Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, đầu tư, đấu thầu

Ngày 11/9, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu với sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng.

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 1/9/2024 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2024, Bộ đã xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Theo đó, việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung các luật trên sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội; giải quyết các khó khăn cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu. Đồng thời góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu gồm 6 điều, trong đó 04 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 04 luật hiện hành, 01 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 01 điều quy định về hiệu lực thi hành.

Đại diện VCCI.

Đại diện VCCI.

Góp ý tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định quy định về phân cấp, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án từ Thủ tướng Chính phủ xuống cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ tạo thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện.

Bà Hồng cho biết theo Điều 32 Luật Di sản văn hóa, việc xây dựng các công trình trong khu vực bảo vệ di tích phải lấy ý kiến của địa phương và Bộ quản lý chuyên ngành nhưng chưa cần ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn tiếp tục phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án phù hợp với pháp luật di sản văn hóa không phân biệt quy mô, diện tích thuộc khu vực bảo vệ của di tích từ Thủ tướng Chính phủ xuống UBND cấp tỉnh.

Đại diện Bộ Tài chính.

Đại diện Bộ Tài chính.

Đồng tình chủ trương phân cấp thẩm quyền đầu tư cho địa phương, song đại diện Bộ Tài chính lưu ý trường hợp phân cấp đối với các dự án khu công nghiệp có quy mô lớn bởi các dự án này không chỉ tác động tới địa phương đó mà còn ảnh hưởng tới nhiều khu lân cận. Do vậy nên cân nhắc phân loại theo quy mô dự án để phân cấp cho địa phương; nếu phân cấp thì phải gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát. Đồng thời, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ cách thức xử lý tài sản của doanh nghiệp sau khi dự án đầu tư bị chấm dứt do nhà đầu tư không tuân theo quy định pháp luật; cấp nào có thẩm quyền quyết định ưu đãi đặc biệt; làm rõ các ngành nghề được ưu đãi đầu tư…

Liên quan đến lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đại diện Bộ Tài chính đề xuất bổ sung một số gói thầu đặc thù của ngành tài chính như: gói thầu in ấn trái phiếu Chính phủ; gói thầu liên quan đến vận chuyển hàng dự trữ quốc gia; gói thầu cung cấp dịch vụ tổ chức các hội nghị, hội thảo… để tháo gỡ vướng mắc của Bộ Tài chính trong thực tiễn thực hiện.

Đại diện Bộ Quốc phòng.

Đại diện Bộ Quốc phòng.

Còn đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, theo Quyết định số 27/2023/QĐ-TTg ngày 08/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, các công trình có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội được sử dụng ngân sách nhà nước (đối với dự án đầu tư công) để tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành. Chi phí tổ chức buổi lễ được tính vào tổng mức đầu tư của dự án. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành vào các trường hợp áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

Chú trọng kiểm tra, giám sát

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát để thể chế hóa đầy đủ các nội dung theo Nghị quyết số 126/NQ-CP và nghiên cứu việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp để phù hợp với Luật Chứng khoán và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Đồng thời tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, thanh tra, đặc biệt là phải chú trọng công tác hậu kiểm đối với các dự án đặc biệt; làm rõ quy định về quỹ hỗ trợ đầu tư; điều chỉnh quy định về khu công nghệ số để đồng bộ với Luật Công nghiệp công nghệ số.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận cuộc họp.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận cuộc họp.

Về trường hợp đầu tư đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì cân nhắc giao Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quy định quy mô, vốn, kinh nghiệm, năng lực của nhà đầu tư; giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát cho UBND thay vì Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế như tại dự thảo để nâng cao trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước và phục vụ hiệu quả công tác hậu kiểm.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về các nội dung như: giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về việc thẩm định dự án; làm rõ các quy trình trong Luật Quy hoạch; rà soát nội dung dự thảo Luật với dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi); giải trình quy định điều kiện dự án không khả thi về phương án tài chính tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; làm rõ quy định điều khoản chuyển tiếp…

Bảo Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thao-go-kho-khan-vuong-mac-trong-quy-hoach-dau-tu-dau-thau-post524968.html