THÁO GỠ RÀO CẢN VÀ VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH HUY ĐỘNG, TIẾP CẬN NGUỒN VỐN TỪ CÁC QUỸ ĐẦU TƯ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO

Tại hội thảo khoa học 'Pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: Thực trạng và Giải pháp' do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức mới đây, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là kênh huy động vốn hữu hiệu tuy nhiên khung pháp lý điều chỉnh còn thiếu cụ thể, tồn tại một số vướng mắc cần tiếp tục hoàn thiện,…

Hội thảo khoa học “Pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: Thực trạng và Giải pháp”

Hội thảo khoa học “Pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: Thực trạng và Giải pháp”

Những năm trở lại đây, làn sóng khởi nghiệp sáng tạo đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vì thế cũng tăng dần lên.

Việt Nam đang tạo ra một thị trường khởi nghiệp sáng tạo vô cùng năng động và mạnh mẽ. Các chính sách từ nhà nước và khát vọng của các nhà sáng lập đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều doanh nghiệp với những kế hoạch kinh doanh sáng rõ nhưng lại khó triển khai do thiếu vốn. Sự xuất hiện của các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, do đó, chính là kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp còn non trẻ, là giải pháp cho các nhà đầu tư muốn đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo đầy tiềm năng nhưng không kém phần mạo hiểm.

Bắt đầu từ năm 2019, sau khi Nghị định số 38/2018/NĐ-CP được ban hành với những quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (sau đây gọi là Nghị định 38), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures đã tổ chức hội nghị thường niên “Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á với cộng đồng các quỹ đầu tư quốc tế và khu vực. Việt Nam hiện là trụ cột thứ ba trong tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á (cùng với Singapore và Indonesia), được đánh giá có sự kết hợp hoàn hảo giữa tài năng công nghệ hàng đầu cùng một văn hóa khởi nghiệp vốn có, tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Điều này càng tạo động lực cho sự ra đời và phát triển của các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam hiện nay.

Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 38 quy định “Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là quỹ được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân để thực hiện đầu tư khởi nghiệp sáng tạo”. Quỹ giúp các doanh nghiệp vươn lên phát triển, là đòn bẫy thiết thực đối với các doanh nghiệp có dự án kinh doanh mới, sáng tạo nhưng gặp phải sự thiếu hụt về tài chính.

Thực tế, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là một loại quỹ đầu tư theo phương thức khá mạo hiểm. Nhà đầu tư góp vốn vào quỹ này có nghĩa là đang rót vốn vào những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mới thành lập, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các Quỹ đầu tư cũng không tham gia vào việc kiểm soát và vận hành công ty mà chỉ bỏ vốn vào và thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ các công ty quản lý, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường. Vì vậy, nếu công ty phá sản, họ có thể gặp rủi ro mất trắng các khoản đầu tư. Điều này được thể hiện ngay trong Điều lệ Quỹ được quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 38: “…Việc đầu tư vào quỹ này chỉ phù hợp đối với các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mức rủi ro cao tiềm tàng từ việc đầu tư của quỹ. Nhà đầu tư vào quỹ này cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia góp vốn, quyết định đầu tư.”

Đến nay, Việt Nam có 20 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân được thành lập theo Nghị định số 38 với tổng số vốn điều lệ đạt hơn 100 tỷ đồng.

Hoàn thiện khung pháp lý đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Hoàn thiện khung pháp lý đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Theo Ths.Nguyễn Thị Thúy Hằng, Viện kinh tế và quản lý – Đại học Bác khoa Hà Nội, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không thiếu những ý tưởng kinh doanh hay nhưng họ cần hỗ trợ nhiều hơn để có thể hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo. Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (thông qua năm 2018, được sửa đổi bổ sung năm 2020 bởi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư) (sau đây gọi là Luật SME) đã có những quy định khá chi tiết về các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo nói riêng, trong đó có quy định về hoạt động đầu tư và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Tuy vậy, các quy định trong Luật SME tập trung vào nhiều khía cạnh hỗ trợ khác nhau giành cho doanh nghiệp, không chỉ riêng việc đầu tư. Nghị định 80/2021/NĐ-CP ban hành ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng tập trung hướng dẫn các hình thức hỗ trợ. Do đó, sự ra đời của Nghị định 38 với một khung pháp lý cởi mở, được đánh giá là đòn bẫy quan trọng đánh thức dòng vốn cho khởi nghiệp sáng tạo, xác định được địa vị pháp lý của các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, là quy phạm pháp luật quan trọng và chi tiết nhất quy định về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo hiện nay. Nghị định này hiện không có Thông tư hướng dẫn. Do đó, pháp luật về Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam vẫn gặp phải rất nhiều rào cản và vướng mắc pháp lý cần khơi thông.

Ths.Nguyễn Thị Thúy Hằng cho rằng, hành lang pháp lý được xây dựng cho Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tuy tương đối mới nhưng đang dần được hoàn thiện, cho thấy nỗ lực của Nhà nước trong việc khuyến khích, hỗ trợ tối đa dành cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Để gỡ bỏ những vướng mắc trong khung pháp lý đã được chỉ ra từ khía cạnh lý thuyết lẫn thực tiễn, Ths. Nguyễn Thị Thúy Hằng đưa ra một số khuyến nghị như: Cần soạn thảo và ban hành văn bản hướng dẫn về các ưu đãi thuế đối với Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; cần làm rõ quy định về nhà đầu tư tư nhân; quy định rõ hơn về nguồn tài chính được sử dụng để đóng góp vào quỹ do tính rủi ro cao;…

“Các quy định pháp luật, vì thế cần linh hoạt và rõ ràng để các nhà đầu tư có thể rót vốn cũng như rút vốn một cách chủ động, minh bạch, góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp với tiềm lực tài chính dồi dào và khởi sắc hơn nữa…”, Ths.Nguyễn Thị Thúy Hằng lưu ý.

Luật sư Lê Thị Thương, Công ty Luật quốc tế Việt Nam

Luật sư Lê Thị Thương, Công ty Luật quốc tế Việt Nam

Nêu quan điểm về nội dung này, Luật sư Lê Thị Thương, Công ty Luật quốc tế Việt Nam cho biết, Việt Nam đã và đang có những chính sách huy động vốn nhất định, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tuy nhiên việc huy động vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn. Theo Báo cáo Khởi nghiệp Toàn cầu của Amway năm 2020, 36% số người tham gia khảo sát tại thị trường Việt Nam cho biết rào cản lớn nhất để khởi nghiệp chính là việc huy động vốn.

Theo Luật sư Lê Thị Thương, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận tín dụng hiện nay được thể hiện dưới một số hình thức như hỗ trợ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất, các quỹ hỗ trợ, cho vay các doanh nghiệp khởi nghiệp như Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ, Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, và Quỹ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, các Quỹ này hoạt động không thực sự hiệu quả.

Nhìn chung, theo quy định hiện tại, nguồn hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khá đa dạng; tuy nhiên, thống kê cho thấy chúng không thật sự hoạt động hiệu quả và vẫn khó tiếp cận. Những quy định này chưa thật sự tạo động lực cho cả các ngân hàng trong việc thực hiện các khoản vay và các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng từ Quỹ.

Luật sư Lê Thị Thương cũng nêu thực trạng, tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có cơ chế nào điều chỉnh việc hình thành và phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm. Nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là tương đối khiêm tốn so với khu vực và thế giới. Trong khi thị trường vốn cho khởi nghiệp tại Việt Nam đã trở nên đa dạng hơn, tỉ lệ đầu tư vẫn còn thấp và không đáp ứng nhu cầu của cộng đồng khởi nghiệp. Vì thế, Lê Thị Thương kiến nghị, mô hình thu hút và tạo điều kiện để các quỹ đầu tư mạo hiểm tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của Singapore cũng là một mô hình để Việt Nam tìm hiểu và cân nhắc.

TS.Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

TS.Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Đồng tình với các quan điểm nêu trên, TS.Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, vướng mắc lớn nhất là các quỹ đầu tư mạo hiểm chưa mạnh dạn đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước vì rủi ro về mặt pháp lý, nhiều quỹ không dám giải ngân vì khung pháp lý chưa rõ ràng. Thực tế này cũng ảnh hưởng đến việc thu hút được vốn đầu tư nước ngoài.

TS.Nguyễn Quân khuyến nghị cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, lưu ý hoàn thiện, tháo gỡ những rào cản trong quy định về các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các quỹ hoạt động và doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận được nguồn vốn để phát triển…/.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77616