Tháo 'điểm nóng' về hoàn thuế giá trị gia tăng
Hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) là một trong những điểm 'nóng' của năm 2023. Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) chia sẻ, ngành thuế quán triệt nhiệm vụ hoàn thuế GTGT vừa phải bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi, vừa phải ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả mọi hành vi chiếm đoạt ngân sách nhà nước.
Thưa bà, năm 2023, hoàn thuế GTGT có thể coi là “điểm nóng” trong vấn đề quản lý thuế?
Đúng là trong 6 tháng đầu năm 2023, hoàn thuế GTGT gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là hoàn thuế đối với sản phẩm gỗ và cao su xuất khẩu, nhưng cuối cùng, khó khăn, vướng mắc đã dần được tháo gỡ.
Kết quả là, năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành gần 20.000 quyết định hoàn thuế GTGT với số tiền khoảng 152.000 tỷ đồng, bằng 100,9% năm 2022. Trong đó, hoàn thuế cho hàng hóa xuất khẩu giảm 4% so với năm 2022, nguyên nhân chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022.
Số tiền hoàn thuế GTGT năm qua tăng chủ yếu do hoàn cho dự án đầu tư vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện (tăng 45%), nhờ Nghị định số 49/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã tháo gỡ hầu hết khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thuế cho dự án đầu tư vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là đối với dự án điện.
Nhưng trong 6 tháng cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp vẫn lên tiếng về việc chậm được hoàn thuế?
Tôi nghĩ rằng, nếu có, cũng không nhiều và những trường hợp chưa được hoàn thuế kịp thời đều có lý do chính đáng. Ngành thuế luôn xác định, bên cạnh việc thu đúng, thu đủ cho ngân sách, thì hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp cũng là nhiệm vụ quan trọng không kém; hoàn thuế kịp thời là yêu cầu, quyền lợi cấp thiết của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trách nhiệm của cơ quan thuế còn phải chống gian lận thuế, đặc biệt là chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước.
Trên thực tế, nhiệm vụ đấu tranh chống gian lận hóa đơn, hoàn thuế ngày càng khó khăn hơn do các đối tượng luôn thay đổi phương thức, địa bàn hoạt động, hành vi gian lận thuế, trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế ngày càng tinh vi, phức tạp với thái độ ngày càng liều lĩnh hơn trước. Do đó, nhiệm vụ của ngành thuế là vừa phải đảm bảo hoàn thuế nhanh chóng, kịp thời, nhưng đồng thời phải đảm bảo việc hoàn thuế đúng quy định, bảo vệ tiền thuế của ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn và phát hiện các hành vi gian lận hoàn thuế, nên có một số trường hợp chưa hoàn kịp thời. Tôi khẳng định, tất cả các trường hợp chưa được hoàn thuế kịp thời đều có lý do, chứ không phải ngành thuế cố tình kéo dài.
Trên thực tế, trường hợp gian lận, chiếm đoạt ngân sách nhà nước chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Thưa bà, để bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp làm ăn chính đáng, cần phải làm gì để hoàn thuế đúng, đủ, kịp thời?
Tình trạng gian lận thuế, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền thuế có nguyên nhân quan trọng là quy định về thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng, nên nhiều đối tượng thành lập cả chục, vài ba chục doanh nghiệp để thực hiện các hành vi gian lận.
Vì vậy, theo tôi, Nghị định về đăng ký kinh doanh cần bổ sung quy định người đại diện pháp luật phải được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Người đại diện có vi phạm pháp luật thuế, đại diện của các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh và/hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, trường hợp muốn thành lập doanh nghiệp mới, thì cần có chế tài xử lý cụ thể, tạm thời chưa cấp phép giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp mới và đưa ra các thông tin cảnh báo rủi ro, có biện pháp ngăn chặn.
Để khắc phục tình trạng sử dụng giấy tờ giả thành lập doanh nghiệp hoặc thuê thành lập doanh nghiệp để bán hóa đơn, cơ quan chức năng cần nghiên cứu sử dụng công nghệ xác thực định danh cá nhân, doanh nghiệp để kiểm tra thông tin đại diện pháp luật của doanh nghiệp khi cấp phép đăng ký doanh nghiệp.
Năm 2024, ngân sách nhà nước tiếp tục phải hoàn hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền thuế GTGT. Theo bà, cần phải làm gì để hoàn đúng, hoàn đủ, hoàn kịp thời?
Chúng tôi đã quán triệt, trách nhiệm hoàn thuế phải hướng tới 2 mục tiêu là nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật, không để hồ sơ quá hạn do yếu tố chủ quan từ cơ quan thuế, công chức thuế; và ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi gian lận về hóa đơn, hoàn thuế, quản lý chặt chẽ tiền của ngân sách nhà nước.
Để thực hiện 2 mục tiêu này, đầu tiên phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế GTGT, quản lý thuế, hóa đơn điện tử cùng pháp luật có liên quan nhằm hạn chế, ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” để phát hành, sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử với mục đích gian lận hoàn thuế, trục lợi ngân sách nhà nước.
Thứ hai, phải ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin trong giải quyết hoàn thuế, từng bước tự động hóa tối đa, số hóa trong tiếp nhận, giải quyết, chi hoàn thuế GTGT để đảm bảo giải quyết hoàn thuế minh bạch, công khai, kịp thời, đúng quy định pháp luật và phòng chống, ngăn chặn tối đa gian lận, kiểm soát chặt chẽ chi hoàn thuế GTGT.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thao-diem-nong-ve-hoan-thue-gia-tri-gia-tang-d207119.html