Tháo gỡ điểm nghẽn, hoàn thiện thể chế để hiện thực hóa 'Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ' trong lĩnh vực đầu tư
Sáng ngày 5/4, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Hội thảo quốc tế về 'Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc 'Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ' trong lĩnh vực đầu tư' đã khai mạc.
Tham dự Hội thảo có gần 150 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài nước và đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Chương trình do Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Tạp chí Pháp luật và Phát triển (Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức.

Quang cảnh Hội thảo diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, sáng ngày 5/4.
Hội thảo nhằm xác định các giá trị thúc đẩy và những rào cản trong thể chế hiện hành về đầu tư trực tiếp hướng tới hiện thực hóa nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong bối cảnh hoạt động đầu tư được điều chỉnh bởi nhiều luật mới gồm Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) 2020, Luật Đấu thầu 2023, Luật Đất đai 2024...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tạo lập một môi trường pháp lý công bằng, bền vững là yêu cầu cấp bách, nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ không chỉ là lẽ sống của mỗi người, mà còn là một cơ sở quan trọng bảo đảm sự cân bằng giữa các bên liên quan từ nhà đầu tư đến Chính phủ/Nhà nước, xã hội và người dân.

Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.
Chủ đề của Hội thảo có rất nhiều vấn đề để thảo luận vì có thể áp dụng trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống nhưng sẽ rất khó khăn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Cần phải được làm rõ ràng, minh định trong cả ba khâu quan trọng là: Xây dựng pháp luật; Tổ chức thi hành pháp luật và Giải quyết tranh chấp.
Đây là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, hoạt động thực tiễn cùng nhận diện, đánh giá đúng từ góc độ thể chế, làm cách nào để nguyên tắc này được quy định trong pháp luật để khi xảy ra tranh chấp có thể được áp dụng đúng. Những kết quả thảo luận trong Hội thảo sẽ là dấu ấn quan trọng, đưa ra được những đề xuất, kiến nghị cho việc hoàn thiện nguyên tắc này trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi về 3 nhóm chuyên đề với hơn 30 chuyên đề tham luận bao gồm: Tổng quan về thể chế và nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; Nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong các lĩnh vực cụ thể; Vai trò quản lý Nhà nước và giải quyết tranh chấp.