Thay tư duy, đổi hành động từ chỉ thị của Đảng (kỳ 2)

Kỳ 2: Chính quyền vào cuộc, người dân hưởng lợi

Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam Dương Quyết Thắng (hàng đầu, ở giữa) kiểm tra hoạt động cho vay từ nguồn vốn địa phương tại xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa. Ảnh: CTV

Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam Dương Quyết Thắng (hàng đầu, ở giữa) kiểm tra hoạt động cho vay từ nguồn vốn địa phương tại xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa. Ảnh: CTV

Tinh thần xuyên suốt của Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với chính sách đầy tính nhân văn này. Và thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền vào cuộc quan tâm chỉ đạo sát sao, nơi ấy người dân được hưởng lợi.

Quán triệt Chỉ thị 40 đến từng chi bộ

Gần 15 năm làm lãnh đạo xã Hòa Xuân Nam (TX Đông Hòa), ông Trần Văn Ngãi, Bí thư Đảng ủy xã đã chứng kiến biết bao đổi thay ở vùng đất này. Ông Ngãi cho biết: Xã Hòa Xuân Nam nằm ở phía Nam TX Đông Hòa, có giao thông khá thuận lợi với tuyến quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa bàn xã, tuyến quốc lộ 29 đi đến cảng Vũng Rô. Tuy nhiên, cách đây hơn 10 năm, đời sống người dân của xã còn rất nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm đến 9,98%.

Từ khi Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được ban hành, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã, các ban ngành đoàn thể, chính quyền các thôn thường xuyên tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung chỉ thị này cũng như tầm quan trọng, tính nhân văn sâu sắc của tín dụng chính sách xã hội đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xã.

Hằng năm, Đảng ủy xã chỉ đạo cấp ủy các chi bộ đưa nội dung tăng cường giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào nghị quyết sinh hoạt chi bộ. Đảng ủy cũng chỉ đạo UBND xã hỗ trợ về cơ sở vật chất để Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TX Đông Hòa mở điểm giao dịch cố định tại xã, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với tín dụng ưu đãi của Chính phủ…

Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Trong ảnh:

Hộ vay ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) phát triển vườn cây ăn trái từ vốn vay tín dụng chính sách. Ảnh: LÊ HẢO

Với những biện pháp thiết thực nêu trên, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại xã Hòa Xuân Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Từ năm 2014 đến cuối tháng 5/2024, toàn xã có gần 2.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi với số tiền hơn 53 tỉ đồng. Nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, góp phần giúp hơn 350 lượt hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; 112 sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn yên tâm học tập; tạo việc làm cho hơn 300 lao động; giúp cho hơn 1.100 hộ nghèo, gia đình chính sách xây được nhà ở vững chắc và các công trình nước sạch, vệ sinh; góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen trên địa bàn. Tỉ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2023 cũng giảm còn 2,24%.

Tại thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), Chi bộ khu phố Long Châu cũng triển khai sâu rộng, quyết liệt Chỉ thị 40-CT/TW trong cấp ủy, toàn thể đảng viên chi bộ và các tầng lớp nhân dân. Ông Hồ Chi, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận khu phố này cho biết: Cấp ủy chi bộ thường xuyên chỉ đạo khu phố phối hợp với các hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc việc rà soát, xác nhận đúng đối tượng được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách, họp bình xét cho vay công khai, dân chủ để kịp thời chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.

“Nguồn vốn cho vay của NHCSXH đã tác động tích cực đến một bộ phận lớn người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại khu phố. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện đời sống của người dân, góp phần quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương”, ông Hồ Chi khẳng định.

Nguồn: NHCSXH Phú Yên, Đồ họa: VIỆT AN

Nguồn: NHCSXH Phú Yên, Đồ họa: VIỆT AN

Ban hành nhiều cơ chế đặc thù

Thời gian qua, ngoài các cơ chế chính sách của trung ương đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Cụ thể, tỉnh ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; quy định cho vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đối với người lao động bằng nguồn vốn địa phương; sáp nhập nguồn vốn cho vay đảng viên nghèo vào nguồn vốn ngân sách tỉnh; phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Đề án hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động tỉnh Phú Yên làm việc tại địa phương và làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giai đoạn 2023-2025...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi bố trí vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để triển khai cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương lồng ghép chính sách tín dụng chính sách xã hội vào các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nguồn: NHCSXH Phú Yên, Đồ họa: VIỆT AN

Nguồn: NHCSXH Phú Yên, Đồ họa: VIỆT AN

“Mặc dù ngân sách tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố còn khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, từ UBND tỉnh đến các huyện, thị xã và thành phố đều trích ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn ủy thác NHCSXH cho vay năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 40, nguồn vốn địa phương ủy thác tăng lên đáng kể, đến 30/6/2024 đạt hơn 353 tỉ đồng, tăng hơn 338 tỉ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40 (tăng gấp 23,7 lần), chiếm tỉ trọng 7,6% tổng nguồn vốn. Trong đó, ngân sách tỉnh là 217 tỉ đồng, ngân sách cấp huyện 136 tỉ đồng”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết.

Theo ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Sơn Hòa, thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với mục tiêu phát triển KT-XH, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương, hằng năm, UBND huyện Sơn Hòa đều chuyển nguồn vốn ngân sách huyện sang NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác NHCSXH cho vay hơn 13,5 tỉ đồng, tăng hơn 13 tỉ đồng so với năm 2016 (năm đầu tiên huyện trích ngân sách địa phương ủy thác NHCSXH cho vay). Hiện Sơn Hòa là địa phương có nguồn vốn ủy thác nhiều thứ tư trên địa bàn tỉnh, sau TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và TX Đông Hòa.

Gia đình chị Đặng Thị Thúy Hằng ở thôn Suối Phèn (xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa) là một trong những hộ vay được thụ hưởng nguồn vốn địa phương. Chị Hằng cho biết: Năm 2023, được NHCSXH giải ngân 90 triệu đồng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và giải quyết việc làm, gia đình tôi đầu tư hết vào trồng 3ha keo. Số tiền này vừa đủ để thuê công làm đất, mua keo giống, phân bón, thuê người trồng, chăm sóc cây ở giai đoạn đầu. Hiện rẫy keo phát triển tốt, kỳ vọng 4 năm nữa, khi khoản vay đến hạn, chúng tôi sẽ thu hoạch keo, trả hết nợ và có thêm thu nhập.

“Nguồn vốn của NHCSXH đến kịp thời, vào lúc chúng tôi cần tiền để đầu tư sản xuất nên rất hữu ích. Không chỉ riêng tôi mà nhiều hộ dân trong vùng cũng mong muốn địa phương, ngân hàng quan tâm phân bổ thêm vốn để người dân vay trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình”, chị Hằng chia sẻ.

------------------------------

Kỳ cuối: Kim chỉ nam cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/318498/thay-tu-duy-doi-hanh-dong-tu-chi-thi-cua-dang-ky-2.html