Tháo gỡ vướng mắc để tạo sức bật cho tăng trưởng tín dụng
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay được các chuyên gia và cả các ngân hàng đánh giá là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, để tín dụng tăng cao cần phải tháo gỡ những rào cản pháp lý cho một số lĩnh vực như bất động sản, dự án xanh và gỡ room tín dụng cho các nhà băng.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và cũng thông báo ngay từ đầu năm cho các tổ chức tín dụng để chủ động. NHNN cũng căn cứ vào mục tiêu lạm phát khoảng từ 4,5-5%, để đánh giá, theo dõi diễn biến thực tế và trường hợp kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn, hoặc cao hơn để có thể có những điều chỉnh đối với tăng trưởng tín dụng.
Sức bật cho tăng trưởng tín dụng
Theo phân tích của các chuyên gia, những động thái của NHNN gần đây cho thấy nhà điều hành đang quyết tâm "trợ lực' thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8%.
Để hỗ trợ nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng ở mức cao, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát hành lang pháp lý để khi cần các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì đã có cơ sở thực hiện.

Nếu được tháo gỡ vướng mắc pháp lý, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16-18% năm nay hoàn toàn trong tầm tay.
Đặc biệt, hàng loạt gói tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ đang được các ngân hàng triển khai rất hiệu quả như gói tín dụng thủy sản 100 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ nhà ở 120 nghìn tỷ đồng…
Một trong những trọng tâm hàng đầu của NHNN là ổn định thị trường tiền tệ và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đây được coi là nền tảng quan trọng để đạt được tăng trưởng bền vững.
Cụ thể, động thái tăng tỷ giá trung tâm và nâng giá USD bán ra gần đây của nhà điều hành cho thấy NHNN sẵn sàng chấp nhận mức mất giá nhiều hơn với VND, nhằm đạt được cùng lúc nhiều mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng và bảo vệ dự trữ ngoại hối.
“NHNN chấp nhận mức mất giá cao hơn của VND nhằm tạo “hiệu ứng tin ra” để hạ nhiệt tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tăng giá, đồng thời bảo vệ dự trữ ngoại hối (đang ở dưới ngưỡng khuyến nghị và hỗ trợ xuất khẩu)”, một chuyên gia nhận định.
Cùng với những động thái quyết liệt của NHNN, giới phân tích cho rằng tín dụng năm 2025 khá thuận lợi nhờ sự phục hồi của một số phân khúc bất động sản, nhu cầu vay mua nhà của cá nhân tăng trở lại, xuất khẩu tăng trưởng tốt, thương mại và dịch vụ được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn năm ngoái.
Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia Kinh tế cấp cao, thị trường Việt Nam và Thái Lan, Standard Chartered, chỉ ra các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bao gồm vốn FDI tăng trưởng tích cực trong đó lĩnh vực sản xuất thu hút nhiều đầu tư nhất, tiếp theo là lĩnh vực bất động sản, doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, hoạt động xuất khẩu vững chắc và du lịch phục hồi.
Vẫn còn"điểm nghẽn" pháp lý
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát hành lang pháp lý đối với các kênh bơm tiền ra để có thể bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế ngay khi cần. Tuy vậy, các ngân hàng cho biết vẫn còn những rào cản cần tháo gỡ để ngân hàng đẩy vốn ra nền kinh tế.
Điển hình như với lĩnh vực bất động sản, hiện chiếm hơn 22% tổng dư nợ nền kinh tế. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay: "Dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống hiện nay là 3,48 triệu tỷ đồng nhưng rất nhiều dự án đang gặp khó khăn. Nếu tháo gỡ sẽ giúp cho dòng tiền quay trở lại ngân hàng, sẽ lưu thông dòng tiền, hiệu quả hơn trong hoạt động tín dụng".
Đối với tín dụng nhà ở, ngành ngân hàng rất quyết liệt dành nguồn lực tài chính của hệ thống. Tuy nhiên, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng giải ngân hạn chế, NHNN cũng phân tích, đánh giá không phải người dân nào cũng có mong muốn đi vay để sở hữu nhà. Do đó, NHNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương đánh giá nhu cầu sở hữu nhà ở, thuê hoặc thuê mua để có các giải pháp phù hợp.
"Về phía ngành ngân hàng, chúng tôi cũng sẽ tập trung cấp tín dụng đối với người dân có thu nhập thấp có nhu cầu mua, sở hữu nhà ở và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng", Thống đốc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, dư địa tăng trưởng tín dụng năm 2025 còn nằm ở lĩnh vực xanh và lĩnh vực năng lượng. Các ngân hàng đang mong chờ Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh, cũng như sớm hoàn thiện Đề án Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh để ngân hàng có căn cứ cho vay.
Lãnh đạo các tổ chức tín dụng cũng đang lo vướng “room” tăng trưởng và đề nghị NHNN sớm tháo gỡ. Đặc biệt, sắp tới, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được giao triển khai nhiều dự án lớn, song hầu hết chạm mức giới hạn tối đa cho vay với một khách hàng, ngân hàng rất khó cho vay thêm.
Để thuận lợi trong cung ứng vốn cho các dự án lớn thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đề nghị NHNN và Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi các quyết định liên quan đến trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của các tổ chức tín dụng.
Tương tự, TPBank rất muốn giải ngân lượng vốn lớn cho các dự án BOT, song đang bị kẹt room. Do đó, Chủ tịch HĐQT TPBank kiến nghị, đối với các ngân hàng có tham gia cấp tín dụng cho các dự án BOT, NHNN cho phép phần vốn này không tính vào room tín dụng hàng năm.
Nếu được tháo gỡ vướng mắc pháp lý, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16-18% năm nay là hoàn toàn trong tầm tay.