Tháo gỡ khó khăn dự án Đường Vành đai TP.Tân An
Đường Vành đai TP.Tân An sau khi hoàn thành sẽ giảm bớt áp lực cho Quốc lộ 1, tuyến tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP.Tân An và trục đường Hùng Vương, chuyển hướng lưu thông vận tải ra các vùng ven ngoại thành. Dự án (DA) cũng góp phần mở rộng cửa ngõ TP.HCM, kết nối các tỉnh miền Tây với TP.HCM và miền Đông. Vì vậy, DA có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển của thành phố.
Tuyến đường huyết mạch cho sự phát triển
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tân An - Lê Công Đỉnh, công trình được triển khai là nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động, giải phóng mặt bằng (GPMB). Công trình sau khi hoàn thành tạo trục giao thông liên hoàn xuyên suốt nối liền giữa khu đô thị trung tâm thành phố với khu đô thị phía Bắc và khu đô thị phía Nam, là trục liên kết vùng Đồng Tháp Mười với các huyện phía Nam và phía Đông thành phố. Đồng thời, đoạn đường này tạo mối gắn kết, giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy thương mại phát triển, tạo động lực phát triển cho thành phố và cả tỉnh.
Đô thị Tân An tuy có lịch sử hình thành lâu đời nhưng đến nay vẫn còn ở quy mô nhỏ, khó phát triển. Hầu hết việc phát triển đô thị lâu nay vẫn chỉ tập trung tại các phường trung tâm như phường 1, 2, 3, 4, 5, 6. Trong khi đó, những vùng lân cận của thành phố dù còn quỹ đất lớn nhưng lại khó phát triển, bởi hệ thống hạ tầng giao thông còn yếu.
Chính vì vậy, DA đường Vành đai TP.Tân An được triển khai không chỉ tạo sự đồng bộ, nâng cấp hạ tầng đô thị mà còn tạo điều kiện, động lực để thành phố phát triển. Đến thời điểm này, thành phố tập trung hết sức để tháo gỡ khó khăn, nhất là công tác GPMB, tạo điều kiện cho các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công.
“Chúng tôi rất kỳ vọng, tuyến đường Vành đai TP.Tân An khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo trục xương sống bao quanh thành phố, mở ra các hướng phát triển mới, đặc biệt là phát triển đô thị. Trong đó, đến cuối nhiệm kỳ này, thành phố sẽ cố gắng để hình thành từ 2 - 3 khu đô thị có tầm cỡ, quy mô trong khu vực, xứng tầm là đô thị vệ tinh của TP.HCM. Đó không phải là những DA bất động sản phân lô, bán nền mà phải là những DA khu đô thị có đầy đủ tiện ích, nhà ở để thu hút dân cư đô thị và tạo được điểm nhấn cho thành phố” - ông Lê Công Đỉnh nói.
Tháo gỡ “nút thắt”
Hiện tại, vẫn còn một số hộ dân ở TP.Tân An chưa đồng tình với quyết định thu hồi 20m hai bên đường thuộc DA. Họ cho rằng giá trị đền bù thấp, tái định cư không thỏa mãn, thậm chí có hộ trước đó chuyển mục đích sử dụng lên đất thổ cư còn nợ thuế với số tiền cao hơn giá trị nhận được theo giá trị áp giá đền bù,...
Đại diện các hộ dân tại xã Bình Tâm có đất trong DA cho rằng: “Chúng tôi hoàn toàn đồng thuận với chủ trương quy hoạch đường Vành đai nhưng chỉ đồng ý giải tỏa phần đất nằm trong 33m, không chấp nhận giải tỏa thêm 20m hai bên đường. Hơn nữa, chúng tôi kiến nghị Nhà nước xem xét lại đơn giá bồi thường vì hiện tại, giá đền bù quá thấp. Chúng tôi e rằng, sau khi giao nhà, giao đất sẽ khó có thể ổn định cuộc sống”.
Đường Vành đai TP.Tân An (đoạn qua TP.Tân An thuộc thành phần 1, 2, 3) và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây do Trung tâm Phát triển quỹ đất và Dịch vụ tài nguyên, môi trường tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện GPMB toàn tuyến. DA đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây có 1.684 hộ bị ảnh hưởng, đã kiểm đếm 1.684/1.684 hộ, đạt 100%. Tuy nhiên, còn trên 100 hộ dân trong vùng DA chưa đồng ý với phương án GPMB.
Thông tin từ UBND TP.Tân An, các hộ dân còn lại chủ yếu không đồng ý giao đất 20m ở hai bên đường Vành đai vì giá rẻ so với đất mặt tiền sau khi đường hoàn thành, nhiều hộ hoài nghi giao đất, thành phố sẽ phân lô, bán nền, một số muốn tái định cư tại chỗ,...
Về vấn đề này, UBND TP.Tân An nhiều lần khẳng định, phần đất thuộc các phân khu chức năng do Nhà nước quản lý và tuyệt đối không dùng vào việc phân lô, bán nền. Theo đó, các diện tích đất này UBND TP.Tân An phân ra thành các phân khu chức năng và quỹ đất phát triển giao thông. Tùy vào loại phân khu sẽ được giao theo luật định để đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ công cộng, giáo dục, trung tâm thương mại - dịch vụ cấp đô thị, công viên cây xanh,...
Thời gian tới, thành phố tiếp tục hoàn thành thi công hạ tầng kỹ thuật đối với các khu tái định cư thuộc DA đường Vành đai tại phường Khánh Hậu, xã An Vĩnh Ngãi; tiến hành công tác kê biên, lập phương án bồi thường GPMB Khu tái định cư xã Bình Tâm. Đồng thời, thành phố tiếp tục tập trung vận động các hộ còn lại trong vùng DA đồng thuận chủ trương bàn giao mặt bằng thực hiện DA đường Vành đai TP.Tân An và các phân khu chức năng. Bên cạnh đó, thành phố phối hợp đơn vị chủ đầu tư (Sở Tài nguyên và Môi trường) hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ đồng thuận chủ trương, đăng ký nhận tiền, bàn giao mặt bằng,...
Lãnh đạo thành phố cho rằng, chủ trương đầu tư DA là đúng đắn, phù hợp với lòng dân, với định hướng phát triển của TP.Tân An. Vì vậy, việc bồi thường, tái định cư từ khi thực hiện DA phải thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm tính khách quan, công bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân./.
Dự án đường Vành đai TP.Tân An (bao gồm cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây) là 1 trong 3 công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tiếp tục trở thành 1 trong 3 công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Dự án có chiều dài khoảng 23km, mặt đường rộng 33m (bao gồm mặt đường và hành lang), qua địa bàn huyện Thủ Thừa và TP.Tân An. Điểm đầu giao với ngã tư Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa), điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 1 - Đường tỉnh 833, TP.Tân An. Trên địa bàn TP.Tân An, dự án đi qua các xã: Lợi Bình Nhơn, An Vĩnh Ngãi, Bình Tâm, Nhơn Thạnh Trung; các phường: Khánh Hậu, Tân Khánh, 7, 5.
Quy mô xây dựng gồm 6 làn ôtô, hệ thống cầu trên tuyến, hệ thống cống thoát nước, hệ thống chiếu sáng công cộng,... được chia thành nhiều gói thầu với tổng vốn hơn 1.533 tỉ đồng.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thao-go-kho-khan-du-an-duong-vanh-dai-tp-tan-an-a141556.html