Tháo gỡ vướng mắc xây nhà ở xã hội cho công nhân

Kinhtedothi – 80-90% công nhân đang ở trọ trong khu dân cư có điều kiện không tốt ảnh hưởng tới năng suất lao động. Bên cạnh việc phấn đấu xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội, rất cần tháo gỡ vướng mắc pháp lý để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng nhà ở cho công nhân…

90% công nhân phải thuê trọ

Những thông tin này được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm “Chỗ ở và nhà ở - Nhu cầu cấp bách của công nhân” do báo Kinh tế và Đô thị và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức.

Các khách mời tham gia Tọa đàm “Chỗ ở và nhà ở - Nhu cầu cấp bách của công nhân”. Ảnh: Phạm Hùng.

Các khách mời tham gia Tọa đàm “Chỗ ở và nhà ở - Nhu cầu cấp bách của công nhân”. Ảnh: Phạm Hùng.

Có nhà để ở là quyền hiến định của mọi người. Và 100% người dân đều có nhu cầu nhà ở, trong đó có công nhân. Khi trao đổi về nhu cầu nhà ở cho công nhân hiện nay, Viện Công nhân và Công đoàn – Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Vũ Minh Tiến cho biết ông đã có nhiều năm đi tìm hiểu và khảo sát về nội dung này. Theo đó, công nhân di cư ở những tỉnh, TP có nhiều khu công nghiệp phát triển như Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đang có nhu cầu rất cao về nhà ở, chiếm tới 70 – 80%; trong khi, thu nhập để mua nhà là cực khó. Vì cuộc sống cho nên 80 – 90% công nhân phải ở trọ trong khu dân cư, do người dân xây cho thuê. Chỉ một số công nhân ở trong ký túc xá hoặc chỗ lưu trú của các DN, một ít người mua được nhà ở xã hội.

TS Vũ Minh Tiến -Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, công nhân di cư ở những tỉnh, TP có nhiều khu công nghiệp phát triển đang có nhu cầu rất cao về nhà ở, chiếm tới 70 – 80%. Ảnh: Phạm Hùng.

TS Vũ Minh Tiến -Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, công nhân di cư ở những tỉnh, TP có nhiều khu công nghiệp phát triển đang có nhu cầu rất cao về nhà ở, chiếm tới 70 – 80%. Ảnh: Phạm Hùng.

Két quả điều tra 16 tỉnh, TP trong cả nước năm 2022 của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy: Những người lao động trực tiếp, kể cả người địa phương và nhập cư đều có nhu cầu về nhà ở, bởi họ ở xa nơi làm việc. 41% công nhân trong các DN muốn có nhà ở phù hợp (ký túc xá hoặc chỗ trọ giá rẻ, gần nơi làm việc, đảm bảo cuộc sống…).

“Công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất ở trọ trong những căn nhà rất nhỏ, diện tích chỉ 10m² giá thuê 500.000 đồng, từ 15 – 20m² giá 1 – 2 triệu đồng, hơn 20m² giá trên 2 triệu đồng, căn 25 – 30m² từ 3 – 4 triệu đồng. Vì mục đích xây nhà cho thuê nên người dân chỉ làm những căn nhà tạm bợ. Do đó có những căn nhà chừng 10m² vừa nóng, vừa hẹp, lại ẩm thấp, công trình phụ tập thể.

Có người dân xây nhà 2 tầng cho thuê nhưng rất thô sơ, không công trình khép kín, không công trình phụ, ở tập trung, muỗi và ruồi rất nhiều. Khi công nhân ở thuê trong những căn nhà như vậy rất ảnh hưởng tới sức khỏe. Khi sức khỏe bị ảnh hưởng thì công nhân không thể tái tạo sức lao động, thậm chí năng suất lao động bị giảm rất nhiều so với những người sống trong môi trường tốt hơn” – Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn – Tổng LĐLĐ Việt Nam Lê Văn Nghĩa cho hay.

Mới có 2 thiết chế công đoàn được thực hiện

Hầu như công nhân thuê trọ chỉ có mỗi chỗ để ở; còn những điều kiện về tinh thần ở bên ngoài như nhà văn hóa thể thao, khu vui chơi, chăm sóc sức khỏe, trường học gần như không có, đang là vấn đề hết sức khó khăn. Bởi vậy, Chính phủ có chính sách xây nhà ở cho người lao động, đặc biệt là công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất là hết sức cần thiết, đáp ứng mong mỏi của rất nhiều công nhân lao động.

Theo ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn, trong quá trình thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gặp một số vướng mắc pháp lý về đất đai, Luật Nhà ở. Ảnh: Phạm Hùng.

Theo ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn, trong quá trình thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gặp một số vướng mắc pháp lý về đất đai, Luật Nhà ở. Ảnh: Phạm Hùng.

Chia sẻ về tính khả thi về đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân, ông Lê Văn Nghĩa cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có đánh giá rất kỹ và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đã có quyết định đến năm 2030 phấn đấu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện một số nội dung.

Trước đó, từ năm 2015 – 2017, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đánh giá và trình Thủ tướng về đề án Thiết chế công đoàn, gồm có nhà ở, nhà văn hóa thể thao, trạm y tế, nhà trẻ… Ngày 12/5/2017, Thủ tướng ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” giao cho Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Dự kiến đến năm 2025, Tổng LĐLĐ Việt Nam phải hoàn thành 50 thiết chế công đoàn trong các khu công nghiệp và khu chế xuất. Thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg, hiện đã có 35 tỉnh giới thiệu địa điểm cho Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng thiết chế công đoàn; quy mô dự kiến khoảng 3-7 ha có đầy đủ các điều kiện thiết yếu trong đó.

Trong số 35 địa điểm được giới thiệu có 19 địa điểm đã được giải phóng mặt bằng, giao Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện quy trình đầu tư. Đến nay, đã có 2 thiết chế công đoàn đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện. Cụ thể, tại Hà Nam, Tổng Liên đoàn đã xây dựng được một quần thể trong đó có 241 căn tập trung theo đúng quy định của Thủ tướng, các đối tượng được thuê nhà là người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Tại đây đời sống tinh thần của công nhân được đáp ứng rất cao, bao gồm các dịch vụ như nhà trẻ, khu vui chơi… phòng ở có điều hòa. Tại Tiền Giang, tháng 6 này, Ban Quản lý dự án của Tổng Liên đoàn hoàn thành khu thiết chế văn hóa thể thao…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg, Tổng LĐLĐ Việt Nam gặp một số vướng mắc pháp lý về đất đai, Luật Nhà ở chưa có quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở nói chung và nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp. Để thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang có đề xuất các Bộ, ban, ngành liên quan, Thủ tướng, Quốc hội điều chỉnh một số luật.

“Chúng tôi quyết tâm và đưa ra một số giải pháp để tháo gỡ vướng mắc chính sách, để Tổng Liên đoàn được đứng ra xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất theo Quyết định số 655 của Thủ tướng. Qua đó để sức khỏe và đời sống tinh thần của công nhân được cải thiện cũng như góp phần tăng năng suất lao động trong tình hình hiện nay” – ông Lê Văn Nghĩa nhấn mạnh.

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thao-go-vuong-mac-xay-nha-o-xa-hoi-cho-cong-nhan.html