Tháo gỡ khó khăn để tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân

Chiều 22-10, tiếp tục kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ chiều 22-10.

Doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội còn nhiều

Thảo luận ở tổ, các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020. Trong đó, đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện 3 loại bảo hiểm gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Điều này thể hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đối với người dân, trong đó có những đối tượng khó khăn, đối tượng chính sách.

Theo báo cáo của Chính phủ, quy mô các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục tăng hằng năm, trong đó tổng số dư các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đến năm 2020 là 953.000 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2019. “Số kết dư các quỹ này là hợp lý, song chúng ta nên cân nhắc việc sử dụng và đầu tư số quỹ này như thế nào cho hiệu quả, trong đó việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ cũng cần được tính đến. Thực tế cho thấy, khi số người nghỉ hưu tăng, tuổi thọ trung bình tăng thì số kết dư các quỹ trên tăng là cần thiết để bảo đảm việc chi trả cho người dân”, đại biểu Đinh Tiến Dũng nêu ý kiến.

Cơ bản nhất trí với báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) bày tỏ quan ngại về tình trạng doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

“Điều bất hợp lý là doanh nghiệp vi phạm đóng bảo hiểm xã hội, nhưng người lao động lại phải chịu hậu quả. Điều đáng nói là trong nhiều năm qua chưa có vụ khởi kiện nào về vấn đề này được thực hiện thành công, bởi chưa có các biện pháp cưỡng chế hành chính đối với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội. Vì thế, cùng với việc công khai Quỹ Bảo hiểm xã hội để tăng tính minh bạch thì các cơ quan chức năng cần mở rộng các đối tượng được hưởng trợ cấp theo Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2020, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1.125.236 người, gấp 2 lần so với năm 2019. Trong đó, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2020 là 2,33%. Tổng số tiền thu bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2020 là 3.969 tỷ đồng, còn tổng số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2020 là 137,6 tỷ đồng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, phần kết dư của các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cần được chi cho người lao động, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19.

Chú trọng đầu tư cho y tế cơ sở

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Đoàn Gia Lai) cho rằng, bảo hiểm y tế là “cứu cánh” của người dân khi khám, chữa bệnh trong bối cảnh giá các dịch vụ y tế, thuốc điều trị ngày càng cao hơn so với những giai đoạn trước đó. Đại biểu cho rằng, việc tham gia bảo hiểm y tế thời gian qua đạt vượt mục tiêu khi đã thực hiện chuyển tham gia bảo hiểm y tế từ tự nguyện sang bắt buộc. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị ban hành nghị quyết về nâng cao đầu tư cho y tế cơ sở. Đồng thời, cần điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách hay gia đình nông nghiệp có mức sống khó khăn.

Cho rằng việc bảo đảm tính bền vững, mở rộng mức độ tham gia bảo hiểm y tế là vấn đề quan trọng, đại biểu Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Chúng tôi coi bảo hiểm y tế là một vấn đề trụ cột trong lưới an sinh xã hội. Bộ Y tế sẽ báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội luật để sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo hướng tất cả người dân được tiếp cận với bảo hiểm y tế. Như vậy, chúng ta sẽ bảo đảm được tính bền vững”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Long nhận định, trước tác động của dịch Covid-19, việc tiếp cận các cơ sở y tế tuyến trên khó khăn. Vì thế, công tác khám, chữa bệnh đã thay đổi theo hướng tiếp cận khám, chữa bệnh từ xa và đã đạt được hiệu quả tích cực, được tiếp tục nhân rộng để từng bước nâng cao chất lượng y tế.

“Trong phòng, chống đại dịch, y tế cơ sở là lĩnh vực cần hết sức được quan tâm. Hôm nay có thể là đại dịch Covid-19, nhưng thời gian tới có thể dịch bệnh khác. Do vậy, việc tăng cường dịch vụ y tế tại nơi người dân sinh sống là rất cần thiết”, đại biểu Nguyễn Thanh Long nói.

Tính đến ngày 31-12-2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người, chiếm 58%.

Về vấn đề này, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) cho rằng, vẫn còn một bộ phận người dân chưa tham gia bảo hiểm y tế do công tác tuyên truyền chưa tốt. “Vì thế, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu được tác dụng của bảo hiểm y tế. Cùng với đó cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, đặc biệt tại các khu vực miền núi và nông thôn khi có sự chênh lệch khá lớn với các thành phố hiện nay”, đại biểu Trương Xuân Cừ nêu.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, với tỷ lệ 90,5% người dân tham gia bảo hiểm y tế, chưa bao giờ người dân Hà Nội lại sử dụng thẻ bảo hiểm y tế nhiều như hiện nay, trong đó có 76,5% bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

“Để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân thì chúng ta cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính để tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, bởi đây là giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân”, đại biểu kiến nghị.

Đình Hiệp - Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1015331/thao-go-kho-khan-de-tien-toi-thuc-hien-bao-hiem-y-te-toan-dan