Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngay từ đầu năm

Năm 2022 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những diễn biến và tác động khó lường của đại dịch COVID-19. Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được HĐND tỉnh thông qua, các cấp, các ngành, các đơn vị đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm. Đồng thời triển khai kịp thời các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nỗ lực hoàn thiện nhà xưởng của Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công số 2 tại KCN Gián Khẩu mở rộng.

Nỗ lực hoàn thiện nhà xưởng của Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công số 2 tại KCN Gián Khẩu mở rộng.

Năm 2021 đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Trong bối cảnh đó, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều giải pháp để thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện chủ đề công tác năm 2021 "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính", lãnh đạo UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ các điểm "nghẽn", những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cắt giảm tối đa 20% thời gian, quy trình thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn ngoài ngân sách. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương rà soát các quy định còn chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp gây cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp để kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung cho phù hợp, như: Đề xuất phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh tại Luật Hợp tác xã, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp...

Trên cơ sở kết quả PCI năm 2020 của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành nghiêm túc tự rà soát, đánh giá thẳng thắn trách nhiệm, chỉ rõ những tồn tại, yếu kém và nguyên nhân dẫn đến chỉ số PCI của tỉnh luôn biến động không đều và có xu hướng giảm qua các năm. Đã triển khai tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để ghi nhận, biểu dương những đóng góp và lắng nghe những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp.

Để linh hoạt thực hiện mục tiêu kép, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành cử cán bộ đầu mối tiếp nhận thông tin tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ninh Bình đã thành lập Tổ công tác do đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm Tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, Ninh Bình cũng đẩy mạnh triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách, xử lý nghiêm các sai phạm, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Hàng loạt các giải pháp đã được các ngành thực thi một cách hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai thực hiện các giải pháp như: miễn, giảm, gia hạn thuế; miễn, giảm tiền điện, tiền nước sinh hoạt; cơ cấu lại nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; hỗ trợ đăng ký kinh doanh; giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; rút ngắn thời gian thẩm định giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho các doanh nghiệp xuất khẩu; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm số giờ giải quyết các thủ tục, giảm thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, lao động, xây dựng...

Tính đến ngày 31/12/2021, tỉnh Ninh Bình đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 105.877 người lao động với tổng số tiền là 2,47 tỷ đồng; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 67 người lao động với số tiền tạm dừng đóng là 362 triệu đồng; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 5 người sử dụng lao động với số tiền 1,7 tỷ đồng; đã thực giảm trên hệ thống cho 2.422 đơn vị, 102.005 người lao động với số tiền 9,026 tỷ đồng. Hỗ trợ bằng tiền cho 127.231 người lao động với số tiền trên 305,359 tỷ đồng.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong năm 2021, với tinh thần làm việc quyết liệt, tận tâm để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh dịch bệnh, ngay trong ngày đầu năm 2022, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quyết tâm thực hiện Nghị quyết 11/ NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ được đánh giá là phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo thêm nhiều động lực và "sức bật" cho nền kinh tế.

Theo đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ bản đảm bảo vốn tín dụng cho phát triển sản xuất và tiêu dùng; tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đến 30/1/2022 đạt 95.075 tỷ đồng, tăng 1,8% so với đầu năm, trong đó, số dư nợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi COVID-19 đạt 21.327 tỷ đồng.

Ngay từ tháng đầu năm, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ- CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Do vậy, trong tháng 1 đã có 64 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới, tăng 24 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký đạt 1.151,9 tỷ đồng; có 112 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại, tăng 40 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc so với cùng kỳ.

Mặc dù năm 2022 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn song với những giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tin tưởng Ninh Bình sẽ tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-ngay-tu-dau-nam/d20220214080511828.htm