Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông

Chiều 17/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì Phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, một số doanh nghiệp chủ chốt. Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu 44 tỉnh, thành phố có các dự án giao thông trọng điểm.

Phát biểu ý kiến khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, danh mục các dự án mà Ban Chỉ đạo theo dõi gồm 40 dự án lớn/92 dự án thành phần (DATP) trên 3 lĩnh vực: đường bộ, đường sắt và hàng không, đi qua địa phận 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô, địa bàn, lĩnh vực rất rộng. Hằng tháng, Ban Chỉ đạo họp để rà soát các công việc. Ngày 18/8, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã phát động Phong trào thi đua “500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường cao tốc”. Từ nay đến ngày 31/12/2025 chỉ còn khoảng 15 tháng, trong khi khối lượng công việc còn rất nhiều. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm hoàn thành các đoạn cao tốc.

Do đó, tại phiên họp này cần bàn kinh nghiệm, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án, bảo đảm chất lượng. Rút kinh nghiệm từ Dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch-Phố Nối thi công chỉ hơn 6 tháng, muốn làm được nhanh, bảo đảm chất lượng, tiến độ như đã đề ra, đồng thời tạo phong trào thi đua sôi nổi thì chúng ta phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, gồm cả những người lãnh đạo, chỉ đạo, thi công, giám sát công trình.

 Quang cảnh Phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Quang cảnh Phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Theo Thủ tướng, ở đâu có công trình đi qua, cấp ủy phải lãnh đạo, chính quyền phải tổ chức hỗ trợ; các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc phải vào cuộc để hỗ trợ giải phóng mặt bằng, các công việc khác. Cùng với đó, chúng ta huy động lực lượng vũ trang vào cuộc với tinh thần những gì có thể làm được thì làm.

Để phát triển thì cả nước phải là một công trường vì nay mai chúng ta còn phải đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao bắc-nam, tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, Lào, Campuchia…

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng nêu rõ, có những nơi cấp ủy, chính quyền vào cuộc nghiêm túc thì tình hình khác, nơi không vào cuộc thì thấy rõ ngay. Chính quyền vào cuộc một cách nghiêm túc, các bộ, ngành cũng phải vậy; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải vào cuộc, vận động, hỗ trợ nhân dân trong công tác tái định cư; tăng cường hợp tác với các nhà thầu ở địa phương.

Theo Thủ tướng, để phát triển thì cả nước phải là một công trường vì nay mai chúng ta còn phải đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao bắc-nam, tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, Lào, Campuchia…

Để hiện thực hóa mục tiêu năm 2030 là nước công nghiệp theo hướng hiện đại có thu nhập trung bình cao, năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao, chúng ta phải góp phần phát triển hệ thống giao thông hiện đại kết nối vùng, quốc gia, quốc tế bằng các phương thức vận tải; từ đó tạo không gian phát triển mới, giảm chi phí logistics, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho nhân dân, tăng cường giao lưu kinh tế, thương mại.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng đề nghị phiên họp này thảo luận sâu về những vấn đề hoàn thiện các thủ tục liên quan dự án, cấp mỏ, vật liệu xây dựng, đặc biệt là cách huy động lực lượng để vào cuộc tổng thể, đồng bộ; phải góp phần tạo điều kiện cho các nhà thầu địa phương lớn mạnh, nâng cao năng lực, góp phần tạo việc làm cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng nêu rõ, cơn bão số 3 và lũ lụt vừa qua gây ra thiệt hại rất lớn, thống kê sơ bộ đã làm thiệt hại khoảng 40 nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng tăng trưởng, vì vậy, chúng ta phải tìm cách bù lại mất mát này bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, huy động, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển.

 Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chúng ta phải tạo đột phá về thể chế vì thể chế cùng là động lực, nguồn lực cho phát triển; tạo đột phá về mặt hạ tầng giao thông; tăng cường bố trí nguồn vốn; các đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án phải nhận thức rõ trách nhiệm đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cũng là thể hiện “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” trong lúc này; phải làm tốt nhiệm vụ được giao để góp phần khắc phục hậu quả lũ lụt, thể hiện tình cảm “tương thân tương ái”. Đất nước phát triển thì từng người dân được thụ hưởng thành quả này.

Thủ tướng bày tỏ không hài lòng về tình trạng đã bố trí vốn cho một số tỉnh, thành phố nhưng lại bị trả lại trong lúc các nơi thì đang thiếu vốn; cho rằng điều này thể hiện vô cảm, trì trệ, né tránh, thiếu tinh thần trách nhiệm, nhất là người đứng đầu.

Thủ tướng đề nghị phải rút kinh nghiệm vì đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, vì đây là đạo đức, tinh thần vì dân, vì nước chứ không phải đơn thuần là vấn đề hành chính, không phải là “làm hay không làm”; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải điều chỉnh ngay tinh thần làm việc vì tình trạng trì trệ vẫn còn.

Thủ tướng đặt vấn đề phải chăng cần phải xử lý một vài trường hợp đặc biệt; ai không làm được thì phải đứng sang một bên. Phải tìm ra giải pháp thúc đẩy, nơi nào đã làm tốt thì làm tốt hơn nữa, nơi nào chưa làm tốt thì phải cố gắng, học tập những nơi làm tốt; nơi nào ì ạch, chậm trễ thì phải bị xử lý theo quy định; phải rà soát, xem khó khăn ở đâu, cấp nào giải quyết, ai giải quyết phải rõ với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Ai không làm thì phải bị xử lý; phải xác định vướng mắc ở đâu, ai tháo gỡ? Khen thưởng những đơn vị, cá nhân làm tốt.

 Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng cũng mong các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm với tinh thần tạo khí thế, động lực, truyền cảm hứng cho tất cả các công trình, cho các bộ, ngành, địa phương cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển.

* Theo Bộ Giao thông vận tải, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo lần thứ 13 và theo Công điện số 80/CĐ-TTg ngày 16/8/2024, các địa phương đã tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng và có sự chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, do phần diện tích còn lại chủ yếu là đất ở, việc triển khai xác định nguồn gốc, phương án đền bù phức tạp nên một số địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu như: Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Lạng Sơn.

Về vật liệu xây dựng, các dự án khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, thì nguồn cung cấp vật liệu đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công. Về các dự án khu vực phía nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giao chỉ tiêu cung ứng vật liệu cho các dự án, các địa phương đã phối hợp cùng các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai các thủ tục liên quan đến cấp mỏ cho các dự án, tuy nhiên tiến độ triển khai còn chậm, ảnh hưởng tiến độ thi công. Ngoài tỉnh Vĩnh Long đã cấp 1,1/3,4 triệu m3, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre vẫn đang triển khai thủ tục cấp mỏ, bổ sung mỏ.

Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu: tỉnh Đồng Nai đang triển khai, hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ, nhưng còn chậm hơn so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Về công tác triển khai thi công: triển khai Phong trào thi đua “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc", Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp cùng các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản rà soát kế hoạch triển khai, xây dựng tiến độ chi tiết, đặc biệt là các công việc có tính chất đường “găng” để đôn đốc các đơn vị.

Đa số các dự án có đủ nguồn vật liệu và điều kiện giải phóng mặt bằng thuận lợi, tiến độ thi công đáp ứng yêu cầu.

Đa số các dự án có đủ nguồn vật liệu và điều kiện giải phóng mặt bằng thuận lợi, tiến độ thi công đáp ứng yêu cầu. Một số dự án có giá trị thực hiện lớn như Cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 thi công đạt 52%, tuyến Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đoạn qua An Giang đạt 26%, Vành đai 4 Hà Nội đoạn qua Hà Nội đạt 33%, dự án Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua Hà Giang đạt 35%, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua Long An đạt 41%, Cao Lãnh-An Hữu đoạn qua Đồng Tháp đạt 36%, Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 35%, một số dự án thành phần đang phấn đấu hoàn thành sớm từ 3-6 tháng.

Tuy nhiên, việc triển khai thi công các dự án tại một số địa phương còn chậm như Cần Thơ 10%, Sóc Trăng 5% tại dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Bắc Ninh 5% tại dự án Vành đai 4 Hà Nội, Cao Bằng 2% tại dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Lạng Sơn mới triển khai thi công dự án Hữu Nghị-Chi Lăng; đặc biệt tại các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 gồm: Đồng Nai 5% tại dự án thành phần 1 Biên Hòa-Vũng Tàu, 5% tại dự án thành phần 3 Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Bình Dương 11% tại dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Tuyên Quang 13% tại dự án Tuyên Quang-Hà Giang.

 Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các dự án giao thông trọng điểm. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các dự án giao thông trọng điểm. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Đối với Dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành: Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang nỗ lực triển khai bám sát tiến độ đề ra; đã mở thầu gói thầu J3-1 và đang giải quyết các thủ tục liên quan để triển khai thi công. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải đã tổng hợp và trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành: đối với dự án thành phần 1, các dự án xây dựng trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước đang được triển khai đáp ứng tiến độ. Riêng dự án xây dựng trụ sở cơ quan kiểm dịch động, thực vật đang được Cục Thú y và Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn bị hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư.

Dự án thành phần 2: đã thi công đạt 94% khối lượng phần bê-tông cốt thép Đài kiểm soát không lưu, bám sát tiến độ đề ra.

Dự án thành phần 3: gói thầu nhà ga hành khách đã hoàn thành toàn bộ phần bê-tông cốt thép, đang tiến hành lắp dựng kết cấu thép mái theo đúng kế hoạch; các gói thầu khác và hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, 2 tuyến giao thông kết nối đang được nỗ lực triển khai để đáp ứng kế hoạch.

Dự án thành phần 4: đang thẩm định hồ sơ mời thầu để sớm lựa chọn nhà đầu tư.

Dự án Nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành công tác bê-tông, lắp đặt hệ mái dàn thép; đang triển khai các hạng mục còn lại bám sát tiến độ.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đã đào 297m và lắp đặt 186 vòng vỏ hầm đoạn đi ngầm. Dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên tiếp tục chạy thử đến tháng 11/2024 để phục vụ việc đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, đào tạo nhân sự vận hành.

Với các dự án thuộc khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, các chủ đầu tư đã thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống nên ảnh hưởng không đáng kể, các công trình xây dựng không gây ngập úng cho các khu vực lân cận; hiện các đơn vị đang khắc phục, sửa chữa đường công vụ, đường điện,... để thi công trở lại.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần bứt phá, tăng tốc để thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; đồng thời ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, khắc phục hậu quả, thiệt hại rất nặng nề do bão lũ, thiên tai gây ra. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, nhà thầu tư vấn, thiết kế, giám sát… căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cam kết của mình cần tích cực, chủ động hoàn thành các công việc được phân công trong thúc đẩy các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, góp phần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tạo ra không gian phát triển mới, khu công nghiệp, dịch vụ mới, gia tăng giá trị đất đai, giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo việc làm, sinh kế cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Thủ tướng, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, nhưng qua các khó khăn càng thấy được sức mạnh của nhân dân, của sự đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường, tương thân tương ái của dân tộc; dù khó khăn bao nhiêu, chúng ta vẫn phải hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, nhưng qua các khó khăn càng thấy được sức mạnh của nhân dân, của sự đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường, tương thân tương ái của dân tộc; dù khó khăn bao nhiêu, chúng ta vẫn phải hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Hiện nay, thời tiết biến đổi bất thường, bất lợi, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương cần tiếp tục phát huy tinh thần "vượt nắng thắng mưa, không thua gió bão", chủ động ứng phó với tình hình thời tiết bất lợi để triển khai các công việc đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục thực hiện mục tiêu hoàn thành 3.000km cao tốc tới năm 2025 và 5.000km cao tốc tới năm 2030; hoàn thành các dự án đường sắt, các sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài… bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng khẳng định, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, những kết quả, kinh nghiệm và bài học qua các nhiệm kỳ, qua lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiều dự án như Đường dây 500kV mạch 3, Sân bay Long Thành…, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công các dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu của Phong trào 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025; đồng thời áp dụng các bài học kinh nghiệm quý báu trong các dự án trọng điểm ngành giao thông, với trách nhiệm cao nhất, tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, vì niềm tự hào của dân tộc ta. Phải quyết tâm thực hiện được dù thời tiết khó khăn đến mấy, chúng ta tự tin làm được vì có nhiều kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, từ đầu nhiệm kỳ này đến nay có những công trình tưởng không thể hoàn thành mà cuối cùng cũng đã hoàn thành.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải biến đau thương thành hành động, thể hiện sự đồng cảm với đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ; đồng thời lưu ý thời tiết cuối năm phức tạp, do đó các đơn vị phải thích ứng các điều kiện tự nhiên để hoàn thành nhiệm vụ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương phải thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành Phong trào thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường cao tốc đến ngày 31/12/2025. Chúng ta cũng phải vượt qua giới hạn chính mình để vươn lên hoàn thành những nhiệm vụ cao cả hơn với tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”. Qua các dự án cũng có thêm nhiều bài học kinh nghiệm để tạo khí thế, phong trào.

Thủ tướng khái quát một số bài học kinh nghiệm đối với quá trình thực hiện các công trình trọng điểm: trong công tác quản lý điều hành thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào phải dứt việc đó, có trọng tâm, trọng điểm, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”; tăng cường kiểm tra, đôn đốc.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sức mạnh tổng lực với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, lực lượng quân đội, công an, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp và đặc biệt là người dân với tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng"; thực hiện phương châm "4 tại chỗ"; đề nghị các nhà thầu lớn phối hợp chặt chẽ, giao nhiệm vụ cho các nhà thầu địa phương để vươn lên, trưởng thành.

Chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải thực hiện dự án nỗ lực, không ngừng nghỉ, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; quá trình này phải tạo điều kiện, hỗ trợ nhau, với tinh thần “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển; cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào”.

Tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, nhà thầu bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả, không đùn đẩy, không né tránh; giải quyết việc phải có “đầu ra”, có chính kiến, quan điểm khi phối hợp.

Xây dựng, phát động phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, kịp thời động viên, khen thưởng, tạo không khí hăng say làm việc, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, phê bình, xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân làm không tốt, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; các cơ quan truyền thông báo chí nỗ lực, làm tốt công tác tuyên truyền, khắc họa gương người tốt, việc tốt trên công trường, dự án, vận động người dân, tạo sự đồng thuận, đồng lòng triển khai dự án.

Thủ tướng cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương liên quan, trong đó có một số vấn đề đáng chú ý như: về giải phóng mặt bằng, các địa phương phối hợp các chủ đầu tư để xây dựng kế hoạch triển khai giải phóng mặt bằng, tập trung vào các vị trí đường "găng" để ưu tiên triển khai trước; chủ động tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tăng cường công tác dân vận để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án bám sát tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 80/CĐ-TTg, nhất là với các dự án đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025.

Về vật liệu xây dựng, các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án chủ động trong việc tìm kiếm, nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ bảo đảm nguồn vật liệu đắp, không để ảnh hưởng tiến độ các dự án, nhất là tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.

Về triển khai thi công, các địa phương được giao nhiệm vụ là các cơ quan chủ quản chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xây dựng kế hoạch tổ chức thi công hợp lý, phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết; linh hoạt tổ chức thi công phù hợp với điều kiện thời tiết các khu vực bắt đầu vào mùa mưa; xây dựng kịch bản ứng phó với tình hình thời tiết bất thường như bão, lũ để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động, máy móc, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão lũ…

THANH GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thao-go-cac-kho-khan-vuong-mac-tao-dot-pha-trong-phat-trien-ha-tang-giao-thong-post831435.html