Tháo gỡ khó khăn nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp
Sáng 14-10, tại Trung tâm sự kiện Royal thành phố Tuyên Quang, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Liên minh Hợp tác xã và lãnh đạo các ngân hàng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5 - 2 %/năm. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các món vay hiện hữu và món vay mới.
Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn đã giảm. Lãi suất cho vay ngắn hạn các đối tượng ưu tiên 4%/năm; cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh từ 6,3% - 10%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh từ 9,5% - 12%/năm; so với đầu năm lãi suất cho vay giảm từ 0,5% - 3,5%/năm.
Lãi suất giảm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Đến 30-9, dư nợ tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp đạt 8.178 tỷ đồng, so với 31-12-2022 tăng 456 tỷ đồng, tương đương tăng 5,9%.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và góp ý kiến vào các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt công tác phối hợp trong năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước tỉnh chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chương trình phối hợp công tác và hoạt động kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.
Đồng chí đề nghị năm 2023 ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng trên địa bàn tỉnh, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Các ngân hàng thực hiện nghiêm những quy định về lãi suất đồng thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới, hiện đại, nhiều tiện ích, đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân doanh nghiệp.
Các sở, ngành có liên quan tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, HTX và các ngân hàng để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: các thủ tục về đất đai, công tác thẩm định cho doanh nghiệp…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp những vấn đề liên quan trực tiếp đến ngành ngân hàng. Những vấn đề thuộc trách nhiệm của các ngành, các huyện thì Ngân hàng nhà nước tỉnh làm báo cáo tổng hợp trình UBND tỉnh để UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo kịp thời.
Về phía các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các quy trình, thủ tục trong quá trình sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Đồng thời từng doanh nghiệp chủ động đổi mới sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.