Tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản phẩm du lịch OCOP
Mặc dù có lợi thế về danh lam, thắng cảnh và tiềm năng du lịch nhưng đến nay lĩnh vực du lịch của tỉnh vẫn chưa có sản phẩm nào được gắn sao của chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP). Trong khi đây là hướng đi ngày càng được khuyến khích nhằm không những nâng cao giá trị kinh tế cho người dân mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Mới đi vào hoạt động được một thời gian ngắn, Làng du lịch sinh thái Chênh Vênh tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa đã được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh biết đến với hệ thống cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và đặc biệt là bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều.
Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Phan Ngọc Long cho biết, nhằm phát huy tiềm năng du lịch của địa phương, được sự hỗ trợ của Tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV), UBND xã đã vận động các hộ dân tại khu dân cư Rờ Vê cải tạo, xây mới các nhà sàn làm nơi lưu trú, trưng bày trang phục truyền thống; xây dựng công trình vệ sinh, lắp đặt hệ thống điện mặt trời, giếng nước, khu vực trưng bày nông sản, vườn hoa… Mặc dù còn mới lạ với cách làm du lịch nhưng người Vân Kiều ở Chênh Vênh đã rất chủ động trong việc tham gia các lớp tập huấn, tích cực học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau để làng du lịch sinh thái hoạt động hiệu quả.
UBND xã cũng đã thành lập tổ quản lý mô hình du lịch cộng đồng sinh thái Chênh Vênh với 21 thành viên. Tổ có trách nhiệm đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm nhà sàn, trang phục truyền thống, văn hóa - văn nghệ, tắm suối, xúc cá ở suối tại khu dân cư Rờ Vê; tiếp đón, hướng dẫn du khách ngắm cảnh, thả diều, cắm trại tại đồi Sa Mươi và tham quan rừng tre vầu; đón và hướng dẫn du khách trải nghiệm tại thác Chênh Vênh.
“Hiện tại địa phương đang tích cực phối hợp với các đơn vị để hỗ trợ Chênh Vênh đăng ký mô hình du lịch cộng đồng theo hướng đạt chuẩn OCOP. Qua đó, không những giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của mình”, ông Long cho biết thêm.
Đối với ngành du lịch, các sản phẩm OCOP đã tham gia và đóng vai trò quan trọng trong việc tăng giá trị trải nghiệm của du khách khi đến với Quảng Trị, đồng thời là quà tặng, quà lưu niệm theo chân du khách đi muôn nơi. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất trong chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2021 là vẫn chưa có sản phẩm du lịch đạt chứng nhận OCOP. Trong khi phát triển các sản phẩm du lịch OCOP là xu hướng tất yếu, đang là hướng đi được các cấp, các ngành, các địa phương khuyến khích phát triển do những mô hình này không những nâng cao giá trị kinh tế cho người dân mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Thực tế là gần đây trên địa bàn tỉnh, một số địa phương đang hướng đến phát triển du lịch dựa trên những lợi thế, tiềm năng tại chỗ về cảnh quan thiên nhiên hoặc những vùng có đặc sản địa phương để thu hút du khách như tại thị trấn Khe Sanh, các xã Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Phùng, Tân Hợp (huyện Hướng Hóa), xã Gio An (huyện Gio Linh), xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) với các mô hình du lịch trải nghiệm vườn dược liệu, vườn hoa, dâu tây, chanh leo...
Nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, các địa điểm thu hút khách du lịch được xây dựng dựa trên nguyên liệu sẵn có, thân thiện với môi trường, giữ được nét văn hóa truyền thống của địa phương; vừa cung cấp chỗ nghỉ thân thiện, có khuôn viên rộng, có nhà hàng phục vụ khách; phục vụ nhu cầu khách du lịch tham quan, trải nghiệm cảnh quan tự nhiên. Đây đều là những mô hình có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Hồ Văn Hoan, qua khảo sát tại các địa phương, việc xây dựng một sản phẩm du lịch OCOP hiện nay còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do mô hình OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch là khái niệm còn mới, nhiều người dân đến nay chưa hiểu khái niệm về sản phẩm du lịch OCOP. Các tiêu chí để đánh giá cụ thể đối với sản phẩm du lịch OCOP vẫn chưa được người dân cũng như tổ chức hoạt động về du lịch tiếp cận. Vì vậy, việc xây dựng một sản phẩm du lịch OCOP giai đoạn đầu sẽ có khó khăn nhất định, nhất là về nguồn vốn, nhân lực, phương thức kinh doanh…
Ông Hoan nhấn mạnh, du lịch cộng đồng là một hình thức của du lịch xanh, không chỉ làm đa dạng các sản phẩm du lịch, giúp cho du khách có thêm trải nghiệm mà còn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng địa phương, bảo tồn nét văn hóa bản địa. Sản phẩm du lịch OCOP là khái niệm mới, nhưng nội hàm không mới, mà đó là những mô hình, sản phẩm chúng ta đã có, đã làm. Do vậy, mục tiêu xây dựng 1 - 2 sản phẩm dịch vụ du lịch OCOP giai đoạn 2022 - 2025 là không quá lớn, tuy nhiên, cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương.
Trong đó, cần làm rõ vai trò quan trọng về sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, điều hành du lịch, đặc biệt là cách thức phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch gắn liền với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Lựa chọn, định hướng ngay từ đầu cho các cộng đồng làm du lịch, đảm bảo tiếp cận ngay các tiêu chí đánh giá cụ thể đối với sản phẩm du lịch OCOP để phát triển bền vững. Tập huấn hướng dẫn một số kỹ năng phát triển sản phẩm du lịch OCOP từ tác phong, phong cách phục vụ đến giao tiếp ứng xử và xử lý tình huống; kỹ năng phục vụ khách lưu trú; một số tiêu chuẩn về chính sách và đạo đức kinh doanh, môi trường.
Kết hợp hài hòa nguồn lực các chương trình phát triển du lịch, chương trình nông thôn mới, du lịch nông nghiệp, nông thôn để tập trung phát triển hoàn thiện một số mô hình du lịch OCOP, làm cơ sở nhân rộng. “Với vai trò là cơ quan quản lý các hoạt động về lĩnh vực du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các ngành, địa phương cam kết sẽ tích cực hỗ trợ các cộng đồng để phát triển, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh về tự nhiên, truyền thống văn hóa của các địa phương; xây dựng câu chuyện cho sản phẩm du lịch OCOP phục vụ công tác phân phối, tiếp thị sản phẩm…”, ông Hoan khẳng định.