổng kết NQ54 của TPHCM và các nghị quyết cho các địa phương khác, trên cơ sở đó phân loại ra nhóm chính quyền địa phương có cùng tiêu chí phát triển, cùng đặc thù.
“Trên cơ sở đó chúng ta có thể thiết kế cho một số nhóm chính quyền địa phương có trình độ phát triển, có năng lực, tiềm năng như nhau và bãi bỏ mô hình cơ chế đặc thù” – ông Vân đề nghị.
Vẫn theo đại biểu, với 9/63 tỉnh, thành được cho cơ chế đặc thù đã là một tỷ lệ thực nghiệm quá cao.