Tháo gỡ khó khăn cho tuyến y tế cơ sở - Bài 2: Nhân lực tuyến y tế cơ sở vừa thiếu, vừa yếu
Mỗi khi ốm đau, bệnh tật, người dân ít tìm đến trạm y tế xã mà thường vượt tuyến lên trên. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là chất lượng đội ngũ y, bác sĩ tại tuyến y tế cơ sở (YTCS) còn hạn chế. Mặc dù thời gian qua, ngành chức năng đã tập trung triển khai nhiều đề án tuyển dụng, đào tạo... nhưng YTCS vẫn loay hoay với câu chuyện về nhân lực...
Nhiều trạm y tế... không có bác sĩ
Từ tháng 4-2022, Trạm Y tế xã Thắng Mố, huyện Yên Minh (Hà Giang) đã vắng bóng bác sĩ phụ trách. Trong thời gian chờ đợi bác sĩ về, y sĩ Lý Sén Sơn được phân công làm Trưởng trạm, thế nhưng mọi chuyện chẳng dễ dàng.
Y sĩ Lý Sén Sơn chia sẻ: “Nhận nhiệm vụ Trưởng trạm, tôi khá bỡ ngỡ, một số mặt bệnh cũng như một số trang thiết bị tôi cũng chưa được học. Bởi thế, chiếc máy siêu âm của Trạm cũng "đắp chiếu" từ năm 2022 đến nay. Không có bác sĩ, người dân trong bản cũng không mặn mà đến Trạm. Nếu có đến cũng chỉ để lấy thuốc bảo hiểm y tế cho một số bệnh thông thường như: Viêm họng, đau bụng, sốt...”.
Cũng chỉ vì trạm y tế không có bác sĩ nên anh Giàng Mí Ma, 21 tuổi, ở thôn Mào Phố, xã Thắng Mố đã mất "thời gian vàng" điều trị đột quỵ, dẫn đến liệt nửa người và không đi lại được. Anh Giàng Mí Ma chia sẻ: “Do Trạm Y tế xã không có bác sĩ nên khi tôi được gia đình đưa vào cấp cứu đã không được xử lý kịp thời, đúng cách, phải tiếp tục đưa lên bệnh viện huyện. Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết tôi bị đột quỵ não nhưng đã qua “thời gian vàng” để có được kết quả điều trị tích cực nhất. Giá mà...”.
Câu nói bỏ dở của anh Giàng Mí Ma khiến chúng tôi không khỏi xót xa, tiếc nuối cho anh. Còn “hoàn cảnh” hơn Trạm Y tế xã Thắng Mố, Trạm Y tế xã Phú Lũng, cùng ở huyện Yên Minh lại chưa từng được biên chế bác sĩ. Vì không có bác sĩ nên nhiều đầu việc cũng bị gián đoạn. Trạm Y tế xã Phú Lũng chỉ có 4 người (2 y sĩ, 1 điều dưỡng viên và 1 nữ hộ sinh).
Đồng chí Nguyễn Thị Yêu, Trưởng trạm Y tế xã Phú Lũng cho biết: “Trước đây, Trung tâm Y tế huyện cử bác sĩ luân phiên về khám, điều trị cho bà con, tần suất 1 ngày/tuần, khi ấy bà con phấn khởi lắm, chỉ mong chờ đến ngày có bác sĩ xuống. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay không có bác sĩ luân phiên về công tác nên việc khám bệnh do 2 y sĩ của Trạm thực hiện. Do không có bác sĩ, việc kê đơn thuốc cũng hạn chế; một số trang thiết bị y tế cũng không được sử dụng. Tình trạng thiếu bác sĩ khiến việc khám, chữa bệnh ở đây gặp nhiều khó khăn”.
Vấn đề thiếu bác sĩ tại tuyến YTCS cũng đang được đặt ra ở tỉnh Quảng Bình. “Hiện nay, chúng tôi cơ bản vẫn duy trì được mỗi trạm y tế có một bác sĩ. Tuy nhiên, khi đội ngũ bác sĩ đang công tác nghỉ hưu, nếu chúng ta không có chính sách điều chỉnh phù hợp thì nhiều trạm y tế xã tại huyện Minh Hóa sẽ không còn bác sĩ”, bác sĩ Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết. Thiết nghĩ, đây là lời cảnh báo rất đáng quan tâm, cần phải lắng nghe để có chính sách thu hút, giữ chân bác sĩ cho tuyến YTCS.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng chất lượng công tác khám, chữa bệnh còn hạn chế, nhất là ở các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa do thiếu cán bộ y tế. Cả nước vẫn còn khoảng 20% số xã chưa có bác sĩ, phải luân phiên bác sĩ từ tuyến huyện về khám, chữa bệnh một số ngày trong tuần. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trạm y tế xã năng lực chuyên môn của thầy thuốc còn yếu, chưa thực hiện được hết danh mục kỹ thuật theo quy định, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS, TS Phan Lê Thu Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở (Bộ Y tế), cho biết: “Nhân lực y tế của mạng lưới YTCS còn mỏng, đặc biệt là tại các trạm y tế xã.
Số lượng nhân lực y tế sẵn có hiện nay của YTCS thấp hơn so với quy định hiện hành và được đánh giá là thiếu hụt nghiêm trọng so với yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu tối ưu, trong khi đó chúng ta lại chưa tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có (chưa huy động sự tham gia của y tế ngoài công lập trong việc cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu). Chất lượng nhân lực của YTCS cũng được đánh giá là còn hạn chế cả về kiến thức và năng lực thực hành...”.
Lương thấp, khó bám trụ với nghề
Có nhiều lý do để bác sĩ không muốn về làm việc ở tuyến cơ sở. Thứ nhất là vì tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ với cán bộ y tế quá thấp. Lương của bác sĩ mới ra trường không đủ sống, phải tìm chỗ làm việc phù hợp hơn hoặc làm thêm để có nguồn thu nhập bổ sung cho đồng lương ít ỏi. Không ít bác sĩ đã tìm đến các cơ sở y tế tư nhân để đầu quân.
Làn sóng "chảy máu chất xám" từ khu vực y tế công sang y tế tư nhân hiện nay cho thấy rõ điều đó. Thứ hai là ít có cơ hội để nâng cao tay nghề, học tập, tiến bộ trong chuyên môn. Làm việc ở các bệnh viện lớn, bác sĩ có cơ hội để tiếp tục học chuyên khoa, tu nghiệp ở nước ngoài, giao lưu với các chuyên gia đầu ngành. Còn với bác sĩ ở các trạm YTCS, đường học tập gần như bế tắc.
Bác sĩ Đinh Thành Quyết công tác tại Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa đã được hơn 10 năm, tuy nhiên mức lương mà bác sĩ Quyết đang được hưởng là 6 triệu đồng/tháng. Bác sĩ Đinh Thành Quyết chia sẻ: “Học ngành y học phí cao, ngoài học phí còn đầu tư nhiều khoản học tập khác, thời gian kéo dài, nhưng ra trường lương quá thấp, cho nên y tế công khó thu hút bác sĩ giỏi, tuyến YTCS càng khó tuyển dụng cũng như giữ chân bác sĩ. Tôi là người ở địa phương, bố mẹ lại lớn tuổi, cần con cái ở bên cạnh chăm sóc nên lựa chọn công tác tại Trung tâm Y tế huyện, chứ thực lòng, với mức lương này tôi không bảo đảm được cuộc sống hằng ngày”.
Trên thực tế, do chế độ tiền lương, phụ cấp chưa tương xứng nên nhiều trung tâm y tế tuyến huyện và đặc biệt là trạm y tế tuyến xã vừa khó tuyển dụng bác sĩ, vừa rơi vào tình trạng “chảy máu chất xám” khi nhân lực có trình độ, tay nghề xin chuyển công tác, bỏ việc, thôi việc vẫn đang diễn ra... Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Đức, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đưa ra một dẫn chứng, đó là ở tuyến YTCS, mỗi đêm trực chỉ có một người, nhưng tiền trực mỗi đêm cũng chỉ được 25.000 đồng và tiền ăn sáng là 15.000 đồng.
“Một bác sĩ trực đêm, lo cho sức khỏe của bệnh nhân, xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất, vậy mà tiền trực chỉ tương đương một bát phở. Đúng là vô lý và có thể nói là bất công với người lao động có trình độ cao”, bác sĩ Nguyễn Văn Đức trăn trở. Với bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Phó trưởng trạm Y tế thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch thì việc trực đêm không chỉ là chuyên môn mà còn có thể gặp tình huống nguy hiểm.
“Trong nhiều ca trực của tôi xảy ra tình trạng nửa đêm có mấy người đàn ông nghiện ma túy vào Trạm đòi mua kim tiêm. Vì lo lắng cho vợ nên bây giờ mỗi lần tôi đi trực thì chồng cũng đi trực cùng. Đây là câu chuyện cá nhân nhưng cũng phản ánh thực tế đang diễn ra tại cơ sở: Công việc tuy nguy hiểm, vất vả nhưng phụ cấp lại rất thấp...”, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết.
Không chỉ các bác sĩ đã có tay nghề không mặn mà với YTCS mà ngay cả nhiều sinh viên ngành y chuẩn bị ra trường cũng đắn đo khi lựa chọn. Nguyễn Minh Khang, sinh năm 2002, sinh viên Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên), chia sẻ: "Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, chúng em tình nguyện đi hỗ trợ các địa phương chống dịch. Đến làm việc thực tế tại các trạm y tế mới thấy YTCS còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Không chỉ sinh viên chuyên ngành bác sĩ đa khoa, ngay cả các bạn sinh viên khoa điều dưỡng hay chuyên ngành nào đi chăng nữa, khi ra trường cũng luôn muốn chọn một cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị, kỹ thuật, có những người thầy giỏi "cầm tay chỉ việc" để có thể học hỏi, phát triển về chuyên môn, trong khi ở trạm y tế sẽ rất khó để có điều này. Vì vậy, ít ai ra trường lại chọn trạm y tế xã là nơi để gắn bó...".