Tháo gỡ giải ngân vốn đầu tư công, tránh lãng phí nguồn lực

Sau giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác này, đã có nhiều kết quả tích cực trong năm 2022. Đặc biệt là một số dự án chậm tiến độ, lãng phí, kém hiệu quả đã được tháo gỡ và đưa vào vận hành.

Mặc dù vậy, tiến độ kế hoạch đầu tư công vẫn rất chậm, công tác phân bổ và giao vốn đầu tư công trung hạn hay các chương trình mục tiêu Quốc gia vẫn chưa đảm bảo tiến độ, dẫn đến có thể lãng phí nếu nguồn lực chưa được sử dụng kịp thời. Đây là nội dung được nhiều ý kiến quan tâm tại phiên họp sáng nay về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là hơn 53.800 tỷ đồng. Đáng chú ý là một số dự án chậm tiến độ, lãng phí, kém hiệu quả đã được tháo gỡ, đưa vào vận hành như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình (giai đoạn 2), Sông Hậu 1. Xử lý, cơ cấu lại dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả như Nhà máy điện Long Phú I, Lọc dầu Nghi Sơn, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

Mặc dù vậy, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Việc phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu Quốc gia và một số dự án quan trọng quốc gia còn chậm, dẫn đến lãng phí khi nguồn lực ngân sách khi không được sử dụng kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc chậm giải ngân có nguyên nhân rất quan trọng từ quy định pháp luật. Cụ thể, Luật Đầu tư công quy định có tiền mới được lập dự án, nhưng lập dự án rồi thì mới được phân bổ tiền, do đó dẫn đến bị vướng.

Riêng về nội dung chương trình mục tiêu quốc gia, hiện còn vướng mắc liên quan việc hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách 40 triệu đồng/hộ

Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 của Chính phủ và Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã đề nghị bổ sung.

Trong đó, cần tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, chỉ định thầu... Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn thiếu, khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thực hiện : Thanh Nga - Quang Sỹ - Anh Đức

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thao-go-giai-ngan-von-dau-tu-cong-tranh-lang-phi-nguon-luc