Tháo gỡ 'điểm nghẽn', khơi thông tiềm năng, thế mạnh
Hôm nay, 8.7, Kỳ họp thứ 22 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của HĐND tỉnh Ninh Bình, Khóa XV chính thức bước vào chương trình nghị sự. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh BÙI HOÀNG HÀ cho biết: với tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, các nội dung trình kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; qua đó, giúp các đại biểu có cơ sở thảo luận, đóng góp các ý kiến chất lượng để HĐND tỉnh ban hành những quyết sách thiết thực, tháo gỡ các 'điểm nghẽn', khơi thông tiềm năng, thế mạnh…
Kỹ lưỡng, bài bản, khoa học
- Xin ông cho biết ý nghĩa của Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Khóa XV?
- Đây là kỳ họp quan trọng, nhằm đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2024.
Theo đó, kỳ họp diễn ra trong 3 ngày (từ 8 - 10.7). HĐND tỉnh sẽ xem xét 1 thông báo và 23 báo cáo. Đồng thời, xem xét, quyết định 12 dự thảo nghị quyết và nhóm dự thảo nghị quyết. Trong đó, có Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; nhóm 2 nghị quyết về phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công… Các nghị quyết này sẽ góp phần tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khơi thông tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào 2 nhóm vấn đề: duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh; sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành y tế; ngoài ra, các đại biểu có thể chất vấn những vấn đề khác mà cử tri, đại biểu quan tâm.
- Với số lượng nội dung lớn, công tác chuẩn bị, tổ chức được HĐND tỉnh quan tâm thực hiện như thế nào để kỳ họp thành công tốt đẹp, thưa ông?
- Để bảo đảm thành công của kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động chỉ đạo công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ họp thứ 22 từ sớm, đúng pháp luật, đúng quy chế làm việc, có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy; sự chủ động phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan hữu quan.
Các nội dung trình kỳ họp được chuẩn bị kỹ lưỡng trên cơ sở thống nhất về chương trình, nội dung và thời hạn gửi tài liệu kỳ họp giữa Thường trực HĐND với UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn liên quan. Những nội dung chưa bảo đảm chất lượng và quy trình, trình tự theo quy định của luật không được đưa vào chương trình kỳ họp; chỉ đạo, định hướng đôn đốc, các Ban HĐND tỉnh chú trọng khảo sát thực tiễn, phát huy và tiếp thu các ý kiến tham gia phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra, bảo đảm rõ quan điểm và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong rà soát, hoàn thiện các dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, khả thi, đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục theo quy định.
Tiếp tục đổi mới, linh hoạt trong hoạt động
- Phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, hoạt động của HĐND tỉnh ngày càng được đổi mới hiệu quả, hiệu lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thưa ông?
- 6 tháng đầu năm, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 3 kỳ họp, thông qua 39 nghị quyết, trong đó, có 4 nghị quyết quy phạm pháp luật, 4 nghị quyết về công tác nhân sự, 31 nghị quyết về lĩnh vực kinh tế - ngân sách.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, Thường trực HĐND tỉnh đã hoàn thành 2 cuộc giám sát: giám sát việc quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh; giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát và cam kết khi trả lời chất vấn. Chỉ đạo, điều hòa 3 cuộc giám sát chuyên đề của các Ban HĐND tỉnh. Tổ chức phiên giải trình về quản lý, sử dụng kinh phí chi sự nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Qua giám sát, giải trình đã nêu bật kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, đồng thời kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền, đơn vị liên quan những giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều nội dung giải trình, chất vấn đã được các cấp, các ngành tập trung giải quyết hiệu quả, tạo dư luận tích cực trong cử tri và nhân dân.
- Tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế cũng như chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử địa phương, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
- Với quyết tâm, sự kiên định trong thực hiện mục tiêu: “Đổi mới, linh hoạt, khoa học, hiệu quả” trong hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh dự kiến đề ra 8 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cấp, các ngành quán triệt, tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nghị quyết của Quốc hội và HĐND tỉnh; xem xét, giải quyết kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Cùng với đó, tập trung giám sát việc tổ chức thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024; việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, sau giải trình và các cam kết sau trả lời chất vấn; các vấn đề bức xúc, còn nhiều khó khăn, vướng mắc mà cử tri, nhân dân phản ánh, kiến nghị. Mặt khác, tiếp tục tăng cường tổ chức các hội nghị giao ban, trao đổi kinh nghiệm với Thường trực HĐND các cấp; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền cả chiều rộng và chiều sâu về các hoạt động của HĐND tỉnh để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát…
- Xin cảm ơn ông!