Tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành Chương trình 1719
Sau 4 năm triển khai thực hiện Quyết định 1719 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình 1719), với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, 10 dự án thành phần đã phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn một số vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ ngay từ cơ sở.
Đồng chí Lê Tiến Quân - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, công tác tổ chức thực hiện Chương trình 1719 đảm bảo theo quy định. Cơ quan chủ trì các dự án, tiểu dự án phối hợp với chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên trao đổi để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình ở địa phương đơn vị mình.
Theo kế hoạch, vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh là trên 1.736 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển trên 962 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 774 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 215 tỷ đồng. Tổng số vốn bố trí thực hiện Chương trình từ 2021 đến ngày 1/8/2024 đã giải ngân được trên 923 tỷ đồng, thực hiện 357 công trình. Trong đó, 4 công trình cấp tỉnh, 112 công trình cấp huyện và 241 công trình cấp xã. Hiện đã có 292 công trình đang triển khai và đã hoàn thành.
Chương trình đã hỗ trợ xây nhà cho 274 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.476 hộ; hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ chuyển đổi nghề cho 1.453 hộ. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết tại các xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn; xã Mỹ Lương, Lương Sơn huyện Yên Lập; xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn...
Chương trình 1719 thực hiện tại Phú Thọ với các nội dung hỗ trợ được triển khai đã phát huy tác dụng tích cực, có tác động rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.
Các nội dung hỗ trợ đã từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ hủ tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, qua đó củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. Có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với vùng đồng bào DTTS&MN nói riêng, sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội của cả nước nói chung.
Cùng với những kết quả khả quan đã đạt được, mặc dù các cấp, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, xong việc triển khai thực hiện còn vướng mắc ở nhiều tiểu dự án như: Tiểu dự án 1, Tiểu dự án 2, Tiểu dự án 3 của Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 6 về Đối tượng áp dụng đối với nội dung “Hỗ trợ chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt có giá trị tiêu biểu của các DTTS”;Tiểu dự án 1, Dự án 9 chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt; Dự án 1, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Cùng với đó, quá trình triển khai thực hiện cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư vốn ngân sách Nhà nước hàng năm và cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG còn vướng mắc về cơ chế, đối tượng và Tiểu dự án 1, Tiểu dự án 2, Tiểu dự án 3, Dự án 10 ... dẫn đến chưa đạt tiến độ giải ngân nguồn vốn so với kế hoạch đề ra, nhất là nguồn vốn sự nghiệp. Việc khai thác thu thập thông tin, xác định các chỉ tiêu vùng DTTS&MN và các thông tin liên quan đến người DTTS cũng còn nhiều trở ngại...
Để tháo gỡ vướng mắc tại các địa phương, Quốc hội ban hành Nghị quyết 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐND ngày 12/7/2024 và Quyết định 1638/QĐ-UBND ngày 7/8/2024 điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 (chi thường xuyên) và dự toán ngân sách Nhà nước chưa giải ngân hết trong năm 2023 (bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư chuyển sang năm 2024) thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện điều chỉ dự toán ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư, vốn ngân sách Nhà nước hàng năm và cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý tổ chức thực hiện vẫn còn vướng mắc về cơ chế ở Tiểu dự án 3, Dự án 5; Tiểu dự án 1, Dự án 9; Tiểu dự án 2, Dự án 10; hoặc hết đối tượng ở Dự án 1; Tiểu dự án 1, Dự án 3; Tiểu dự án 2, Dự án 3; Tiểu dự án 1, 2, 4 của Dự án 5; Dự án 7 và Dự án 8...
Trước những vướng mắc phát sinh nêu trên, Phú thọ đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, bộ, ngành trung ương chỉ đạo, rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định, thông tư bảo đảm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật “rõ đối tượng, rõ nội dung, rõ định mức, rõ quy trình thanh quyết toán, phù hợp điều kiện thực tế” để các địa phương có đủ căn cứ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình 1719.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thao-go-vuong-mac-de-hoan-thanh-chuong-trinh-1719-219817.htm