Tháo gỡ nhanh khó khăn cho doanh nghiệp FDI

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh vừa có buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động trên địa bàn. Tại đây, lãnh đạo UBND thành phố cam kết tập trung, nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN ở nhiều vấn đề, lĩnh vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN FDI hoạt động hiệu quả…

Người lao động đang làm việc ở Công ty TNHH Datalogic Việt Nam đang thực hiện phương án “ba tại chỗ”. Ảnh: CTV

Người lao động đang làm việc ở Công ty TNHH Datalogic Việt Nam đang thực hiện phương án “ba tại chỗ”. Ảnh: CTV

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam Trần Tiến Phát, DN 100% vốn Italy, hoạt động tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (Khu CNC), cho rằng cần quan tâm, chăm lo người lao động (NLĐ) hơn nữa, vì nhân lực là vốn quý của DN, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thực tế cho thấy, tại Datalogic Việt Nam cũng như nhiều DN khác, khi thực hiện phương án sản xuất “Ba tại chỗ”, số lượng nhân sự tiếp tục làm việc giảm mạnh, có DN giảm gần 50%. Đáng lo hơn, phần lớn NLĐ không đi làm (nghỉ việc không lương) là những người có kinh nghiệm, trình độ và tay nghề cao. Vì vậy, Nhà nước và DN cần có chính sách hỗ trợ kịp thời và hiệu quả để “giữ chân” những NLĐ này, làm sao để họ và gia đình có thể vượt qua được đại dịch và tiếp tục gắn bó với DN khi nhà máy hoạt động bình thường trở lại.

Cần nới lỏng quy định khi thực hiện “Ba tại chỗ” bằng cách xác định và chứng nhận “nhà máy không Covid-19” và “ngôi nhà không Covid-19”, ở đó toàn bộ nhân viên của nhà máy và toàn bộ thành viên gia đình của NLĐ đã được tiêm đủ hai liều vắc-xin. Từ đó, NLĐ được phép đi làm từ nhà của mình.

Còn theo bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Khu CNC), thành phố nên ưu tiên tiêm vắc-xin mũi thứ hai cho NLĐ trong Khu CNC càng sớm càng tốt để giúp Khu CNC sớm đạt miễn dịch cộng đồng, sớm quay trở lại sản xuất với 100% công suất. Mong muốn thành phố sớm thành lập một trung tâm tiếp nhận và điều trị Covid-19 tập trung tại Khu CNC để hỗ trợ các ca F0 nhẹ và F1, F2, vừa giảm tải cho các bệnh viện trên địa bàn, vừa giúp DN yên tâm khi theo dõi NLĐ của mình.

Các DN đang hoạt động trong Khu CNC còn kiến nghị thành phố cho phép NLĐ đã được tiêm vắc-xin mũi một và đang lưu trú tại vùng “xanh” được đi làm theo phương án “hai tại chỗ”. NLĐ sẽ ký cam kết với DN trong việc tuân thủ nghiêm 5K và thực hiện các quy định về an toàn phòng, chống dịch tại nơi lưu trú; đi làm bằng xe công ty đưa đón, bản thân NLĐ và người nhà sẽ được xét nghiệm thường xuyên. Đây được xem là phương án lâu dài, giúp DN giảm bớt chi phí và NLĐ dần ổn định tâm lý và sức khỏe khi trở về nhà sau giờ làm, tác động tốt đến năng suất lao động.

Đại diện các hiệp hội DN nước ngoài kiến nghị cho phép tăng giờ làm để duy trì và phục hồi sản xuất, bù đắp sự thiếu hụt lực lượng lao động; cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia đã tiêm đủ hai liều vắc-xin được vào Việt Nam để chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm sản xuất.

Các DN cũng đề nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính mạnh hơn nữa, nhất là thủ tục hải quan, để hỗ trợ thông quan nhanh các lô hàng phục vụ ngành y tế. Hỗ trợ thủ tục xin cấp thị thực và giấy phép lao động cho người nước ngoài, nhất là trường hợp chuyên gia tái nhập cảnh. Có giải pháp giữ vững chuỗi cung ứng nội địa, nhất là chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu…

Thành phố đã đưa ra bốn phương án tổ chức sản xuất để DN lựa chọn là: “Ba tại chỗ” hoặc “Ba tại chỗ theo kíp” linh hoạt; “Một cung đường - hai địa điểm” hoặc “Một cung đường - hai địa điểm” linh hoạt; kết hợp “Ba tại chỗ” và “Một cung đường - hai địa điểm”; “Bốn xanh” (nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh). Khuyến khích các DN FDI tổ chức được các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn. Chủ trương của thành phố là tiêm vắc-xin cho toàn bộ NLĐ trong các khu công nghiệp và khu chế xuất (đến nay đã tiêm vắc-xin mũi thứ nhất cho khoảng 85% NLĐ); hiện đang triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin mũi thứ hai cho 85% NLĐ này và 15% NLĐ chưa tiêm.

UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất và kiến nghị nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN về nguyên, phụ liệu, lưu thông hàng hóa, tài chính, tín dụng… nhằm duy trì, ổn định sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung triển khai nhóm giải pháp hỗ trợ về tín dụng như: Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn/giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Triển khai nhanh chính sách hỗ trợ DN được vay vốn với lãi suất 0% không cần có tài sản bảo đảm để trả lương cho NLĐ phải ngừng việc do ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.

Cùng với đó, xây dựng và ban hành quy chuẩn hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn phòng, chống dịch để DN quay lại hoạt động với lộ trình cụ thể, có thể mở từng bước để kiểm tra tính an toàn, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình. Trước mắt, thí điểm đối với một số khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoàn thành việc tiêm vắc-xin mũi thứ hai để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và an toàn sản xuất.

HOÀNG LIÊM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/thao-go-nhanh-kho-khan-cho-doanh-nghiep-fdi-661273/