Tháo gỡ khó khăn về đơn giá và cung ứng vật liệu xây dựng công trình giao thông
Hiện nay, định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược quốc gia, công trình giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Những khó khăn này, vướng mắc này cần sự phối hợp đồng bộ, bởi liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.
Yêu cầu đặt ra trong quản lý, quản trị các dự án công trình giao thông trọng điểm, cần cương quyết áp dụng quy định phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để cấp nào làm thì cấp đó phải chịu trách nhiệm.
Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm như hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc trục nối Đông – Tây, đường Vành đài 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, nâng cấp hệ thống đường sắt quốc gia; các Dự án đường sắt đô thị; các Dự án cảng biển; hệ thống các cụm cảng hàng không…được triển khai đồng bộ, giúp kết nối phát triển kinh tế các vùng, liên vùng và vùng kinh tế trọng điểm quốc gia đang tạo nên diện mạo mới cho đất nước.
Tuy nhiên, công tác quản lý, quản trị dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, nhất là giá vật liệu xây dựng tại mỏ giao cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ.
Việc này, đòi hỏi các cơ quan Quản lý nhà nước, các nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp có trách nhiệm tập trung chỉ đạo về quy trình tổ chức thực hiện, đi đôi với đó là công tác giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật. Đây là những vấn đề cần nhanh chóng được tháo gỡ, để các công trình giao thông trọng điểm quốc gia được triển khai thuận lợi, đúng tiến độ và chất lượng, như tinh thần chỉ đạo tại Công điện số 02, ngày 9/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Đỗ Đình Phan nêu thực tế, đối với công trình đường vành đai 4 mà Hà Nội đang thực hiện, vẫn chưa có hướng dẫn, điều chỉnh. Việc này thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Trong khi đó, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư theo quy định hiện nay là khoảng 70 tỷ đồng, không đủ để thực hiện dự án trong 2 năm.
“Thành phố Hà Nội, với dự án công trình thi công trong nội đô, vừa thi công, vừa tổ chức giao thông, việc cung ứng vật liệu và chở vật liệu từ 21 giờ đêm đến 5 giờ sáng là phải hoàn thành. Nếu công trình thi công trong 3-5 năm lại vướng giải phóng mặt bằng thì chi phí quản lý dự án của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện nội đô, tôi đề nghị điều chỉnh chi phí vì đó là công trình đặc thù của dự án” - ông Đỗ Đình Phan nói.
Vấn đề quan trọng hiện nay là cần làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành; trách nhiệm thẩm quyền của các địa phương và các chủ thể liên quan đến quá trình triển khai dự án. Trong đó, việc hoàn thiện thể chế pháp luật về việc ban hành định mức, đơn giá xây dựng, đặc biệt là định mức chuyên ngành, đặc thù là cần thiết trong tình hình hiện nay.
Việc xác định quy trình, quy định, thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước gồm các Bộ, ngành, địa phương; của các chủ thể dự án từ Người quyết định đầu tư đến Chủ đầu tư và các Nhà thầu, doanh nghiệp để tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc không rõ thẩm quyền.
Liên quan đến công tác này, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Cục đã rà soát 529 định mức. Trong đó, có 41 định mức trùng với các định mức đã được Viện Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng rà soát để điều chỉnh Thông tư 12; khoảng 90 định mức cần cập nhật, bổ sung phạm vi áp dụng và chuẩn xác lại thành phần công việc.
Đối với nhóm định mức này, cần làm rõ các tiêu chí cụ thể để phân định khái niệm định mức chuyên ngành, định mức đặc thù chuyên ngành làm cơ sở xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ ban hành định mức đặc thù chuyên ngành.
“Thực tiễn một số địa phương công bố giá còn chậm hoặc công bố chưa đầy đủ chỉ số giá xây dựng theo các loại vật liệu xay dựng sử dụng. Sự điều chỉnh giá chưa phản ánh đúng diễn biến thị trường, gây khó khăn cho nhà thầu hoặc chủ đầu tư trong việc điều chỉnh giá hợp đồng do trượt giá. Đối với dự án được áp dụng cơ chế đặc thù, việc triển khai khai thác khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng để chính thức phê duyệt dự toán xây dựng, cần có hướng dẫn của Bộ Xây dựng gồm giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, đền bù… mới làm cơ sở để thanh toán được” - ông Lê Quyết Tiến nêu ý kiến.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho rằng, thời gian qua, Bộ Xây dựng rất chủ động phối hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến định mức, đơn giá nhưng vẫn còn tồn tại nhiều việc. Vấn đề định mức được nhà thầu phản ánh rất nhiều, cụ thể là thấp hơn so với thực tế. Nhưng thực chất thấp như thế nào, có thấp thật không… thì cần có sự đánh giá, rà soát của cơ quan có thẩm quyền; trong đó, có Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý về hoạt động xây dựng chung của cả nước hay như Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư hoặc thực hiện chức năng chủ đầu tư…
“Tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan định mức, đơn giá xây dựng, khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, Bộ Giao thông coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng cần được các bộ, ngành, địa phương phối hợp nghiên cứu, tháo gỡ nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và nâng cao vai trò của các chủ thể trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn đồng thời phải làm thế nào cho rõ ràng, minh bạch” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết.
Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp đưa ra, 2 bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ công tác liên bộ, nhằm triển khai đồng bộ các chỉ đạo của lãnh đạo 2 bộ với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Theo thông tin mới nhất, Bộ Xây dựng cho biết, đang phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải tập trung hoàn thành, ban hành những định mức cần thiết cho quá trình đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia hiện nay như: các định mức về cấp phối vữa, định mức dự toán các công tác thi công cầu dây văng, định mức công tác đào đắp. Bộ Xây dựng cũng tiến hành thu thập, đánh giá, đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá vật liệu xây dựng tại mỏ theo cơ chế đặc thù.