Tháo gỡ khó khăn triển khai Dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường kiến nghị Trung ương cho phép áp dụng các chính sách tương tự như Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được Quốc hội vừa thông qua tại Nghị quyết số 172/2024/QH15.
Ngày 5/2, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do ông Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn đầu đã có chuyến khảo sát và làm việc tại tỉnh Lào Cai với các cơ quan hữu quan và tỉnh thành nằm trong Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai- Hà Nội - Hải Phòng.
![Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. (Ảnh Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_197_51406639/5fe1e4cddb8332dd6b92.jpg)
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. (Ảnh Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai)
Theo Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2026 và hoàn thành xây dựng cơ bản vào năm 2030.
Theo Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi: Tổng chiều dài tuyến 388,1km (đoạn ga Lào Cai – ga cảng Lạch Huyện là 383km, đoạn ga Lào Cai – điểm nối ray 5,1km). Chiều dài qua địa bàn tỉnh Lào Cai là 65,01Km.
Ga trên tuyến gồm 16 ga (03 ga lập tàu, 13 ga hỗn hợp) và 14 trạm tác nghiệp kỹ thuật. Trong đó trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 4 ga và 2 trạm tác nghiệp kỹ thuật, cụ thể: Ga Lào Cai có tổng diện tích 84ha và là ga lập tàu; khách và hàng; liên vận; Ga Bảo Thắng có tổng diện tích là 26ha là ga hỗn hợp, tác nghiệp: Khách và hàng ; Ga Sa Pa có tổng diện tích 7,5ha, tác nghiệp: Khách và hàng.
Giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô trạm tác nghiệp kỹ thuật; Ga Văn Bàn tổng diện tích ga là 24,2ha, tác nghiệp: Khách và hàng. Giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô trạm tác nghiệp kỹ thuật.
Tổng diện tích chiếm đất của dự án trên địa bàn tỉnh Lào Cai khoảng 656ha, trong đó diện tích rừng khoảng 444ha (rừng tự nhiên khoảng 24ha, rừng trồng sản xuất khoảng 420ha), diện tích còn lại là đất trống, đất nông nghiệp, đất khác... khoảng 212ha.
Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn theo Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là khoảng 3.758 tỷ đồng.
![Ông Trịnh Xuân Trường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai cung cấp)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_197_51406639/9b8956a569eb80b5d9fa.jpg)
Ông Trịnh Xuân Trường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai cung cấp)
Sắp xếp tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng là 451 hộ, trong đó tỉnh dự kiến sắp xếp vào 11 khu tái định cư (gồm có 4 Khu tái định cư đã xây dựng, đủ điều kiện bố trí; 7 Khu tái định cư xây dựng mới). Sắp xếp, di chuyển các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Đông Phố Mới (nằm trong phạm vi xây dựng ga Lào Cai mới) là 42 dự án.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh, thành phố có dự án đường sắt này đi qua đã báo cáo với đoàn công tác về quy hoạch, khó khăn trong giải phóng mặt bằng; đồng thời đề xuất phương án, cơ chế để triển khai dự án. Các thành viên đoàn công tác làm rõ một số nội dung liên quan đến cơ chế chính sách; phương án mở rộng nhà ga...
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trịnh Xuân Trường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Đoàn Công tác nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền một số nội dung như: Hỗ trợ tỉnh kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư; kiến nghị Trung ương xem xét phát triển ga Bảo Thắng là ga liên vận quốc tế để hỗ trợ cho ga Lào Cai khi đáp ứng nhu cầu do Lào Cai được xác định là cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thông kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Đồng thời để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị Trung ương cho phép áp dụng các chính sách tương tự như Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam vừa được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 172/2024/QH15.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đã trả lời kiến nghị, đề xuất của các địa phương và ý kiến của đại diện các thành viên đoàn công tác về quy mô đầu tư, công nghệ và tiêu chuẩn kỹ thuật, phương án giải phóng mặt bằng…
Qua khảo sát thực tế và các kiến nghị của địa phương, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: Đề xuất của địa phương là phù hợp với yêu cầu phát triển, đề nghị các địa phương có văn bản gửi Bộ Giao thông, Chính phủ, Ủy Ban Kinh tế để làm cơ sở chính trị, pháp lý để đưa vào báo cáo thẩm tra; đồng thời đây cũng là cơ sở khi hoàn thiện các dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua.