Tháo gỡ khó khăn trong kết nối cung cầu hàng Việt
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, ngày 8-12, tại TP. Pleiku, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phối hợp với Sở Công thương tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam năm 2023.
Tham dự hội nghị có đại diện Sở Công thương cùng các doanh nghiệp, nhà phân phối, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đak Lak, Đak Nông, Quảng Trị và TP. Hồ Chí Minh.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Tây Nguyên có tiềm năng, thế mạnh để trở thành vùng sản xuất một số loại nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao của cả nước, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Nhiều sản phẩm nông nghiệp qua chế biến của vùng Tây Nguyên đã khẳng định được thương hiệu, trong đó, các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu bắt đầu tạo sức hút trên thị trường.
Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương Gia Lai-cho biết: “Hội nghị có sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà phân phối ở các tỉnh, thành trên cả nước với nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là dịp để doanh nghiệp có cơ hội được gặp gỡ trực tiếp với hệ thống phân phối nhằm trao đổi thông tin, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết khai thác nguồn nguyên liệu, hợp tác cung ứng, tiêu thụ hàng hóa giữa các tỉnh, thành trên cả nước. Ngoài ra, những ý kiến thảo luận để làm rõ các vấn đề còn hạn chế, khó khăn trong công tác hỗ trợ kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa của khu vực Tây Nguyên với các tỉnh, thành, nhất là với TP. Hồ Chí Minh giúp các nhà sản xuất có định hướng và giải pháp hiệu quả nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh để liên kết tiêu thụ trong thời gian tới”.
Nói về câu chuyện kết nối, ông Nguyễn Nguyên Phương-Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh-cho rằng: Nhiều doanh nghiệp phản ánh khi họ tham gia kết nối cung cầu thì hiệu quả đạt chưa cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, trong đó có việc nhiều nhà sản xuất chưa xây dựng được thương hiệu và lòng tin với người tiêu dùng. “Chúng ta cần phải làm tốt việc xây dựng thương hiệu, từ đó mới tạo được chỗ đứng trên thị trường. Qua tham khảo và tìm hiểu sản phẩm của các tỉnh Tây Nguyên, tôi thấy có nhiều sản phẩm chất lượng rất tốt, mẫu mã bao bì đẹp, mang nét đặc trưng và có cơ hội mở rộng thị trường. Tuy nhiên, các sản phẩm này lại khá tương đồng với nhau. Vì vậy, sản phẩm muốn phát triển thì phải đảm bảo về chất lượng, có sức cạnh tranh và có điểm nổi bật hơn với những sản phẩm cùng loại”-ông Phương nói.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp sản xuất, đơn vị phân phối đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Bà Trần Thị Mỹ Hiền-đại diện hộ kinh doanh Tuấn Hậu (huyện Krông Pa) cho hay: “Sản phẩm bò một nắng, bò khô của cơ sở Tuấn Hậu đã có mặt trên thị trường từ nhiều năm qua. Việc đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh đã giúp cơ sở có nhiều cơ hội tiếp cận các đối tác lớn. Tuy nhiên, cơ sở vẫn phải học hỏi để từng bước hoàn thiện, cải tiến mẫu mã bao bì, nhãn mác và xây dựng thương hiệu”.
Với kỳ vọng mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và hướng đến xuất khẩu các mặt hàng đặc trưng của địa phương, ông Trương Tuấn Anh-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến nông sản sấy số 1 (tỉnh Đak Lak) chia sẻ: “Sản phẩm của Công ty hiện đã có mặt tại các điểm bán ở sân bay, cửa hàng đặc sản của một số tỉnh, thành phố. Tại Đak Lak, mặt hàng trái cây sấy chỉ mới bắt đầu với quy mô chế biến nhỏ lẻ. Do đó, Công ty đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã bao bì, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng để hướng đến xuất khẩu sang Trung Quốc và Đài Loan trong năm 2024”.
Song hành xúc tiến offline và online
Theo Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ-Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu sức khỏe và Phát triển giáo dục Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng có thế mạnh về sản xuất, chế biến nhiều loại nông sản nhưng giữa người sản xuất và người thu mua chưa có cơ hội, điều kiện tiếp xúc, kết nối giao thương với nhau. Mặc dù các sàn thương mại điện tử OCOP đã đi vào hoạt động nhưng chưa tạo ra bước đột phá giúp người sản xuất thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tinh và thô. Việc kết nối giữa người mua và người bán, giữa các địa phương chưa sát sao để cập nhật thông tin về tình hình sản xuất, các địa chỉ vùng trồng cũng như đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn. Những khó khăn xuất phát từ 4 trọng tâm cốt lõi, đó là: hiểu biết về chuyển đổi số cùng với thay đổi tư duy, nhận thức còn thấp; nguồn nhân lực số phù hợp đạt chất lượng cao trong doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân còn yếu; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo và chưa có định hướng chiến lược phát triển cho mỗi doanh nghiệp, hộ sản xuất.
“Để giúp nhà sản xuất quảng bá sản phẩm, nâng tầm giá trị thương hiệu, chúng tôi đề xuất mô hình xúc tiến thương mại offline và online thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Mô hình này sẽ giúp rút ngắn thời gian kết nối với thị trường, đem sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng, thuận lợi. Mô hình xúc tiến thương mại offline sẽ tập trung tất cả các sản phẩm nông nghiệp tại một địa điểm ở trung tâm đô thị, mục đích là tạo kho hàng, địa điểm để trưng bày, quảng bá, giao thương; tổ chức và vận động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở địa phương tham gia tổ chức xúc tiến thương mại có tính liên kết vùng miền, quy mô lớn, từ đó tạo chuỗi chương trình kết nối giao thương trực tiếp, tăng cường xúc tiến tiêu thụ nông sản mùa vụ của địa phương tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Đối với mô hình xúc tiến thương mại online sẽ ứng dụng công nghệ All in one và VR360 dịch chuyển trung tâm xúc tiến thương mại offline lên online. Mô hình offline nhìn giống như siêu thị nhưng lại khác ở chỗ là áp dụng mô hình 3D dưới hình thức showroom và kết nối với các sàn thương mại điện tử cũng như có chiến lược marketing để hút người dùng”-Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ thông tin.
Đồng quan điểm, ông Trần Nhật Tin-đại diện Công ty TNHH Tiki-nhận định: “Trong vấn đề hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, kênh online đang là xu hướng tất yếu vì có một yếu tố thuận lợi là sự lan tỏa không giới hạn, do đó, khả năng tiêu thụ sản phẩm rất lớn. Vì vậy, sàn thương mại điện tử Tiki có thể giải quyết vấn đề trước mắt cho các nhà sản xuất nhỏ với điều kiện họ phải đảm bảo các yêu cầu như có giấy phép kinh doanh, có đầy đủ giấy tờ đầu vào, sản phẩm phải đạt chất lượng. Tuy nhiên, khi khách hàng mua trên kênh online, họ không trực tiếp cầm nắm sản phẩm nên người bán phải làm sao để đưa hình ảnh, video chân thật nhất, thể hiện là người bán hàng uy tín, xây dựng thương hiệu để sản phẩm đi vào lòng người. Để làm được điều này, ngoài việc làm ra sản phẩm còn phải xây dựng được câu chuyện sản phẩm bởi từ những câu chuyện đó sẽ giúp khách hàng cảm nhận được sự độc đáo, nét khác biệt của từng vùng đất để tạo nên giá trị cho sản phẩm”.