Tháo gỡ nút thắt, thúc đẩy tiến độ đầu tư công của Tổ công tác số 2
Chiều 7/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo Quyết định số 523/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 Thủ tướng Chính phủ giao cho 16 đơn vị thuộc Tổ công tác số 2 là hơn 253.255 tỷ đồng, chiếm 30,66% tổng kế hoạch vốn đầu tư công của cả nước.
Tính đến ngày 6/5, số vốn đã phân bổ là 250.126,6 tỷ đồng, đạt 98,76% kế hoạch. Số vốn đã giải ngân là 38.972 tỷ đồng, đạt 15,41% kế hoạch được giao, thấp hơn mức bình quân cả nước (15,56%). Trong đó, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch vốn hoặc đang gặp vướng mắc lớn trong quá trình giải ngân, như: Văn phòng Chủ tịch nước (0%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (0%), Đại học Quốc gia Hà Nội (5,8%)... Đặc biệt, tổng số vốn chưa giải ngân tuyệt đối lớn nhất là tại Bộ Xây dựng (11.829,03 tỷ đồng) và TP Hà Nội (9.586 tỷ đồng).

Thống kê từ Bộ Tài chính cũng chỉ rõ, các nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm đến từ cả yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, yếu tố khách quan là do vướng Luật Đất đai mới có hiệu lực từ 1/8/2024 nhưng nhiều địa phương chưa hoàn tất hướng dẫn thực hiện; khó khăn trong xác định đơn giá đất, đấu thầu, định mức vật liệu... Trong khi đó, về phía chủ đầu tư, vẫn còn tình trạng thiếu chủ động trong xử lý vướng mắc, phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt trong công tác bồi thường, tái định cư. Một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm quy trình giám sát tiến độ, chất lượng thi công dự án.
Tại hội nghị, các bộ, ngành và địa phương đã kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ các “nút thắt” trong phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, các địa phương đề xuất Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi quy định liên quan đến Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, đơn giản hóa thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn, điều chuyển vốn giữa các dự án phù hợp thực tiễn triển khai.
Một số địa phương kiến nghị được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 sang năm 2025 với các dự án gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng hoặc thủ tục đầu tư. Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất bổ sung vốn ngân sách Trung ương, bố trí lại vốn ODA, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Tại Thanh Hóa, công tác giải ngân vốn đầu tư công đang được các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt theo đúng tinh thần Chỉ thị số 02/CT-UBND, ngày 17/01/2025 của Chủ tịch UBND tỉnh và các văn bản đôn đốc liên quan. Tỉnh cũng đẩy mạnh việc phân cấp cho các đơn vị chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm trách nhiệm cá nhân trong quản lý tiến độ, chất lượng công trình. Tỉnh cũng đã giao Sở Tài chính phối hợp các huyện, thị xã, thành phố rà soát từng dự án để kịp thời điều chỉnh phương án vốn, tập trung cho các công trình có khả năng giải ngân cao.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 6/5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thanh Hóa là 39,02%, là 1 trong 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước (cùng với các tỉnh: Phú Thọ, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Bắc Giang, Hòa Bình).
Thanh Hóa phấn đấu đến ngày 30/6 phải giải ngân ít nhất 50% kế hoạch vốn được giao, đến 30/9 đạt ít nhất 70%, đến 30/11 đạt ít nhất 90% và hoàn thành 100% trước ngày 31/12/2025. Để đạt được mục tiêu đó, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đang khẩn trương rà soát lại tiến độ các dự án, chủ động phối hợp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh công tác bồi thường, tái định cư và đẩy mạnh đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để sớm triển khai thi công.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Đồng chí yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục cập nhật số liệu chính xác, làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân, phân tích cụ thể nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ đó đề xuất các giải pháp sát thực tế hơn.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát lại quy hoạch chi tiết 1/500 để đảm bảo tính khả thi khi triển khai các dự án. Với các địa phương, cần đặc biệt chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, coi đây là “chìa khóa” quyết định tiến độ dự án. “Nếu đơn vị nào không giải ngân được, Chính phủ sẽ điều chỉnh, chuyển vốn sang những dự án tiêu được tiền, không để vốn nằm chờ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận hội nghị (Ảnh chụp màn hình).
Với mục tiêu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng dự án, từng quý, từng mục tiêu, phân công cá nhân chịu trách nhiệm; rà soát, kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân cao hơn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không để việc sắp xếp bộ máy hành chính hoặc các yếu tố nội tại làm ảnh hưởng đến tiến độ. Đối với các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình cả nước, cần nghiêm túc phân tích nguyên nhân, chủ động tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, vật liệu, pháp lý. Các bộ, cơ quan trung ương phải nâng cao năng lực điều hành, chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về kết quả giải ngân của đơn vị mình.