Tháo gỡ khó khăn cho vùng quy hoạch khoáng sản
BPO - Ngày 18-7-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 866). Tiếp theo đó, ngày 1-11-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1277/QĐ-TTg về phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có khoảng 90.000 ha đất trong quy hoạch, trải dài địa bàn các huyện Bù Đăng, Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Gia Mập và thị xã Phước Long, trong đó bao trùm gần như toàn huyện Bù Đăng. Quy hoạch đã gây ra những khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng dân sinh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cũng như xây dựng nông thôn mới (NTM)...
Bài 1:
NAN GIẢI NÔNG THÔN MỚI
Năm 2024, tỉnh Bình Phước có 5 xã được chọn đầu tư cán đích NTM, trong đó 2 xã Nghĩa Bình và Đồng Nai, huyện Bù Đăng có 100% diện tích nằm trong quy hoạch vùng khoáng sản. Đây là bài toán khó để các địa phương về đích xây dựng NTM trong năm nay.
Khó cán đích
Tuyến đường giao thông huyết mạch từ thôn Bình Tiến ra trung tâm xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng dài 6,2km hình thành từ hàng chục năm nay. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, thôn Bình Tiến đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí cùng Nhà nước bê tông xi măng 4km, rộng 5m. Những tưởng đoạn còn lại sẽ đầu tư xây dựng trong năm 2024 để thông tuyến ra trung tâm xã nhưng đã có văn bản tạm ngưng do "dính" quy hoạch bô-xít. Không chỉ đường giao thông mà nhà văn hóa thôn Bình Tiến chật hẹp, xuống cấp từ lâu và đã có chủ trương đầu tư xây dựng mới nhưng cũng cho tạm ngưng do vướng quy hoạch.
Xã Nghĩa Bình có 2 trường học là Tiểu học và THCS Nghĩa Bình và Trường mầm non Tuổi Hồng. Trong đó, Trường mầm non Tuổi Hồng được đầu tư xây dựng và hoàn thành trước khi có Quyết định 866 của Thủ tướng Chính phủ nên đến nay cô trò có ngôi trường rộng rãi, khang trang, sạch đẹp để yên tâm nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Tuy nhiên, sát đó là Trường tiểu học và THCS Nghĩa Bình lại không như mong đợi. Trường có gần 600 học sinh/3 điểm, do xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp và đã có chủ trương xây dựng mới năm 2024 theo hướng đạt chuẩn nhưng hiện tạm ngưng do quy hoạch.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình Lưu Minh Nghĩa cho biết: Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, đến nay xã đạt 16/19 tiêu chí NTM. Hiện còn 3 tiêu chí chưa đạt là giao thông, trường học và cơ sở vật chất văn hóa. Đây là 3 tiêu chí liên quan đến đầu tư xây dựng, tuy nhiên 100% diện tích tự nhiên của xã nằm trong quy hoạch nên không thể triển khai thực hiện.
Toàn xã có 28 công trình đường bê tông xi măng đã được HĐND xã thông qua và người dân cũng đã đóng đối ứng sẵn sàng chờ triển khai thi công năm 2024, nhưng đến nay phải tạm dừng. Nghĩa Bình có 6 nhà văn hóa, trong đó 5 nhà văn hóa cần được đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp để đạt chuẩn NTM và đã được nhân dân đồng thuận đóng góp cùng UBND xã triển khai thực hiện nhưng đến nay phải tạm dừng chờ hướng dẫn của cấp trên do vướng quy hoạch.
Ngoài ra, còn nhiều công trình khác cần đầu tư xây dựng để xã đạt chuẩn NTM năm 2024 như hội trường xã, đường nội ô trung tâm hành chính xã, mương thoát nước và tường rào, cổng trụ sở UBND xã… cũng phải tạm dừng.
Nhiều vấn đề phát sinh
Theo ông Lưu Minh Nghĩa, không chỉ các công trình xây dựng dân sinh mà nhiều vấn đề nảy sinh liên quan khác cũng gây ra những khó khăn, bất cập cho xã. Việc chuyển mục đích sử dụng đất, cấp mới, sang nhượng tạm dừng chờ hướng dẫn nên gây khó khăn cho người dân. Các nguồn thu từ nguồn sử dụng đất không có dẫn đến không còn nguồn để đầu tư phát triển góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Khi vay vốn ngân hàng để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, các ngân hàng hạn chế mức cho vay đối với đất nông nghiệp, cho vay rất thấp đối với đất thổ cư hoặc không vay được với đất không có thổ cư… do vướng quy hoạch. Khi biết xã trong vùng quy hoạch bô-xít, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng “e dè”, không muốn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh… Do đó, việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương khó có thể thực hiện như chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.
“Từ cuối năm 2023 đến nay, nhiều người dân mong muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây nhà hay xin xây dựng, sửa chữa nhà ở cũng tạm ngưng. Chỉ trừ những trường hợp có nhu cầu thật chính đáng, cấp thiết, UBND xã xin ý kiến Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện thì mới hướng dẫn người dân viết đơn. Tuy nhiên, người dân phải viết cam kết khi xây dựng, sửa chữa nhà thời điểm này nếu về sau triển khai thu hồi đất, kê khai tài sản sẽ không được đền bù, nếu cam kết thì xã mới thuận chủ trương cho làm” - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình Lưu Minh Nghĩa chia sẻ.
Để tháo gỡ khó khăn trong xây dựng NTM, xã đã mời các phòng, ban chuyên môn của huyện và Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh về khảo sát, tổng hợp danh mục công trình dự kiến đầu tư xây dựng về đích NTM. Đồng thời báo cáo Huyện ủy, UBND huyện tìm giải pháp tháo gỡ cho xã Nghĩa Bình đầu tư về đích NTM đúng hẹn.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình LƯU MINH NGHĨA
Nợ đọng
Đức Liễu, huyện Bù Đăng là xã được đầu tư cán đích NTM nâng cao năm 2022 và cuối năm 2023 đã được công nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, Trường tiểu học Kim Đồng vẫn chưa được đầu tư xây mới do quy hoạch bô-xít. Hiện trường có 1.007 học sinh/32 lớp với 8 điểm trường, gồm 1 điểm chính và 7 điểm lẻ. Trong 7 điểm lẻ có tới 4 điểm phải mượn nhà văn hóa thôn. Và nếu năm học tới chưa xây phòng học mới sẽ phát sinh thêm 3 lớp nữa, bởi từ năm học 2024-2025 sẽ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 5. Lúc này khó sẽ chồng thêm khó, bởi các nhà văn hóa không còn để mượn. Dự kiến năm học tới, nhà trường sẽ phải ghép lớp hoặc dồn học sinh mới đủ phòng học.
Nhà vệ sinh Trường TH và THCS Nghĩa Bình chật hẹp, xuống cấp và đã có chủ trương xây mới nhưng cũng tạm ngưng do dính quy hoạch bô-xít
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Liễu Hoàng Trọng Bình cho biết, đến năm 2025, xã Đức Liễu phấn đấu lên đô thị loại 5 và đã về đích NTM nâng cao, vì vậy việc quy hoạch bô-xít của địa phương với 8.783 ha/8.783 ha đất tự nhiên là không phù hợp. Nhiều năm qua, Trường tiểu học Kim Đồng tại thôn 6 đã xuống cấp trầm trọng và UBND huyện Bù Đăng đã chọn vị trí xây dựng mới tại thôn 2, xã Đức Liễu. Đây là vấn đề rất cần thiết, do đó UBND xã đề xuất cần thay đổi quy hoạch bô-xít trên địa bàn, đặc biệt là thay đổi quy hoạch bô-xít tại khu vực xây dựng Trường tiểu học Kim Đồng mới để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dạy và học.
Đức Liễu có 7 trường học công thì Trường tiểu học Kim Đồng đang gặp khó khăn nhất và cũng là tiêu chí xã đang nợ trong xây dựng NTM nâng cao. Nguyên nhân, do trước đây tại điểm chính chật hẹp không thể đầu tư xây mới buộc phải tìm vị trí khác phù hợp. Tuy nhiên, khi tìm được vị trí đất phù hợp lại vướng vào quy hoạch chung, quy hoạch đô thị Đức Liễu, quy hoạch NTM Đức Liễu và nay là quy hoạch bô-xít nên đang tạm ngưng.
Khác với xã Nghĩa Bình và Đồng Nai, diện tích quy hoạch bô-xít ở xã Đăng Hà chỉ chiếm 57% diện tích đất tự nhiên, may mắn là phần lớn nằm trên đất lâm phần chưa giao về địa phương quản lý. Tuy nhiên, hiện nay xã chỉ mới đạt 10/19 tiêu chí NTM, trong đó nhiều tiêu chí cần vốn lớn như giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, đặc biệt là tiêu chí thủy lợi cần đầu tư 75 tỷ đồng. Bởi là xã thuần nông có diện tích đất trồng lúa lớn nhất huyện Bù Đăng với hơn 600 ha nhưng hệ thống kênh mương thủy lợi hiện chỉ cung cấp nước tưới tiêu cho khoảng 70 ha, số còn lại phụ thuộc vào thời tiết nên việc canh tác lúa của người dân cũng chỉ đủ phục vụ gia đình.