Tháo gỡ bất cập để phòng, chống dịch hiệu quả hơn
Trước những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ khó khăn do đại dịch Covid-19, Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, kịp thời các chính sách đã được ban hành, bảo đảm đúng quy định.
Như tin đã đưa, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 của HĐND tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND có hai ngày làm việc với các sở, ngành thuộc lĩnh vực này, trong đó, tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ khó khăn do đại dịch Covid-19 được nhiều thành viên của Ban VH-XH đặc biệt quan tâm. Trong đó có những khó khăn ngành Y tế đang gặp phải cũng như một số vấn đề khác trong công tác phòng, chống dịch bệnh
Giải quyết sớm tồn tại, hạn chế
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo giải quyết một số vấn đề. Theo đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là biện pháp “5K” trở thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức của người dân.
Việc công bố mức độ nguy cơ cần thực hiện thường xuyên, định kỳ, sâu rộng để người dân quan tâm, theo dõi, thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ, qua đó nâng cao ý thức người dân, góp phần kéo giảm số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế nhanh chóng giải quyết những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền. Trước mắt, cần xem xét giải quyết những khó khăn trên cơ sở đề nghị của các cơ sở y tế như nâng cấp cơ sở vật chất, phân bổ đầy đủ thiết bị, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ thực hiện phòng, chống dịch, bổ sung kinh phí hoạt động khi chuyển công năng.
Trong đó, cần bảo đảm kinh phí cho các đơn vị để thực hiện chi đầy đủ, kịp thời các chế độ cho đội ngũ cán bộ nhân viên tại các cơ sở y tế và các bệnh viện dã chiến, không để xảy ra bức xúc, ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của cán bộ, nhân viên y tế. Cần xem xét thực hiện các chế độ, chính sách phù hợp cho các trường hợp nhân viên y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trở thành F0, F1.
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về kinh phí hoạt động và chế độ cho nhân viên trạm y tế lưu động để hoạt động thực chất, hiệu quả. Có chính sách khi thực hiện kêu gọi, huy động nhân lực y tế ngoài công lập, tình nguyện viên (bảo đảm các điều kiện về chuyên môn, sức khỏe) tham gia công tác phòng, chống dịch nói chung và tại các trạm y tế lưu động để giảm tải áp lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập hiện nay.
Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Y tế giải quyết vướng mắc trong việc chi chế độ cho trẻ em dưới 16 tuổi điều trị Covid-19 (được hỗ trợ 1.000.000 đồng/trẻ) khi đã xuất viện, bảo đảm thực hiện chế độ đến các đối tượng.
Trước tình hình số ca mắc ngày càng nhiều, ngành Y tế quá tải, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu thành lập bộ phận chuyên trách tham mưu Sở Chỉ huy trong thực hiện công tác phòng, chống dịch, để kịp thời nắm bắt, tổng hợp đầy đủ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Trong đó chú ý những vấn đề liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở y tế (cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, kinh phí hoạt động, chế độ, chính sách cho cán bộ nhân viên y tế…).
Ban VH-XH nhìn nhận, thời gian đầu, việc triển khai thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ của Chính phủ còn khá chậm. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ của các nhóm đối tượng tồn đọng nhiều, nhất là hồ sơ hỗ trợ cho lao động tự do.
Hiện nay đã được tập trung chỉ đạo nên tiến độ thực hiện được đẩy nhanh hơn trước. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân, người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chưa được hưởng hoặc chậm được thụ hưởng.
Một số chính sách chưa triển khai hoặc có tỷ lệ thực hiện đạt thấp, như các chính sách: hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; đối với đối tượng là người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động; người sử dụng lao động vay tiền để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ cho hộ kinh doanh…
Quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ trong thời gian qua còn những khó khăn, hạn chế, vướng mắc. Cụ thể, việc đăng ký hồ sơ hưởng chính sách trên ứng dụng Tây Ninh Smart gây quá tải cho địa phương khi vừa phải xử lý các hồ sơ nộp trực tiếp, vừa phải rà soát danh sách hồ sơ đăng ký trực tuyến để thông tin cho người đăng ký đến UBND xã nộp hồ sơ.
Việc phê duyệt và chi trả còn trùng đối tượng; việc giải quyết đối với các hồ sơ đề nghị được hưởng chính sách đối với F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành việc cách ly tại cơ sở hoặc tại nhà còn chậm.
Việc thực hiện hỗ trợ chi phí mai táng cho người tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 thời gian đầu chậm được triển khai, các thủ tục quyết toán chi phí hỏa táng chưa kịp thời, các cơ quan có liên quan (Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố) chưa chủ động phối hợp với nhau trong việc thông tin về chính sách và việc thực hiện hỗ trợ chi phí mai táng cho người tử vong do nhiễm SARS-CoV-2.
Trước những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ khó khăn do đại dịch Covid-19, Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, kịp thời các chính sách đã được ban hành, bảo đảm đúng quy định.
Vì sao trả kết quả xét nghiệm lâu hơn trước?
Một vấn đề khác, trong thời gian gần đây, việc trả kết quả xét nghiệm PCR cho những trường hợp F1, F0 chậm hơn so với giai đoạn trước. Lý giải điều này, ông Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, số ca nhiễm bệnh tăng cao, tăng nhanh.
Sau khi lấy mẫu, ngành Y tế gửi về Viện Pasteur ở TP. Hồ Chí Minh để làm xét nghiệm. Do nhiều tỉnh, thành phía Nam đều gửi mẫu về cơ sở này nên dẫn đến quá tải, phải chờ lâu, giai đoạn trước, chỉ cần 24 giờ là có kết quả, hiện nay, có khi phải mất 72 giờ, thậm chí có khi chậm hơn.
“Sau khi lấy mẫu, các đơn vị “tập kết” về CDC Tây Ninh trước 11 giờ 30 hằng ngày thì ngày hôm sau sẽ có kết quả, còn nếu gửi mẫu sau giờ đó, phải mất thêm một ngày mới trả được kết quả, như vậy, có khi mất từ 3-4 ngày”- ông Đỗ Hồng Sơn thông tin.
Để giải quyết vấn đề này, ngành Y tế có văn bản quy định F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà được xác nhận khỏi bệnh bằng test nhanh, như vậy, người bệnh sẽ đỡ phải mất thời gian chờ đợi. Riêng nhóm đối tượng nhập cảnh, vẫn áp dụng xác nhận kết quả bằngg PCR, vì đề phòng các biến chủng mới của SARS-CoV-2.
Về hạ tầng y tế, nhân lực của ngành, Phó Giám đốc Sở Y tế Đỗ Hồng Sơn đánh giá, trong điều kiện bình thường thì không đến mức quá khó khăn, nhưng trong cơn đại dịch này, tình hình khó khăn hơn nhiều, cụ thể là tình trạng quá tải.
“Nói thật lòng, một số anh em trong ngành cũng mệt mỏi, căng thẳng, có phần nản chí và đã xuất hiện một số trường hợp xin nghỉ việc nhưng chưa được chấp nhận. Trong điều kiện bình thường, chế độ trực của nhân viên trạm y tế đã thấp (25 ngàn đồng/ngày đêm); ai tham gia phòng, chống dịch thì mới được cộng thêm.
Một người trong ngày làm ba hoặc bốn đầu việc nhưng chỉ được hưởng một đầu việc (ở mức cao nhất), không được cộng dồn. Sở đang nghiên cứu xem có hướng nào để hỗ trợ thêm cho anh em hay không, nhưng điều này không dễ, vì liên quan chính sách. Điều đáng mừng, dù rất mệt mỏi nhưng đa số cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt y tế cơ sở vẫn đang làm hết mình để phòng, chống dịch bệnh”- ông Sơn thông tin.
Việt Đông
“Nói thật lòng, một số anh em trong ngành cũng mệt mỏi, căng thẳng, có phần nản chí và đã xuất hiện một số trường hợp xin nghỉ việc nhưng chưa được chấp nhận. Trong điều kiện bình thường, chế độ trực của nhân viên trạm y tế đã thấp (25 ngàn đồng/ngày đêm); ai tham gia phòng, chống dịch thì mới được cộng thêm. Một người trong ngày làm ba hoặc bốn đầu việc nhưng chỉ được hưởng một đầu việc (ở mức cao nhất), không được cộng dồn….”. Bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Sở Y tế
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/thao-go-bat-cap-de-phong-chong-dich-hieu-qua-hon-a139716.html