THẢO LUẬN Ở TỔ 1: CẦN CÓ CƠ CHẾ KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ VIỆC LỢI DỤNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA ĐỂ ĐẦU CƠ ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Thảo luận ở Tổ 1 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa việc lợi dụng quy định cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa để đầu cơ đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu chính sách.
Sáng 09/6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại phiên thảo luận ở Tổ 1, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.Hà Nội đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự án Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng.
Các tài liệu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, nhiều nội dung đã được tiếp thu, giải trình. Để đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nhất khi thông qua dự thảo Luật, các ĐBQH cũng thống nhất đề nghị Chính phủ bám sát hơn nữa tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, chỉ cụ thể hóa tại Luật những nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW đã quy định rõ.
Nghiên cứu việc cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế
Cho ý kiến về đất trồng lúa, Đại biểu Nguyễn Thị Lan khẳng định, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được sắp xếp, bố cục phù hợp, logic, đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Thể chế hóa rõ 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung mới, gắn với tính đồng bộ của các Luật liên quan từ vấn đề sử dụng đất, tài chính đất đai, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch, đến đấu thầu đất đai, thanh tra đất đai, giải quyết tranh chấp đất đất đai và an ninh quốc phòng.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng đã kế thừa Luật Đất đai năm 2013 và tiếp tục sửa đổi, bổ sung thêm nhiều điều, nội dung, theo các góp ý của tổ chức, doanh nghiệp, người sử dụng đất với mục tiêu nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong giai đoạn mới, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất, hạn chế được các vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai thời gian vừa qua.
Đóng góp ý kiến về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa được quy định tại Điều 46, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị chỉnh sửa quy định dự án Luật theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, có tính đến đặc thù các loại đất thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng và đối tượng nhận chuyển nhượng là “tổ chức” phân biệt với đối tượng nhận chuyển nhượng là “cá nhân” không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa việc lợi dụng quy định này để đầu cơ đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu chính sách. Đối với đất trồng lúa, trường hợp thật cần thiết mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối với cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 46 dự thảo Luật (có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận).
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đồng tình với cơ quan thẩm tra nên nghiên cứu thực hiện thí điểm tại một số địa phương, đánh giá, tổng kết trước khi áp dụng ở quy mô rộng hơn.
Đất sử dụng đa mục đích cần đảm bảo quyền lợi của người dân
Đề cập về đất sử dụng đa mục đích, đại biểu Trần Việt Anh cho rằng, việc sử dụng đất vào các mục đích cần đảm bảo quyền lợi cho người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực có các di tích, công trình văn hóa, tôn giáo. Theo đó, việc thiết kế, bố trí đất để xây dựng, ưu tiên dành cho các công trình văn hóa, di tích, tôn giáo cần được thiết kế công bằng và khách quan hơn để không ảnh hưởng tới người dân sinh sống lâu năm tại khu vực này. Bởi việc xác định đất đai dành cho khu vực xây dựng, bảo tồn công trình văn hóa, tôn giáo, di tích rất khó.
Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Thích Bảo Nghiêm đánh gia cao sự tiếp thu của Ban soạn thảo, sự vào cuộc của Nhân dân, công tác tuyên truyền phổ biến của cơ quan truyền thông, ý kiến rộng rãi của Nhân dân vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Thích Bảo Nghiêm nhất trí cao với Điều 211 về đất tôn giáo và các quy định trong dự án Luật về đất cơ sở tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc. Theo đó, Ban soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nên chú ý, quan tâm hơn tới đất cho hoạt động tôn giáo, thương mại, dịch vụ...
Trong khuôn khổ phiên thảo luận ở Tổ, các ĐBQH Tp.Hà Nội còn cho ý kiến vào đất đai dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đất dành cho cơ sở chăm sóc người cao tuổi; giao đất, cho thuê đất, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư...
Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai ghi nhận những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Thông qua những ý kiến, đề xuất, Tổ Thư ký của Đoàn sẽ tổng hợp, rà soát lại trước khi Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến về các dự án Luật này tại Hội trường.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 1:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=76832