Tháo gỡ khó khăn của ngành y tế khi thực hiện tự chủ tài chính

Việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các bệnh viện, trung tâm y tế (TTYT) từ cơ chế được ngân sách nhà nước chi trả các hoạt động sang cơ chế tự chủ nhằm giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước, tạo động lực phát huy sự sáng tạo trong hoạt động là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, khi thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các đơn vị sự nghiệp y tế công lập cũng gặp những khó khăn, hạn chế nhất định.

 Thực hiện cơ chế tự chủ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và thái độ phục vụ bệnh nhân ngày càng chuyên nghiệp hơn - Ảnh: T.T

Thực hiện cơ chế tự chủ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và thái độ phục vụ bệnh nhân ngày càng chuyên nghiệp hơn - Ảnh: T.T

Ngành y tế tỉnh có 20 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, đến nay có 4 đơn vị đảm bảo toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, 15 đơn vị tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên và 1 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi hoạt động thường xuyên. Mục đích của việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính là các đơn vị chủ động và sử dụng có hiệu quả tài sản, nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh (KCB), thái độ phục vụ người bệnh nhằm tăng thu, giảm chi, hướng tới nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức và người lao động.

Từ thực tế triển khai cơ chế tự chủ thời gian qua cho thấy, chất lượng KCB tại các cơ sở y tế đã được cải thiện đáng kể, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB được quan tâm đầu tư. Các đơn vị đã thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, phong cách, thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử của cán bộ, viên chức y tế có bước chuyển biến tích cực. Hầu hết các bệnh viện, TTYT tuyến huyện đã có bước chuyển từ tư duy phục vụ sang tư duy cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Nhiều bệnh viện đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bệnh viện về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

Bên cạnh những kết quả tích cực, ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải, Bệnh viện Mắt, Phòng Quản lý sức khỏe cán bộ tỉnh hoạt động tương đối ổn định, hiện nay, việc thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị y tế tuyến huyện, bệnh viện chuyên khoa gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn thu.

TTYT huyện Cam Lộ là đơn vị thuộc diện tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, được giao chỉ tiêu 100 giường bệnh kế hoạch với cơ sở vật chất tương đối khang trang, hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu KCB và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Trước yêu cầu đổi mới cung cấp dịch vụ y tế phục vụ bệnh nhân, thời gian qua, TTYT huyện Cam Lộ đã chú trọng nâng cao kỹ năng chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế, triển khai nhiều kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới trong KCB như mổ đẻ, mổ ruột thừa viêm, mổ u xơ tử cung, u nang, nội soi dạ dày, nội soi tiêu hóa, tháo và kết hợp xương…

Triển khai thực hiện cơ chế tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên, nguồn thu của trung tâm phụ thuộc vào số lượng bệnh nhân đến KCB. Tuy nhiên, hiện tại số lượng bệnh nhân đến KCB hằng ngày chưa đáp ứng được yêu cầu “thu đủ chi” của đơn vị.

Giám đốc TTYT Cam Lộ, bác sĩ CK I Nguyễn Quảng cho biết: “Hiện đơn vị không có nguồn kinh phí để tái đầu tư, nâng cấp, thay thế các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác KCB được trang bị nhiều năm đã xuống cấp. Phần lớn thời gian áp dụng cơ chế tự chủ vừa qua, trung tâm phục vụ cho công tác phòng, chống COVID-19 nên số lượng bệnh nhân đến KCB hạn chế, đơn vị không có nguồn thu nào bù đủ nguồn chi”.

Cũng theo bác sĩ Quảng, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị y tế tuyến huyện, trong đó có TTYT Cam Lộ. Đó là hiện nay, giá dịch vụ KCB bảo hiểm y tế chưa được tính đúng, tính đủ, mới tính bốn trong số bảy yếu tố cấu thành giá, giá dịch vụ theo yêu cầu phải theo khung giá nhưng đến nay khung giá cũng chưa được ban hành. Ngoài ra, thời điểm áp dụng cơ chế tự chủ cũng như mức độ áp dụng tự chủ bao nhiêu phần trăm đối với các đơn vị y tế cơ sở cũng cần được tính toán hợp lý.

Đối với Bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh, hiện đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động. Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Trương Huyền Trường cho biết, trong hai năm 2020, 2021, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi công năng để điều trị bệnh nhân COVID-19. Từ khi hoạt động bình thường trở lại đúng chức năng nhiệm vụ, số lượng bệnh nhân đến KCB cũng hạn chế, ảnh hưởng đến nguồn thu, tính chất của bệnh viện là mang tính xã hội cao, trong khi được giao tự chủ như các đơn vị khác nên gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tế tại các cơ sở y tế hiện nay cho thấy, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, trình độ chuyên môn của các đơn vị có sự khác biệt khá lớn do mức đầu tư còn hạn chế. Việc phân bổ ngân sách còn mang tính bình quân, chưa gắn kết với kết quả đầu ra, chưa gắn chặt với nhiệm vụ chuyên môn giao. Nhiều đơn vị không đủ nhân lực, mất cân đối về cơ cấu tổ chức chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ do chỉ tiêu biên chế/ nhân lực được giao còn thấp.

Chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý, chính sách thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là cán bộ giỏi về công tác tại các đơn vị ở vùng khó khăn, lương, ngạch bậc thấp, thu nhập tăng thêm thấp dẫn đến cán bộ không yên tâm công tác. Về ngân sách giao tự chủ, định mức phân bổ còn thấp ảnh hưởng đến khả năng tiết kiệm chi, nên số kinh phí tiết kiệm để tăng thu nhập cho người lao động không đáng kể... Đây là những rào cản ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị y tế được giao tự chủ trong thời gian qua.

Giai đoạn 2022 - 2025, UBND tỉnh tiếp tục giao quyền tự chủ cho các đơn vị công lập trực thuộc Sở Y tế tỉnh, trong đó có 5 đơn vị tự đảm bảo kinh phí thường xuyên gồm 4 đơn vị đã thực hiện giai đoạn trước và thêm TTYT huyện Vĩnh Linh. Có 6 TTYT tuyến huyện được giao đảm bảo từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên và 6 đơn vị đảm bảo từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên. Trung tâm Pháp y được giao tự đảm bảo từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên, còn lại hai đơn vị là Trung tâm Kiểm nghiệm dược, mỹ phẩm và TTYT huyện đảo Cồn Cỏ là các đơn vị sự nghiệp công do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.

Để tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị công lập thuộc ngành y tế, cần có sự rà soát lại, giao kế hoạch hoạt động chuyên môn hằng năm theo nguyên tắc gắn việc giao kinh phí với giao nhiệm vụ chuyên môn và kết quả đầu ra. Cần tính đúng, tính đủ giá viện phí theo bảo hiểm y tế với đủ 7 yếu tố cấu thành, bảo đảm nguồn thu cho bệnh viện để đầu tư trang thiết bị, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất… bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Đặc biệt, cần có sự bổ sung những quy định pháp quy cụ thể để chính sách giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, trong đó có bệnh viện được xem như một công cụ để nâng cao tính hiệu quả về kỹ thuật trong việc cung cấp các dịch vụ y tế bằng cách tạo ra các động lực kinh tế mạnh mẽ hơn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và bằng cách củng cố thẩm quyền của các nhà quản lý trong các cơ sở y tế.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=170905&title=thao-go-kho-khan-cua-nganh-y-te-khi-thuc-hien-tu-chu-tai-chinh