Tháo gỡ bất cập, phát triển taxi xanh

Sử dụng ô tô điện làm taxi (taxi xanh) đang được nhiều đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn TP Hà Nội hướng đến. Tuy nhiên, để có một tương lai khả quan cho taxi xanh còn nhiều vướng mắc phải tháo gỡ, như cách nhìn nhận về taxi xanh, những bất cập trong cơ chế đối với ngành vận tải đặc thù này.

Thúc đẩy phát triển taxi xanh

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Quốc Phi, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định: "Ô tô điện sẽ làm giảm những tác động tiêu cực đến môi trường, tiện dụng hơn so với các dòng xe chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu, giảm tần suất bảo dưỡng định kỳ. Việc sử dụng ô tô điện sẽ tiết kiệm chi phí, làm lợi cho doanh nghiệp, chia sẻ được quyền lợi với người lao động và khách hàng".

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội, một số doanh nghiệp taxi đã nắm bắt xu thế, đưa vào sử dụng thử nghiệm và có những đánh giá ban đầu về việc sử dụng xe ô tô điện. Qua thời gian thử nghiệm, ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý G7 Taxi, Phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nhận định: "Vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra khi chuyển từ taxi chạy bằng xăng, dầu sang xe điện. Vì thế, trước khi đưa xe điện vào kinh doanh taxi cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng yếu tố an toàn đối với người lao động, hành khách; khảo sát kỹ để lựa chọn nhà cung cấp phương tiện. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, có những ưu đãi đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường; hỗ trợ chính sách nhập khẩu, chính sách thuế trong sử dụng xe điện đối với ngành taxi; xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, trạm sạc, trạm bảo trì phương tiện... để thúc đẩy phát triển taxi xanh".

Chủ trương dùng xe điện làm taxi cũng nhận được sự đồng tình của ông Phạm Chí Trung, cán bộ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ông Trung cho rằng, vấn đề chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch rất cần thiết. Đây là xu thế mới, tiến bộ trong phát triển kinh tế-xã hội mà các doanh nghiệp taxi cần phải nhanh chóng bắt nhịp.

 Biển cấm taxi theo giờ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải công cộng.

Biển cấm taxi theo giờ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải công cộng.

Nghiên cứu tháo gỡ những bất cập

Trao đổi với chúng tôi về việc sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội bày tỏ quyết tâm đưa xe điện vào kinh doanh taxi. Tuy nhiên, trải qua thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát cùng sự cạnh tranh của một số loại hình taxi công nghệ đã gây ảnh hưởng lớn đến ngành vận tải nói chung, taxi truyền thống và taxi xanh nói riêng. Nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phải bán cả phương tiện để trả nợ. Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề bất cập về cơ chế với vận tải taxi cần tháo gỡ.

Theo phản ánh của Hiệp hội Taxi Hà Nội, trên một số tuyến phố của Thủ đô, taxi đang bị cấm theo giờ. Điều này tác động không nhỏ tới vai trò của loại hình vận tải này. Đặc biệt, khách hàng cũng gặp khó khăn trong lựa chọn sử dụng taxi. Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết: Việc cấm taxi theo giờ tại một số tuyến đường của TP Hà Nội ảnh hưởng đến cả ngành du lịch khi các tuyến phố này có điểm tham quan và nhiều khách sạn, nhà hàng lớn. Nếu bỏ biển cấm, cho phép taxi hoạt động sẽ kích cầu khách du lịch tại những khu vực này. Điều đó cùng nghĩa với giảm phương tiện cá nhân, giảm ách tắc giao thông và lượng khí thải độc hại ra môi trường. Vì thế, đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị TP Hà Nội nên khảo sát, đánh giá và dỡ bỏ biển cấm taxi tại các tuyến phố này để kết nối hệ thống giao thông liền mạch, tạo thuận lợi cho kinh doanh vận tải taxi, đồng thời bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

Không chỉ vấn đề biển cấm, hiện nay ở nội đô, các điểm dừng, đỗ dành riêng cho taxi còn hạn chế. Chính vì vậy, sau khi trả khách xong, lái xe thường phải cho xe chạy lòng vòng, vừa tiêu tốn nhiên liệu vừa tăng mật độ phương tiện trên đường. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nếu có thêm các điểm dừng, đỗ tại nội thành sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp, lái xe cũng được nghỉ ngơi, bảo đảm an toàn khi làm việc, giảm ùn tắc giao thông cho đô thị, làm lợi cho khách hàng.

Được biết, để tháo gỡ vấn đề điểm đỗ cho xe taxi, thời gian qua, TP Hà Nội đã phối hợp cùng Hiệp hội Taxi Hà Nội khảo sát được 63 điểm dừng, đỗ, giao cho các sở, ngành làm thủ tục cấp phép. Với sự vào cuộc, tháo gỡ khó khăn về tuyến đường, bến bãi của TP Hà Nội, các doanh nghiệp vận tải taxi nhanh chóng đưa xe điện vào kinh doanh sẽ mang lại lợi ích kép cho cả doanh nghiệp, khách hàng và địa phương, góp phần xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Bài và ảnh: VŨ MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thao-go-bat-cap-phat-trien-taxi-xanh-723657