Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội

Dịch Covid-19 diễn ra đã tác động mạnh đến kinh tế Thủ đô, khiến các chỉ tiêu tăng trưởng của thành phố chậm lại so với cùng kỳ năm 2019. Thời điểm này càng cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân để có thể sớm vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Tăng trưởng chậm

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, quý I - 2020, các chỉ số tăng trưởng kinh tế của Thủ đô được duy trì, song hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp hơn trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I - 2020 ước tăng 3,72% - là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu giảm 18,1%; kim ngạch nhập khẩu giảm 21,3%. Số lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm 47,2%, trong đó khách quốc tế giảm 43,9%, kéo theo tổng doanh thu từ du lịch giảm 38,8%... Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 71.383 tỷ đồng, bằng 25,6% dự toán, tăng 6,7%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng hơn 30,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết thêm, từ tháng 3, đã có khoảng 15 nghìn hộ kinh doanh tạm đóng cửa. Ðến đầu tháng 4, có hơn 128 nghìn hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp chế tạo, vận tải, đào tạo… Cục Thống kê Hà Nội cũng cho biết, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, vận tải, kho bãi, khách sạn, lữ hành… Qua tính toán sơ bộ, riêng các ngành này đã làm giảm GRDP của thành phố khoảng 1,26%, ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng quý I - 2020 của Hà Nội.

Một số chỉ tiêu quan trọng khác, thành phố vẫn đang cố gắng duy trì. Tổng vốn đầu tư xã hội trong quý I - 2020 đạt 63,04 nghìn tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 927,4 triệu USD; đầu tư trong nước đạt 7,14 nghìn tỷ đồng. Trong ba tháng đầu năm, có 6.350 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 103 nghìn tỷ đồng, tăng 1% về số lượng và tăng 98% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Gieo trồng vụ xuân thuận lợi, cây trồng phát triển tốt. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được duy trì tốt, bảo đảm cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng...

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý I, Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội đã đưa ra kịch bản tăng trưởng năm 2020 của thành phố. Cụ thể, kịch bản 1: Dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, quý IV có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra. Kịch bản 2: Dịch bệnh được kiểm soát vào quý III, nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra. Kịch bản 3: Dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra. Trên cơ sở này, UBND thành phố sẽ ban hành "Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19", giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị để tập trung thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 2016 - 2020.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung nhận định, thời gian tới, thành phố sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội vì chưa thể đánh giá được điểm dừng của dịch Covid-19. Do đó, thành phố yêu cầu, từ nay đến ngày 31-12-2020, các đơn vị phải tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp trong quản lý đầu tư, xây dựng để nâng cao hiệu quả đầu tư công, hỗ trợ các doanh nghiệp và nhân dân, nhằm ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống nhân dân, an sinh xã hội.

Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và không tự tạo ra bất cứ rào cản nào nhằm hỗ trợ ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư công, rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, thực hiện tốt công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản, hoàn thành dự án, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Cục Thuế, Cục Hải quan rà soát, dự báo các phương án về nguồn thu, trên cơ sở đó xây dựng các kịch bản điều hành ngân sách năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19; trên nguyên tắc rà soát, cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa cần thiết, huy động các nguồn kết dư ngân sách, cổ phần hóa, cải cách tiền lương, Quỹ dự trữ tài chính, phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô… để ưu tiên cho các nhiệm vụ chi thường xuyên, cấp bách, cấp thiết.

Ðáng chú ý, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu thực hiện ngay việc miễn, giảm tiền thuê đất, tiền thuê nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo, các trường mầm non, các cơ sở văn hóa, thể thao, y tế ngoài công lập, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh trong năm 2020. Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị có biện pháp đầu tư, chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục (trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục) và người lao động giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành thành phố, nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thi hành công vụ, phát huy tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ để hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và nhân dân, nhằm ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/44012302-thao-go-kho-khan-cho-san-xuat-kinh-doanh-bao-dam-an-sinh-xa-hoi.html