Thủ đô 'Rồng bay' từ tầm nhìn quy hoạch

Là người chủ trì tham mưu xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, cũng là người có nhiều đóng góp quan trọng về các vấn đề quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang đô thị trong Luật Thủ đô năm 2024, nhân dịp xuân Ất Tỵ, Giáo sư, Tiến sĩ, đại biểu Quốc hội (GS. TS. ĐBQH) Hoàng Văn Cường, Công dân Thủ đô ưu tú năm 2024 đã dành cho phóng viên Báo Lao động Thủ đô cuộc trò chuyện về diện mạo Thủ đô khi triển khai Quy hoạch Thủ đô và Luật Thủ đô mới.

PV: Là người chủ trì tham mưu xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng ban hành, xin ông cho biết, khi quy hoạch này được thực hiện, Thành phố sẽ có những thay đổi như thế nào?

GS. TS. ĐBQH Hoàng Văn Cường. Ảnh: QH

GS. TS. ĐBQH Hoàng Văn Cường. Ảnh: QH

GS. TS. ĐBQH Hoàng Văn Cường:

Phương án quy hoạch đặt ra là đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội phải phát triển ngang tầm với Thủ đô của các nước tiên tiến trong khu vực, và đến năm 2050 phải thực hiện được mục tiêu Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và trình độ phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trên thế giới.

Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình gồm có đô thị trung tâm và 4 thành phố thuộc Thủ đô. Đô thị trung tâm sẽ lấy sông Hồng làm trục trung tâm về thương mại, dịch vụ, văn hóa, du lịch, là nơi hội tụ tất cả các yếu tố lịch sử văn hóa. Khi lấy sông Hồng làm trục trung tâm, hai bên đô thị sẽ bao gồm các quận hiện tại, cộng thêm một số quận, huyện mới như Hoài Đức, một phần Thanh Trì, Hoàng Mai, Đông Anh, Gia Lâm...

Một bên sông Hồng sẽ có những công trình như con đường di sản, để quy tụ và tái hiện tất cả các câu chuyện lịch sử như chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hay 60 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh... Còn phía bên kia sẽ quy tụ hình ảnh, ghi lại danh lam thắng cảnh, biểu tượng, lễ hội văn hóa... của 63 tỉnh, thành phố, biến nơi này thành nơi quy tụ văn hóa sông Hồng.

Các vùng còn lại của Thủ đô sẽ phát triển thành 4 thành phố: Thành phố phía Tây là khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai và các vùng lân cận; thành phố phía Đông là khu vực Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ; thành phố phía Bắc là khu vực Mê Linh, Sóc Sơn; thành phố phía Nam là khu vực Phú Xuyên, Thường Tín. Bốn thành phố này vây quanh đô thị trung tâm.

Khi đó Hà Nội sẽ không còn các khu vực ngoại thành, vùng nông thôn chậm phát triển nữa, vì đều đã trở thành thành phố, và trong thành phố vẫn có vùng nông thôn nhưng được quy chuẩn, phát triển theo quy chuẩn của thành phố. Đồng thời, có sự kết nối về giao thông giữa đô thị trung tâm và các thành phố, cũng như kết nối với các tỉnh trong Vùng Thủ đô.

Để làm được điều này, phải phát triển mạng lưới đường sắt đô thị. Khi đó, không gian phát triển sẽ trở nên rộng rãi: Khu trung tâm trở thành khu phát triển mang tính chất hạt nhân, tinh túy, những khu như Ba Đình sẽ là trung tâm chính trị; khu vực 36 phổ cổ, hồ Tây, sông Hồng... sẽ liên thông với nhau thành khu thương mại dịch vụ du lịch, phát triển kinh tế đêm. Hà Nội có rất nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa, làng nghề... là thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa.

Đồng thời, Thủ đô cũng là nơi hội tụ của đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học nên sẽ phát triển mạnh các khu công nghệ cao, để trở thành các trung tâm đi đầu của cả nước về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là những định hướng chính để phát triển Thủ đô khi triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

PV: Thưa ông, 4 thành phố nói trên có phải là mô hình thành phố thuộc thành phố trong Luật Thủ đô 2024? Có thể hình dung đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội sẽ thay đổi như thế nào?

GS. TS. ĐBQH Hoàng Văn Cường:

4 thành phố này chính là mô hình thành phố thuộc thành phố trong Luật Thủ đô. Ví dụ thành phố phía Tây (gồm các khu Hòa Lạc, Xuân Mai, Quốc Oai, Chương Mỹ) sẽ có các khu đô thị như đô thị đại học và khoa học công nghệ, còn phần bên ngoài sẽ là nơi sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tất nhiên là nông nghiệp công nghệ cao.

Thành phố phía Đông (gồm Sơn Tây, Ba Vì) sẽ là thành phố về du lịch, văn hóa, vì bản thân đó là xứ Đoài. Khu vực đô thị sẽ tập trung ở khu vực Sơn Tây, nhưng đồng thời cũng phát triển các mô hình đô thị xanh, đô thị du lịch ở khu vực Ba Vì như các homestay, khu sinh thái...

Với thành phố phía Bắc (gồm Mê Linh, Sóc Sơn) sẽ là thành phố về logistics và công nghiệp, phát triển vận tải, trung tâm lưu chuyển hàng hóa cho phía Bắc, đồng thời phát triển công nghiệp...

Thành phố phía Nam (gồm Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín) sẽ có đô thị trung tâm nằm ở Phú Xuyên hoặc Thường Tín, nhưng những vùng khác sẽ phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái...

Như vậy các thành phố sẽ gồm phần đô thị, và vùng bên ngoài đô thị là xen kẽ giữa đô thị và các mô hình phát triển không phải là vùng nông thôn, mà là các khu du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, được đầu tư hạ tầng tương tự như khu vực đô thị.

Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ định hình nên một số yếu tố căn bản, ví dụ phát triển hệ thống giao thông, tạo kết nối để phát triển thành phố bên ngoài, hoặc cải tạo các khu phố trung tâm, dần dần để hình thành nên các trục Hồ Tây - Cổ Loa, Nhật Tân - Nội Bài...

Một góc Thủ đô Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phương Ngân

Một góc Thủ đô Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phương Ngân

PV: Như vậy, theo ông, việc cải tạo, chỉnh trang đô thị có phải là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Quy hoạch Thủ đô?

GS. TS. ĐBQH Hoàng Văn Cường:

Cải tạo, chỉnh trang đô thị được xem là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá trong thực hiện Quy hoạch Thủ đô. Nhiệm vụ này phải giải quyết bằng phát triển hệ thống đường sắt đô thị, gồm hệ thống ngầm trong nội đô và kết nối vùng bên ngoài để giảm tải cho khu vực trung tâm. Hệ thống đường sắt cần phát triển theo mô hình đô thị TOD, gồm 2 khu vực là khu vực TOD ở thành phố mới và TOD ở nội đô.

Với mô hình TOD ở nội đô, được thực hiện ngay ở chính những khu vực hiện đang tập trung dân số đông như các khu chung cư cũ, nhà ở thấp tầng. Nếu có hệ thống ga tàu điện ngầm nằm ở các khu vực trung tâm, giao thông thuận lợi thì sẽ phát triển hệ thống không gian ngầm, đưa toàn bộ dịch vụ thương mại xuống đấy. Trên mặt đất khi đấy không còn tình trạng buôn bán, đi lại chen chúc nữa, mà xây các chung cư cao tầng, tạo không gian ở hiện đại.

Đồng thời, không gian mặt đất khi đó trở thành không gian trống để phát triển cây xanh, công viên, công trình công cộng, khu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí thư giãn... Như vậy, cả bộ mặt đô thị và đời sống người dân đều thay đổi. Người dân vừa có nơi ở đạt tiêu chuẩn, vừa có thể kinh doanh buôn bán ngay dưới không gian ngầm.

Điều quan trọng là thay đổi này sẽ không cần đến Nhà nước đầu tư, mà khi đã có hệ thống giao thông thuận tiện, các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng đầu tư cho không gian ngầm, không gian trên cao và họ có đủ nguồn lợi nhuận để bù đắp.

Khu vực phố cổ hiện nay đang đan xen giữa kinh doanh dịch vụ du lịch với người dân sinh sống, do không được cải tạo, sửa chữa nên xuống cấp. Khu vực này cần quy hoạch để phát triển thương mại dịch vụ chứ không phải là đơn vị ở.

Để làm được điều này, phải có cơ chế để giãn người dân từ khu vực này ra khu vực mới. Không nên thu hồi nhà ở phố cổ của người dân, mà họ vẫn là chủ sở hữu, tuy nhiên, họ cần di dời đến nơi ở mới, thậm chí Nhà nước có thể cấp nhà cho họ. Khi đó phố cổ họ chỉ dành cho kinh doanh, hoặc cho thuê để kinh doanh, phục vụ du lịch dịch vụ. Có như vậy mới khai thác được đúng giá trị của phố cổ.

Bên ngoài khu vực trung tâm, khi ga đường sắt chạy đến đâu sẽ hình thành các trung tâm đô thị đến đấy. Hiện Hà Nội còn nhiều không gian phát triển tại Mê Linh, Đông Anh... nếu có hệ thống đường sắt và xây dựng lên các khu đô thị tập trung dân cư cao, tiện nghi đầy đủ.

PV: Theo ông, thành phố Hà Nội cần chú trọng những vấn đề gì để thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô?

GS. TS. ĐBQH Hoàng Văn Cường:

Mục tiêu chúng ta đặt ra rất lớn, và con đường đạt được mục tiêu đó cũng rất rõ ràng, trong quy hoạch đã chỉ ra. Vấn đề là làm sao biến mục tiêu, ý tưởng thành hiện thực.

Theo tôi, đầu tiên là phải thống nhất về tư tưởng, nhận thức của các nhà lãnh đạo cũng như người dân. Phải tuyên truyền để người dân thấy rằng việc thay đổi đó để mang lại lợi ích cho cá nhân mình và cho Thủ đô.

Còn các nhà lãnh đạo, quản lý phải trung thành với các ý tưởng quy hoạch, nhất quán, xuyên suốt, vì quy hoạch không phải thực hiện trong 5 năm, 10 năm là đạt được, mà phải 50 năm, 100 năm và mỗi năm làm một ít, nên nếu nhiệm kỳ này cải tạo vài thứ, nhiệm kỳ sau không muốn nữa thì không thể thực hiện được...

Thứ hai là phải tập trung nguồn lực, phải xác định cái gì là cốt lõi, xương sống để tập trung đầu tư. Ví dụ để cải tạo các khu nhà ở xuống cấp hiện nay, Nhà nước phải đầu tư cốt lõi như hạ tầng, hệ thống tàu điện ngầm.

Hay hai bên sông Hồng, muốn cải tạo trở thành con đường di sản, không gian phát triển du lịch, dịch vụ, ăn uống, thương mại... thì phải có mô hình cụ thể và cơ chế. Nếu để nhà đầu tư thỏa thuận với dân thì rất khó, nên Nhà nước phải giải phóng mặt bằng, xây dựng một số khu nhà ở hiện đại, đồng bộ để di dời được người dân. Khi đã có không gian cho nhà đầu tư rồi thì toàn bộ những công trình như con đường di sản, công trình di sản văn hóa... Nhà nước sẽ không cần đầu tư mà tư nhân sẽ tham gia.

Nhìn chung phải có chính sách công khai, minh bạch và biện pháp hỗ trợ, phải tính đến giá trị lâu dài chứ không phải trước mắt. Đặc biệt thể chế, môi trường, các chính sách kêu gọi thu hút đầu tư cũng phải thay đổi. Muốn có nguồn vốn đầu tư lâu dài, tạo nên các công trình tầm cỡ thì không thể ngồi chờ nhà đầu tư đến... mà phải chủ động hợp tác, mời gọi nhà đầu tư.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hải Lý (thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thu-do-rong-bay-tu-tam-nhin-quy-hoach-183635.html