Tháo gỡ khó khăn khi thu hút đầu tư châu Âu và Hoa Kỳ vào Vĩnh Phúc

Xác định quy hoạch phải đi trước một bước để đảm bảo phát triển bền vững, Vĩnh Phúc đã lựa chọn những đơn vị tư vấn hàng đầu để lập quy hoạch chiến lược phát triển đô thị và các lĩnh vực khác.

Nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc được xem là một trong những điểm sáng của khu vực phía Bắc về thu hút đầu tư.

Tiềm năng phát triển kinh tế

Vĩnh Phúc là tỉnh hội tụ đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, có vị trí liền kề sân bay quốc tế Nội Bài, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Quảng Ninh, vành đai phát triển công nghiệp phía Bắc rất thuận lợi để triển khai các dự án sản xuất kinh doanh.

Đến nay, tỉnh đã thu hút được 752 dự án trong nước với tổng số vốn 78 ngàn tỷ đồng và 378 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký khoảng 5 tỷ USD.

Điều này thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư đối với tỉnh Vĩnh Phúc. Song, kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa đáp ứng được lòng mong đợi về thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển để đạt được các mục tiêu dài hạn đề ra.

Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020, Vĩnh Phúc cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị là trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ của cả nước; phấn đấu sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Mục tiêu của Vĩnh Phúc không chỉ là môi trường kinh doanh tốt mà còn là môi trường sống tốt. Vĩnh Phúc sẽ là địa chỉ tin cậy để những doanh nghiệp tốt, có năng suất và lợi nhuận cao đến đầu tư kinh doanh; là nơi người giàu và người giỏi đến sống, làm việc trên địa bàn tỉnh.

Do vậy, Vĩnh Phúc rất cần những dự án công nghệ chất lượng cao, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội lớn.

Trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế với tốc độ nhanh, tăng nguồn thu ngân sách, đầu tư hạ tầng đô thị, nông thôn, phát triển các ngành dịch vụ.

Xác định quy hoạch phải đi trước một bước để đảm bảo phát triển bền vững, Vĩnh Phúc đã lựa chọn những đơn vị tư vấn hàng đầu trên thế giới để lập quy hoạch chiến lược phát triển đô thị và các lĩnh vực khác.

Đến nay, tỉnh đã quy hoạch tổng số 50 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 5.900ha có vị trí nằm dọc các trục quốc lộ, tỉnh lộ thuận lợi về giao thông; trong đó, có 18 khu công nghiệp có diện tích trên 5.200ha và 32 cụm công nghiệp có diện tích trên 600ha.

Đây là những thông tin được ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra tại Hội thảo Vĩnh Phúc - điểm đến đầu tư tiềm năng của các doanh nghiệp châu Âu và Hoa Kỳ do lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp với Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham), Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK), Phòng Thương mại Hoa kỳ tại Việt Nam (AmCham) tổ chức sáng 27/11, tại thành phố Vĩnh Yên.

Tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp châu Âu và Hoa Kỳ

Tại hội thảo, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ mong muốn các bộ, ngành luôn đồng hành cùng tỉnh Vĩnh Phúc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, thường xuyên kết nối đề Vĩnh Phúc thu hút đầu tư tốt hơn, trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.

Ông cũng cho rằng, hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp đến từ châu Âu và Hoa Kỳ hiểu rõ hơn những tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Vĩnh Phúc. Qua đây, các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Marko Walde, Chủ tịch Phòng Công nghiệp-Thương mại Đức (AHK) cho rằng, các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam những năm qua chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thời gian tới, các doanh nghiệp Đức tiếp tục đầu tư vào Việt Nam; trong đó, có quan tâm đến tỉnh Vĩnh Phúc. Sở dĩ, các doanh nghiệp Đức quan tâm đầu tư vào Việt Nam nhiều là do chi phí nhân công giá rẻ, con người lao động chăm chỉ và thân thiện, mặt bằng sản xuất và hạ tầng kỹ thuật có sự chuẩn bị tốt.

Khắc phục khó khăn

Theo ông Marko Walde, bên cạnh những ưu điểm trên thì ở Việt Nam còn có những hạn chế, đó là nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và lao động qua đào tạo nghề cũng thiếu thực tế.

Doanh nghiệp Đức đến Việt Nam là đầu tư lâu dài, có trình độ khoa học công nghệ cao,.. điều này luôn đòi hỏi phải có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực mới đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp.

Bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) cho rằng, khi các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam thì vấn đề thuế quan cần được minh bạch, rõ ràng, được thông tin đầy đủ để các doanh nghiệp chấp hành và thực hiện, tránh hoài nghi và gây ra những quan ngại...

Bà Virginia Foote cũng cho rằng, trước sự tìm kiếm của các nhà đầu tư đến một đất nước hay một địa phương thì địa phương đó phải lựa chọn kỹ. Muốn có doanh nghiệp đầu tư dài hạn, doanh nghiệp có uy tín, có danh tiếng và loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém, làm ăn chộp giật thì phải tìm hiểu kỹ về họ mới ra quyết định chính thức, mới chấp nhận đầu tư...

Do vậy, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh khi kêu gọi các dự án đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc, các ban, ngành phải đánh giá một cách tổng thể và toàn diện để lựa chọn những dự án có công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị và sức cạnh tranh cao trên thị trường, đồng thời đảm bảo tốt vấn đề bảo vệ môi trường...

Tại buổi hội thảo, nhiều doanh nghiệp cũng đặt các câu hỏi liên quan đến các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; các lĩnh vực sản xuất đầu tư kinh doanh mà tỉnh đang cần trong thời gian tới.

Ở cấp quốc gia và địa phương cần bổ sung những cơ chế, chính sách sao cho phù hợp; các giải pháp cơ bản để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong thu hút đầu tư, trong lĩnh vực sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp trong và ngoài nước? Những câu hỏi trên đã được các nhà quản lý, giới chuyên môn, chuyên gia... đem ra bàn bạc, thảo luận và trả lời làm rõ tại hội thảo./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thao-go-kho-khan-khi-thu-hut-dau-tu-chau-au-va-hoa-ky-vao-vinh-phuc/609869.vnp