Tháo gỡ khó khăn cho làng đa nghề Nhật Tân

Năm 2004, UBND tỉnh công nhận làng nghề Nhật Tân (xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng) là làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Được biết, làng nghề Nhật Tân là làng đa nghề với những ngành nghề mũi nhọn như: dệt, mây giang đan, mộc. Những năm qua, làng nghề đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, do việc tiêu thụ sản phẩm của làng nghề gặp khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm và thu nhập của người lao động.

Chúng tôi ghé thăm xưởng sản xuất đồ mộc Thắng Thúy của anh Nguyễn Văn Thắng tại thôn 5, xã Nhật Tân, anh Thắng chia sẻ: Anh đã gắn bó với nghề mộc gần 35 năm, sản xuất chủ yếu là các sản phẩm đồ thờ, trường kỷ, nội thất, sập gụ tủ chè… Trước đây, hàng làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó, lượng khách ổn định, mỗi tháng anh xuất được khoảng từ 80 – 100 sản phẩm đồ mộc gia dụng nhưng thời điểm này, mỗi tháng anh chỉ bán được 50 – 60 sản phẩm, giảm 50% so với trước kia.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc đa dạng về mẫu mã, giá thành rẻ hơn nên đã chiếm lĩnh được thị trường trong nước. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, cơ sở của anh Thắng đã cải thiện mẫu mã, bắt kịp xu hướng thị trường, sử dụng chất liệu gỗ phổ thông để làm ra những sản phẩm với giá thành rẻ, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, anh Thắng sử dụng các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm để tìm kiếm thêm lượng khách hàng duy trì, vượt qua giai đoạn này.

Cơ sở đồ mộc Thắng Thúy (thôn 5, xã Nhật Tân) đã có nhiều giải pháp khắc phục vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cơ sở đồ mộc Thắng Thúy (thôn 5, xã Nhật Tân) đã có nhiều giải pháp khắc phục vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đối với nghề mây giang đan ở Nhật Tân, với ưu điểm là vốn ít (chỉ từ 300 – 500 nghìn đồng đã đủ để làm nghề), tận dụng được lao động là phụ nữ và người cao tuổi không còn khả năng lao động việc nặng nhưng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hoàn (thôn 2) là người gắn bó với nghề làm mây giang đan 10 năm. Thời điểm trước, mỗi ngày bà Hoàn làm được khoảng 15 - 20 sản phẩm tùy loại, ngày công từ 120 - 150 nghìn đồng/ngày, đến nay bà chỉ làm được khoảng 100 nghìn đồng/ngày; số hộ còn gắn bó với nghề cũng giảm gần 60%, chỉ còn khoảng hơn 200 hộ. Nguyên nhân do nguồn thu nhập từ nghề này thấp, đơn hàng và đầu ra không ổn định...

Làng đa nghề Nhật Tân hiện có khoảng hơn 700 hộ sản xuất, với lực lượng lao động gần 5.500 người, trong đó có 200 hộ làm mộc, trên 200 hộ làm nghề mây giang đan, gần 300 hộ đang duy trì nghề dệt vải. Tuy nhiên, hiện nay, cũng như nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp khác trong tỉnh, làng đa nghề Nhật Tân đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, với mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hương tăng tỷ trọng công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, thời gian tới, xã Nhật Tân sẽ triển khai một số giải pháp trọng tâm để duy trì và phát triển làng nghề.

Đồng chí Nguyễn Quang Thự, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhật Tân cho biết: Cùng với việc tạo mọi điều kiện hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng nghề tham gia các hội chợ quảng bá thương hiệu sản phẩm, UBND xã Nhật Tân tiếp tục hỗ trợ những lao động trẻ, các hộ làm nghề tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng, mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời, khuyến khích các cơ sở sản xuất chủ động tìm kiếm các kênh tiêu thụ mới. Ứng dụng máy móc, tạo ra những sản phẩm tinh xảo, phong phú về mẫu mã, chú trọng vào chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, xã cũng tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để các hộ sản xuất kinh doanh xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng…; tăng cường sự liên kết giữa các hộ nhằm giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

Bùi Linh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nganh-nghe-nong-thon/thao-go-kho-khan-cho-lang-da-nghe-nhat-tan-131983.html