Tháo gỡ khó khăn trước thềm vụ thu hoạch sầu riêng

Tỉnh Đắk Lắk đang dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng, với 38.800 ha. Khoảng 3 tháng nữa, nông dân trên địa bàn sẽ vào vụ thu hoạch sầu riêng năm 2025.

Trước yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường và nỗi lo về tồn dư hóa chất, kim loại nặng, tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để có mùa vụ 2025 đạt hiệu quả cao.

Nông dân tỉnh Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng (ảnh tư liệu).

Nông dân tỉnh Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng (ảnh tư liệu).

Nỗi lo về rào cản

Theo quy định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, từ ngày 10/1/2025, tất cả lô sầu riêng từ Thái Lan và Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc phải có giấy chứng nhận kiểm định dư lượng Cadimi và chất vàng O. Yêu cầu này từ phía Trung Quốc gây lo ngại cho người trồng sầu riêng và doanh nghiệp xuất khẩu tại Đắk Lắk.

Ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sạch Krông Pắc cho biết, hợp tác xã thành lập năm 2021, hiện có khoảng 200 thành viên; trong đó có 81 hộ dân tộc thiểu số. Diện tích sầu riêng của hợp tác xã khoảng 200 ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch gần 150 ha, năng suất trung bình 20 tấn/ha. Những năm qua, sầu riêng cho giá trị kinh tế cao, là nguồn thu nhập chính của thành viên hợp tác xã.

“Hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã 3 năm hay, từng bước hữu cơ hóa và áp dụng khoa học công nghệ vào vườn sầu riêng. Hiện nay, thành viên hợp tác xã đang chăm sóc vườn để chuẩn bị cho mùa thu hoạch sầu riêng sắp tới, thế nhưng hợp tác xã rất lo lắng không biết nếu có thì nguyên nhân từ đâu, cách khắc phục, kiểm tra, xử lý như thế nào” - ông Mai Đình Thọ băn khoăn chia sẻ.

Bên cạnh nỗi lo của nông dân, từ đầu năm 2025 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, thậm chí có lúc bị động, phải thận trọng hơn trong khâu thu mua, bảo quản sầu riêng. Các doanh nghiệp đang kỳ vọng sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị kiểm nghiệm sẽ xác định, làm rõ nguyên nhân dẫn đến dư lượng Cadimi và chất vàng O trong sầu riêng.

Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm Nguyễn Thị Thái Thanh, mùa vụ thu hoạch sầu riêng ở miền Đông Nam Bộ hiện nay, lượng Cadimi tồn dư trong loại nông sản này đã giảm. Tuy nhiên, tỉnh Đắk Lắk không được lơ là trước những cảnh báo từ nước nhập khẩu. Tỉnh còn có 3 tháng để tìm hiểu nguyên nhân, phân tích và có hướng xử lý kịp thời để nông dân thấy rằng “chúng ta làm chuẩn, chúng ta vẫn có chỗ đứng”, bà Thanh nói.

“Doanh nghiệp có 3 đề xuất cấp bách với ngành hàng sầu riêng, cần triển khai ngay, đó là chọn các hợp tác xã tiêu biểu của tỉnh để thực hiện các điển hình mẫu về quy trình sản xuất an toàn, tích hợp dữ liệu sản xuất để giám sát quy trình và kiểm soát chất lượng Cadimi tại vùng trồng. Lập kế hoạch phân tích mẫu sơ bộ và phân tích mẫu đất, nước, sản phẩm, có biện pháp xử lý đối với những vùng trồng phát hiện nhiễm Cadimi để có thời gian cách ly hiệu quả. Bên cạnh đó, chọn các doanh nghiệp, cơ sở sơ chế đóng gói chất lượng cao để cùng cơ quan chức năng chuẩn hóa cơ sở, quy trình đạt tiêu chuẩn; xây dựng hệ thống liên kết bền vững giữa nhà khoa học - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà đầu tư; siết chặt quản lý quy trình, quy chuẩn và chất lượng sản phẩm trên thị trường, bà Nguyễn Thị Thái Thanh nhấn mạnh.

Trước những nỗi lo của doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân, vừa qua, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường xin ý kiến về những điều bất cập liên quan đến hoạt động xuất khẩu sầu riêng. Văn bản ghi rõ, Nghị định thư đã ký kết với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng (quả tươi) đến tháng 7/2025 sẽ hết hạn. Trong 3 năm thực hiện Nghị định thư đã xảy ra nhiều bất cập, do đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần ban hành hướng dẫn công khai trong hoạt động kiểm tra chất lượng của các phòng thí nghiệm, kiểm dịch tại địa phương; tái ký kết Nghị định thư và nghiên cứu xây dựng các quy định về mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói; nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu…

Tìm giải pháp

Tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để có mùa vụ 2025 đạt hiệu quả cao (ảnh tư liệu).

Tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để có mùa vụ 2025 đạt hiệu quả cao (ảnh tư liệu).

Trong 38.800 ha sầu riêng, tỉnh Đắk Lắk có 4.510 ha trồng mới và khoảng 22.600 ha cho thu hoạch. Sản lượng sầu riêng năm 2025 của tỉnh dự kiến đạt 380.000 - 400.000 tấn. Với sản lượng sầu riêng lớn, chính quyền, ngành chức năng, nhà khoa học cùng doanh nghiệp, hợp tác xã đang “bắt tay” tìm giải pháp để mỗi trái sầu riêng xuất khẩu được thông quan thuận lợi.

Ngày 12/5, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk ký thỏa thuận hợp tác cùng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) về phối hợp nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác sầu riêng giai đoạn 2025 - 2027. Mục tiêu hợp tác nhằm xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk; nghiên cứu các loại giống và phân vùng sinh thái tối ưu cho sầu riêng của tỉnh; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong sản xuất sầu riêng; phối hợp giải quyết một số vấn đề kỹ thuật, an toàn thực phẩm, tồn dư các chất trong sản phẩm, dịch hại cấp bách đặt ra trong thực tiễn…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn, việc ký kết hợp tác giữa Hiệp hội và Wasi vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Hai bên sẽ tổ chức kế hoạch lấy mẫu, đánh giá tình hình nhiễm Cadimi, chất vàng O trên phạm vi toàn tỉnh và tìm ra nguồn gốc, nguyên nhân (nếu có). Bên cạnh đó, về lâu dài, hai bên phối hợp xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật từ trồng trọt đến xuất khẩu, làm cơ sở kiểm soát chất lượng sản phẩm sầu riêng của tỉnh một cách chủ động; hướng dẫn một số vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện những công việc cụ thể đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu.

Tiếp đó, ngày 16/5, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị “Tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm - Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn trong thời gian tới”. Tại hội nghị, vấn đề kiểm soát dư lượng chất bảo vệ thực vật, nhất là kim loại nặng Cadimi và chất vàng O trên mặt hàng sầu riêng xuất khẩu được quan tâm bàn thảo.

Mới đây, ngày 21/5, UBND huyện, Hội Nông dân huyện Krông Pắc cùng doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng sầu riêng xuất khẩu”. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, ngành chức năng, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đã tập trung bàn thảo nguyên nhân tồn dư Cadimi và chất vàng O trong sầu riêng, hướng canh tác nhằm hạn chế nguy cơ tồn lượng Cadimi trong sản phẩm…

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pắc Nguyễn Huy Hoàng, huyện xác định, trước những yêu cầu mới của nước nhập khẩu, huyện vận động bà con sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng; thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức hàng ngày để đưa ra những giải pháp tối ưu, hiệu quả, bền vững, đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với hàng rào kỹ thuật xuất khẩu. Đồng thời, từ đầu năm 2025 đến nay, Hội Nông dân huyện đã tổ chức hơn 10 lớp tập huấn cho 1.500 lượt hội viên nông dân; cùng các buổi hội thảo, tọa đàm nhằm truyền tải cho bà con những kiến thức đáp ứng được yêu cầu về hàng rào kỹ thuật để ngành hàng sầu riêng bền vững.

Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện Trưởng phụ trách Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, hiện tại chưa có một quy trình chuẩn để giải quyết vấn đề dư lượng Cadimi hay chất vàng O trong sản phẩm sầu riêng. Thời gian qua, cùng với giá sầu riêng cao, bà con nông dân cố gắng đẩy cao năng suất một cách tối đa và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều. Do đó, nông dân đã đến lúc cần tập trung trồng sầu riêng theo hướng bền vững, đa sản phẩm và phát triển ở vùng sinh thái phù hợp, tận dụng lợi thế từ thiên nhiên để sản xuất ra sản phẩm có chi phí rẻ mà hiệu quả cao.

Cùng với những giải pháp đã triển khai, tới đây, chiều 24/5, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức “Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững”, kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu sầu riêng hiện nay.

Bên cạnh đó, việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đã mang lại sự phấn khởi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân Đắk Lắk trước thềm mùa vụ thu hoạch sầu riêng 2025.

Bài và ảnh: Hoài Thu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thao-go-kho-khan-truoc-them-vu-thu-hoach-sau-rieng-20250523092046028.htm