Tháo gỡ rào cản cải tạo chung cư cũ
Quá trình tháo dỡ, xây mới lại chung cư cũ bị hư hỏng nặng thời gian qua gặp khó là do nhiều yếu tố khách quan. Liệu vấn đề này có được khơi thông khi các quy định mới về pháp luật đất đai đã được ban hành?
Loay hoay di dời
Nói về tình trạng chung cư Phạm Thế Hiển, Chủ tịch UBND phường 4 (quận 8) Trương Đình Sâm cho biết, cách đây hơn 10 năm, qua quá trình khảo sát, nhận thấy chung cư xuống cấp nên quận đã tổ chức sửa chữa. Tuy nhiên, đến nay chung cư xuống cấp trầm trọng. “Quận đã kiến nghị đến các sở ngành của thành phố cho xây dựng lại chung cư mới, kêu gọi các chủ đầu tư có khả năng đầu tư xây dựng nhưng chưa tìm được đơn vị nào”, ông Trương Đình Sâm nói.
Còn tại quận 4, Phó Chủ tịch UBND quận 4 Võ Thanh Dũng thông tin, cách đây 7 năm, cơ quan chức năng đã kiểm định và xếp loại cấp D đối với chung cư Vĩnh Hội. Vào các năm 2017 và 2020, UBND TPHCM có quyết định bố trí tạm cư 202 căn hộ tại chung cư Tân Mỹ (quận 7) cho các hộ dân sống tại chung cư Vĩnh Hội. UBND quận 4 đã tạm ứng kinh phí 5,4 tỷ đồng sửa chữa khẩn cấp 202 căn hộ ở chung cư Tân Mỹ, song đến nay chưa thể bố trí tạm cư cho người dân. Nguyên nhân do các phần sở hữu chung như hệ thống thang máy, nhà xe, phòng cháy chữa cháy chưa có đơn vị sửa chữa để vận hành và bàn giao.
Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, quận 4 cũng chưa thể thanh quyết toán phần kinh phí tạm ứng sửa chữa cho đơn vị thi công. UBND quận 4 đã kiến nghị thành phố bố trí vốn để thanh quyết toán, đồng thời chỉ đạo sửa chữa các hạng mục sở hữu chung phục vụ công tác di dời cư dân của chung cư Vĩnh Hội. Trong trường hợp không thể sửa chữa, thành phố bố trí quỹ nhà tạm cư ở nơi khác để quận 4 có thể thực hiện di dời cư dân.
Trong khi đó, thông tin về việc xây dựng mới chung cư 155-157 đường Bùi Viện, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh phát biểu, mới đây, quận đã chọn được 2 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đầu tư. Tuy nhiên, phải thông qua hội nghị nhà chung cư, các chủ sở hữu căn hộ tại chung cư là người quyết định lựa chọn nhà đầu tư.
Nhiều chính sách thông thoáng
Theo ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM, việc đảm bảo an toàn không xảy ra sập đổ các chung cư cũ do địa phương theo dõi và phải thường xuyên quan trắc. Trong trường hợp nguy hiểm thì địa phương phải có biện pháp gia cố, chống đỡ. Người dân cần hiểu rằng, chung cư cũ là nhà của mình, khi có hư hỏng, không đảm bảo an toàn thì phải tự sửa chữa, nhà nước chỉ hỗ trợ, tổ chức thực hiện những phần chung.
Về nguyên tắc, khi xây dựng chung cư cũ, người dân phải được tái định cư tại chỗ, ngoại trừ trường hợp khu đất không phù hợp quy hoạch để xây chung cư mới. Đối với việc bố trí tái định cư cho người dân trong thời gian chờ xây dựng mới, hiện nay quỹ nhà tạm cư của thành phố không thiếu. Luật Nhà ở đã cơ bản tháo gỡ bằng những cơ chế chính sách về bồi thường, công tác bố trí tái định cư, cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư…
Nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân sinh sống trong các chung cư cũ, đồng thời thúc đẩy các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 98/2024/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Sau khi Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn được ban hành thì TPHCM đã soạn thảo đề xuất thêm các chính sách ưu đãi khác như: miễn lệ phí khi thực hiện thủ tục đầu tư; nhà đầu tư được vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay các gói của Chính phủ, của thành phố; các chi phí di dời, tổ chức thực hiện di dời cũng được hỗ trợ từ ngân sách...
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo về việc hoàn thiện nội dung dự thảo Đề án sửa chữa, xây dựng mới 16 chung cư hư hỏng nặng, Sở Xây dựng TPHCM đã bổ sung lộ trình thực hiện, ưu tiên thực hiện; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị cụ thể có liên quan. “Đề án thực hiện xây dựng, sửa chữa chung cư cũ trên địa bàn TPHCM đã gần như hoàn chỉnh, sẽ trình thành phố trong tháng này”, ông Phạm Đăng Hồ cho biết.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhận định, Luật Nhà ở năm 2023 đã có những giải pháp tháo gỡ cơ bản cho việc cải tạo chung cư cũ. Đáng chú ý là phương án gom các tòa chung cư thấp tầng vào một vị trí để xây dựng một tòa nhà mới cao tầng, đủ cho cư dân được tái định cư tại chỗ. Cơ chế đền bù, hỗ trợ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hiện đã công bằng hơn giữa chủ sở hữu chung cư cũ và chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Cơ chế tạm cư trong cải tạo chung cư cũ cũng được đồng bộ trong cả Luật Đất đai và Luật Nhà ở, tạo thuận lợi cho việc phá dỡ, xây dựng lại các tòa nhà.
“Có thể nói các quy định về cải tạo chung cư cũ vừa được ban hành đã tạo những cơ chế hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư hơn trước nhiều. Chủ đầu tư dự án nhà ở chung cư cũ được hưởng lợi nhuận từ 10%-15%, thay vì cố định 10% như trước đây. Doanh nghiệp chọn làm chủ đầu tư dự án cải tạo chung cư cũ được đề xuất điều chỉnh dự án như tăng thêm số tầng dự án…”, ông Lê Hoàng Châu cho biết.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thao-go-rao-can-cai-tao-chung-cu-cu-post771128.html