Tháo gỡ khó khăn công trình hồ chứa nước ở miệt rừng U Minh hạ

Sau gần 2 năm kể từ ngày khởi công, công trình xây dựng hồ chứa nước ngọt ở miệt rừng U Minh hạ, tỉnh Cà Mau đã cơ bản hoàn tất phần nạo vét lòng hồ. Tuy nhiên, việc hoàn thành các công đoạn còn lại đang gặp trở ngại và cần thêm thời gian...

Công trình hồ chứa nước ngọt ở miệt rừng U Minh hạ thi công cơ bản xong hạng mục lòng hồ.

Công trình hồ chứa nước ngọt ở miệt rừng U Minh hạ thi công cơ bản xong hạng mục lòng hồ.

Trong quá trình thi công, bên cạnh việc gặp nhiều trở ngại, gần đây, dư luận phản ảnh có dấu hiệu bất thường tại hồ chứa nước ngọt trên. Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau có công văn (số 7838/UBND-XD, ngày 5/10/2023) chỉ đạo chủ đầu (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau) phối hợp các đơn vị chức năng có liên quan rà soát, báo cáo cụ thể bằng văn bản.

Tổng quan khu công trình hồ chứa nước ngọt ở miệt rừng U Minh hạ (Ảnh chụp vào đầu tháng 10/2023).

Tổng quan khu công trình hồ chứa nước ngọt ở miệt rừng U Minh hạ (Ảnh chụp vào đầu tháng 10/2023).

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, dự án xây dựng công trình hồ chứa nước ngọt ở U Minh được cấp thẩm quyền phê duyệt từ năm 2018 đến năm 2022, tức thời gian thực hiện là 4 năm.

Trong quá trình triển khai, giai đoạn chuẩn bị hồ sơ có 2 cái khó khăn. Theo kế hoạch lựa chọn đấu thầu, hạng mục thực hiện hồ chứa này là 660 ngày, nhưng đến đoạn bản vẽ thi công thì gặp vướng mắc mà phía nhà tài trợ phải yêu cầu làm rõ.

Đó là phân tích làm rõ chất lượng nguồn nước thu gom vào trong hồ. Muốn làm được vậy phải phân tích nguồn nước qua các tháng của cả một mùa mưa. Nghĩa là, phải hết một mùa mưa mới phân tích được. Ngoài ra, việc lấy ý kiến về thiết kế bản vẽ thi công của hồ phải mất thêm thời gian cho nên thời gian cho hạng mục này mất hết 740 ngày, tương đương hơn 2 năm.

Tiếp theo đó, đến giai đoạn mời thầu để thực hiện thì ta không chọn được bởi 2 lý do.

Thứ nhất, do lần đầu chỉ có 1 nhà thầu nhưng họ bỏ giá cao hơn với giá mời thầu. Sau khi xem xét lại nguyên nhân của nó là do định mức lập dự toán cần phải điều chỉnh. Vì vậy, việc điều chỉnh định mức trong dự toán và tổ chức đấu thầu lại ta mất thêm hơn 8 tháng. Hai cái khó khăn vừa nêu khiến chúng ta mất gần 3 năm cho việc chuẩn bị hồ sơ đầu tư, đấu thầu, trong khi tổng dự án có 4 năm.

Cũng vì lẽ đó, khi ta chọn được đơn vị trúng thầu để thi công, thì thời gian còn lại để thực hiện dự án chỉ còn khoảng 1 năm. Trong khi theo thiết kế, thì thời gian thi công hồ nước ngọt này là 2 năm. Lẽ dĩ nhiên, khi thực hiện 1 năm của công trình kế hoạch thi công 2 năm thì đương nhiên nó sẽ rất áp lực về mặt thời gian.

Trong quá trình thi công, nhà thầu lại gặp thêm 2 khó khăn nữa. Khó khăn thứ nhất là về thời tiết không thuận lợi cho việc thi công, kế đến là gặp cảnh khan hiếm nhiên liệu. Như chúng ta biết, việc thi công này phải sử dụng rất nhiều máy móc, thiết bị để bốc dỡ khối lượng đất rất lớn nhằm tạo lòng hồ, cần rất nhiều nhiên liệu. Nhưng có thời điểm trong năm 2022, nhiên liệu rất khan hiếm, mua cũng không đủ để máy móc hoạt động.

Mặc dù, tỉnh chỉ đạo rất sát sao, nhà thầu cũng rất cố gắng nhưng mà trong một năm để thực hiện công việc trước đó đã sắp đặt nó 2 năm, cộng thêm các khó khăn vừa kể thì trên thực tế nhà thầu không thể nào hoàn thành được, dẫn đến phải xin gia hạn.

Cũng cần nói rõ thêm rằng, dự án nêu trên không phải chỉ của tỉnh Cà Mau mà của nhiều tỉnh trong cả nước, và tình hình thực hiện tại các tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định đồng ý gia hạn thực hiện dự án đến 30/6/2024. Và trên cơ sở gia hạn của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cà Mau cũng căn cứ vào điều kiện thực tế để gia hạn hạng mục công trình hồ chứa nước ngọt nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư, cho nhà thầu có thời gian hoàn thành công trình, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Phóng viên: Dư luận phản ảnh quá trình thi công hồ chứa nước ngọt có bất thường, trong đó nổi cộm là việc trễ hạn và xảy ra sụp lún, sạt trượt. Việc này qua rà soát cụ thể ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Văn Sử: Việc phản ảnh nêu trên là đúng, nhưng chỉ trễ trên hợp đồng. Bởi tại thời điểm ký hợp đồng mình không thể ký dài hơn vì thời gian thực hiện dự án nó đã gần hết. Và hiện nay, thời gian thực hiện dự án cũng được Thủ tướng Chính phủ và tỉnh cho kéo dài ra. Việc kéo dài ra này cộng với các khó khăn về thời tiết, nhiên liệu thì chúng ta thấy rằng nó phù hợp, chứ không phải kéo dài ra nhiều hơn quá mức so thời gian dự kiến trong thiết kế thi công.

Thứ hai là việc sạt trượt, có xảy ra trong quá trình thi công. Qua báo cáo của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thì nguyên nhân của tình huống xảy ra sạt trượt là do khu vực hồ hiện trạng là khu vực rừng trồng được kê liếp, có những liếp kê cạn, có những liếp kê sâu. Mà ở những liếp kê sâu bên dưới nó là bùn. Nghĩa là, hệ thống bùn trong kênh mương này nó không đều nhau. Cộng thêm tình huống trong quá trình chúng ta thi công có những chỗ bốc dỡ, gia tải nó lớn và thời tiết có những lúc nó mưa nhiều nên xảy ra sạt trượt. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan đã thấy được nguyên nhân nên đã chủ động có những biện pháp khắc phục và đến nay việc sạt trượt nó đã được ổn định.

Phóng viên: Quá trình thi công, chủ đầu tư có điều chỉnh thiết kế vì sạt trượt. Việc điều chỉnh này có làm tăng thêm chi phí so tổng mức đầu tư ban đầu hay không?

Đồng chí Lê Văn Sử: Trước điều kiện thực tế và áp lực tiến độ thi công dẫn đến nó có dấu hiệu sạt trượt, các đơn vị có liên quan đã xác định các biện pháp để xử lý, bao gồm xử lý tại hiện trường, cả điều chỉnh một số hạng mục nhằm đảm bảo thân đê nó ổn định. Việc điều chỉnh này nó nằm trong thẩm quyền của chủ đầu tư và cũng đã được phía nhà tài trợ là ngân hàng thế giới đồng ý. Về mặt kinh phí thì nó không vượt tổng mức đầu tư.

Phóng viên: Thời gian hoàn thành hồ chứa nước ngọt này không còn dài, phía lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo như thế nào để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ công trình nêu trên?

Đồng chí Lê Văn Sử: Cái thuận lợi của hạng mục dự án hồ chứa nước ngọt này là đã được Thủ tướng Chính phủ và phía tỉnh đồng ý kéo dài thời gian thực hiện.

Tuy nhiên, chúng ta cũng dự báo rằng, trong thời gian tới vẫn còn những khó khăn nhất định trong thi công hạng mục hồ chứa nước ngọt, nhất là tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, ảnh hưởng tiến độ. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị chức năng liên quan yêu cầu nhà thầu phải xây dựng kế hoạch tiến độ hết sức chặt chẽ, cụ thể về nội dung, về thời gian và có theo dõi, giám sát.

Nhờ đôn đốc Ủy ban nhân dân tỉnh và chủ đầu tư, công trình hồ chứa nước ngọt ở miệt rừng U Minh hạ thi công bất kể thời tiết xấu.

Nhờ đôn đốc Ủy ban nhân dân tỉnh và chủ đầu tư, công trình hồ chứa nước ngọt ở miệt rừng U Minh hạ thi công bất kể thời tiết xấu.

Chủ đầu tư đã được chỉ đạo phải thường xuyên theo dõi tình hình, nắm bắt kịp thời những khó khăn ngay từ khi nó mới phát sinh, để phối hợp các ngành, đơn vị có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cấp có thẩm quyền kịp thời chỉ đạo tháo gỡ, nhằm bảo đảm hồ chứa nước ngọt này hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng trong khuôn khổ thời gian mà cấp có thẩm quyền đã phê duyệt.

Xin cảm ơn đồng chí!

Như Báo Nhân Dân đã đưa tin “Kéo dài thời gian hoàn thành hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Cà Mau”, công trình Hồ chứa nước ngọt ở U Minh là một trong 4 hạng mục đầu tư quan trọng của Tiểu dự án 8, thuộc Dự án “Chống chịu khí hậu bền vững và Sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long”, (gọi tắt là ICRSL). Theo hợp đồng ký kết ban đầu, kế hoạch hoàn thành công trình là 365 ngày, tức cuối năm 2022.

Tuy nhiên, do gặp khó khăn chung tại nhiều tỉnh nên ngày 16/12/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định (số 1554/QĐ-TTg) về việc phê duyệt chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án ICRSL đến ngày 30/6/2024. Vài ngày khi có quyết từ Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành quyết định cho điều chỉnh, kéo dài thời gian thực hiện công trình hồ chứa nước ngọt thêm 18 tháng, tức đến giữa năm 2024.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thao-go-kho-khan-cong-trinh-ho-chua-nuoc-o-miet-rung-u-minh-ha-post778934.html