Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản
Chiều 15/4, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị về kết quả rà soát, kiểm tra toàn diện công tác quy hoạch, thăm dò, khảo sát, cấp phép, khai thác, vận chuyển, phục hồi môi trường đối với các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ngành liên quan của tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Cao Văn Cường phát biểu tại hội nghị.
Theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023, trên địa bàn tỉnh có 557 khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản thuộc khu vực phân tán nhỏ, lẻ thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Đến ngày 15/3, toàn tỉnh còn 344 mỏ được cấp đang còn thời hạn.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Trong thời gian qua, việc khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu xây dựng phục vụ thi công các công trình, dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, đóng góp vào ngân sách tỉnh hàng năm từ 900 - 1.000 tỷ đồng.

Đại diện UBND huyện Thọ Xuân phát biểu tại hội nghị.
Để hoạt động khoáng sản đáp ứng được nhu cầu vật liệu xây dựng, đồng thời chấn chỉnh các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã thành lập 3 đoàn tiến hành kiểm tra 243 mỏ. Trong đó có 189 mỏ đá, 33 mỏ đất, 6 mỏ cát, 15 mỏ đất sét, đá cát kết, sét kết làm gạch.
Mặc dù vậy, trong quá trình quản lý còn gặp một số khó khăn, các quy hoạch khoáng sản được tích hợp vào quy hoạch tỉnh đã được lập, phê duyệt từ giai đoạn 2015-2020 nên đến nay nhiều mỏ không còn phù hợp với thực tế. Dự báo nhu cầu về vật liệu xây dựng của các chủ đầu tư chưa chính xác và chưa phù hợp với thực tế, đơn cử như năm 2024 khối lượng đá sử dụng thực tế là 12,33 triệu m3 tuy nhiên dự báo năm 2025 là 8,43 triệu m3. Đối với nguồn đất san lấp, trữ lượng còn lại tại các mỏ đã cấp là 42,89 triệu m3, trong khi nhu cầu cho giai đoạn 2026-2030 là 151,33 triệu m3, còn thiếu khoảng 141,71 triệu m3.
Như vậy, trữ lượng các mỏ cát, đất san lấp chưa đáp ứng nhu cầu, còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế, đặc biệt là nguồn cát xây dựng. Một số mỏ quá trình khai thác còn vi phạm khai thác vượt quá công suất, vượt ranh giới mỏ được cấp, không đúng thiết kế, lấn chiếm đất, kê khai không đúng sản lượng khai thác...

Đại diện Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra, đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông. Lực lượng cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực khoáng sản ở cấp huyện, cấp xã hầu hết không được đào tạo bài bản về quản lý khoáng sản, nên quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản hiệu quả chưa cao, chưa kịp thời phát hiện hết các vi phạm trong hoạt động khoáng sản.

Đại diện doanh nghiệp khai thác khoáng sản phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản kiến nghị các cơ quan chức năng đánh giá lại trữ lượng của các mỏ được cấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn; có biện pháp kiểm soát giá vật liệu xây dựng tăng hiện nay; hạn chế khai thác các khu vực giáp ranh; sớm có quy hoạch các mỏ vật liệu đáp ứng nhu cầu thị trường...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường sau khi kiểm tra các mỏ khoáng sản hoàn thiện hồ sơ, tùy vào mức độ vi phạm giao cho Công an tỉnh và các ngành có liên quan xử lý theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Để giải quyết vấn đề thiếu vật liệu xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra các điểm mỏ ở những khu vực không ảnh hưởng đến đời sống của người dân và giao thông để cấp phép nâng công suất khai thác mỏ phục vụ nhu cầu của thị trường. Đồng thời, rà soát, đưa những mỏ được quy hoạch đủ điều kiện vào đấu giá cấp phép hoạt động khai thác theo quy định.
Cùng với đó, rà soát các mỏ, đề xuất bổ sung vào Quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp với thực tế, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở cấp phép hoạt động khoáng sản theo đúng quy định. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến và sử dụng cát nhân tạo. Ưu tiên cung cấp vật liệu cho các công trình đang thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm. Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp thu ý kiến của các ngành liên quan, doanh nghiệp tại hội nghị, hoàn thiện báo cáo phục vụ cho hội nghị toàn tỉnh sắp tới.