Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao
Một trong những vướng mắt nhất đối với Trung tâm Thể thao thành phố Hà Nội hiện nay là quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, khiến đơn vị không thể liên doanh, liên kết, cho thuê, kinh doanh dịch vụ, dẫn đến không có nguồn thu, không thể vận hành các địa điểm đang quản lý một cách hiệu quả.
Tiếp tục chuyên đề khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội, chiều 24.8, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Trung tâm Thể thao Thành phố Hà Nội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng - Trưởng đoàn khảo sát chủ trì cuộc làm việc.
Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, được tổ chức lại trên cơ sở sáp nhập Trung tâm tâm Phát hành và Chiếu bóng Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Kim Đồng và Quỹ Văn hóa Hà Nội (từ năm 2017). Trung tâm đang quản lý 5 địa điểm, gồm: số 7 Phùng Hưng, Hà Đông; rạp Kim Đồng, số 19 Hàng Bài, Hoàn Kiếm; rạp 2/9, số 2 Lê Lai, Thị xã Sơn Tây; Văn phòng số 16 Lê Lợi, Hà Đông; rạp chiếu bóng Đại Đồng, số 1 Hoàng Hoa Thám, Hà Đông.
Trong đó, tại địa chỉ số 7 Phùng Hưng, hiện có 1 hội trường lớn hơn 1.000m2, 1 sân khấu thủy đình hơn 400m2 để biểu diễn múa rối nước. Đây là trụ sở làm việc chính của Trung tâm, cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện chính trị, tuyên truyền; liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng; hoạt động văn hóa văn nghệ...
Hiện tại việc sử dụng tài sản công, nhà đất, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất mà Trung tâm được giao quản lý không liên doanh, liên kết, cho thuê, kinh doanh dịch vụ. Các hoạt động mang tính phục vụ chuyên môn của ngành và phục vụ nhiệm vụ chính trị. Chính điều này đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, không có nguồn thu, mục tiêu tự chủ cũng không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, các rạp chiếu phim trong hệ thống của Trung tâm xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, gặp rất nhiều khó khăn trong doanh thu, cạnh tranh với các rạp thuộc hệ thống tư nhân và nước ngoài.
Sau khi tổ chức lại đơn vị, với chức năng hoạt động đa dạng về chuyên môn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ chuyên môn sâu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhiều năm nay Trung tâm chưa thực hiện được công tác tuyển dụng, tăng cường cán bộ chuyên môn thích ứng với sự phát triển nhanh của xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực phát hành phim và chiếu bóng...
Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ vướng mắc trong quy định quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết bảo đảm phù hợp với thực tiến, tăng nguồn thu vào ngân sách, tạo thuận lợi cho đơn vị trong lộ trình thực hiện tự chủ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực văn hóa cơ sở làm căn cứ để đơn vị xây dựng danh mục và định mức kinh tế kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Có văn bản hướng dẫn cụ thể cơ chế quản lý, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa, thống nhất với việc quản lý tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...
Đoàn khảo sát chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của Văn hóa Thành phố Hà Nội trong quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, đặc biệt là vướng mắc trong cơ chế quản lý, sử dụng tài sản công khiến đơn vị không thể liên doanh, liên kết, cho thuê, kinh doanh dịch vụ. Đoàn sẽ có kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để nhanh chóng tháo gỡ.
Đoàn khảo sát đề nghị Trung tâm phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động tham mưu cho lãnh đạo thành phố Hà Nội xây dựng cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng các thiết kế văn hóa, thể thao một cách hiệu quả; cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất đang quản lý để có trung tâm văn hóa xứng tầm của Thủ đô, đáp ứng nhu cầu của người dân.