Tháo gỡ rào cản trong phát triển công nghệ sinh học

Nghị quyết số 36 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới vừa được Bộ Chính trị ban hành được đánh giá là Nghị quyết quan trọng, toàn diện và đúng thời điểm.

Việc đặt ra các mục tiêu rất cụ thể nhưng cũng đầy thách thức kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia hàng đầu Châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học vào năm 2030.

Tuy nhiên, để trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, chúng ta cũng cần giải các bài toán còn cản trở sự phát triển công nghệ sinh học và Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đang được coi là “soi sáng, dẫn lối” cho vấn đề này.

Ứng dụng công nghệ sinh học “nâng tầm” nông sản Việt là mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp này. Bộ giống mới của ThaiBinh Seed cũng đã góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới cơ cấu cây trồng cũng như đáp ứng 20% thị phần giống lúa cả nước. Doanh nghiệp này cho rằng, nông nghiệp Việt trong quá trình thực hiện mục tiêu mở rộng liên kết sản xuất hàng hóa, hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị chính là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Còn đối với Tiến sĩ Trương Quang Lâm, sau nhiều năm nghiên cứu công nghệ sinh học, công nghệ gen và phát triển các chế phẩm vaccine phòng bệnh trên vật nuôi nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng “made in Vietnam” thay thế các sản phẩm nhập khẩu, khó khăn lớn nhất chính là thiếu nguồn kinh phí, chậm giải ngân vốn, nhất là nghiên cứu để tạo ra cái sản phẩm thương mại hóa. Nhiều đề tài cấp quốc gia mà các nhà khoa học đang nghiên cứu thường có thời gian 3 năm, thậm chí có đề tài đã được gia hạn thêm thời gian mà kinh phí cấp chưa đủ theo tiến độ nên chưa thể về đích như kỳ vọng.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là yêu cầu quan trọng mà nghị quyết đặt ra trong thời gian tới. Việc cả hệ thống chính trị chung sức cùng hoàn thiện sẽ tạo ra khung khổ pháp lý tốt nhất để công nghệ sinh học phát triển, có như thế Việt Nam mới rời top 3, top 4 Đông Nam Á để bước vào top 10 Châu Á trong lĩnh vực công nghệ sinh học vào năm 2030.

Công nghệ sinh học là lĩnh vực rất quan trọng, liên quan đến hầu hết các ngành kinh tế của đất nước. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà khoa học đều đang kỳ vọng nghị quyết sẽ sớm được triển khai hiệu quả bằng các chương trình hành động tổng thể từ quy hoạch lại nguồn nhân lực, quy hoạch công nghệ điểm thúc đẩy hợp tác quốc tế, cũng như đánh giá lại các phòng thí nghiệm, các doanh nghiệp đơn vị nghiên cứu để tạo nên sự thống nhất, phát triển bền vững.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thực hiện : Bích Hạnh Thùy Linh Như Huỳnh Tùng Dương

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thao-go-rao-can-trong-phat-trien-cong-nghe-sinh-hoc