Thảo luận tại hội trường: Nghiêm túc, sôi nổi, đi vào trọng tâm
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba mươi, HĐND tỉnh khóa XV, chiều 22/7, HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại hội trường. Trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận và thẳng thắn phát biểu ý kiến có trọng tâm, trọng điểm vào mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách và đầu tư phát triển 6 tháng cuối năm 2025; nghị quyết về cơ chế, chính sách có tác động trực tiếp đến an sinh xã hội, đời sống nhân dân, sự phát triển của tỉnh và các vấn đề mà cử tri đang quan tâm, phản ánh tới đại biểu HĐND tỉnh. Phóng viên Báo và Phát thanh, truyền hình tỉnh lược ghi, giới thiệu đến độc giả.
Khai mạc Kỳ họp thứ ba mươi HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026
XEM XÉT ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, THU HÚT, ƯU ĐÃI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
Bà Chang Phương Thảo – Đại biểu HĐND tỉnh, Phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh

Trong bối cảnh hiện nay, xét thấy có những chính sách không còn phù hợp với thực tiễn như: việc luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, ưu đãi cán bộ, công chức, viên chức. Hiện nay, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và hỗ trợ luân chuyển cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh đang thực hiện theo các Nghị quyết: số 11/2019/NQ-HĐND, ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh ban hành quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và hỗ trợ luân chuyển cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND, ngày 29/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và hỗ trợ luân chuyển cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND, ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh; Nghị quyết số 42/2023/NQ-HĐND, ngày 17/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và hỗ trợ luân chuyển cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND, ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND, ngày 29/3/2022 của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay không còn phù hợp và không thể vận dụng được. Đặc biệt thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, đối với cán bộ cấp xã càng khó khăn hơn. Đề nghị cơ quan chuyên môn trong thời gian tới rà soát lại toàn bộ các chính sách, đánh giá hiệu quả các chính sách đã ban hành để xem nghị quyết nào còn phù hợp thì tiếp tục duy trì; không phù hợp thì xem xét, điều chỉnh cho phù hợp...
ĐỀ NGHỊ CÔNG KHAI TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
Ông Nguyễn Xuân Thức – Đại biểu HĐND tỉnh, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh

Đối với tỉnh Lai Châu, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2025 đạt thấp so với trung bình của cả nước. Nguyên nhân và vướng mắc nhất dẫn đến tình trạng đó phải kể đến công tác giải phóng mặt bằng tổ chức thực hiện chưa quyết liệt và do kết thúc hoạt động cấp huyện. Đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp cụ thể 6 tháng cuối năm và chỉ đạo cụ thể cho từng đơn vị. Bởi đây là năm cuối nhiệm kỳ nên cần tập trung tháo gỡ khó khăn về giải pháp mặt bằng và chú ý tiến độ giải ngân.
Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh thời gian tới cần linh hoạt, kịp thời điều chuyển vốn giữa các dự án. Trường hợp dự án có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30% (tính đến thời điểm 31/8/2025), đề nghị điều chỉnh nguồn vốn sang các dự án khác có tỷ lệ giải ngân tốt để bảm đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Công khai bảng xếp hạng giải ngân các đơn vị hàng tháng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Giao Văn phòng UBND tỉnh và Sở Tài chính theo dõi tiến độ giải ngân hằng tuần và có văn bản đôn đốc đối với dự án chậm thực hiện. Kiểm điểm trách nhiệm đối với người đứng đầu đơn vị không giải ngân hoặc giải ngân thấp. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ và thủ tục đầu tư Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên.
QUAN TÂM NGĂN CHẶN HÀNG GIẢ, HÀNG KÉM CHẤT LƯỢNG
Ông Nguyễn Bảo Đông – Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh)

Hiện nay vấn đề gốc đó là tuyên truyền, hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn và phòng chống, phòng ngừa bệnh tật còn ít.
Trong khi đó, hàng hóa thì không rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng kém chất lượng rất nhiều. Vấn đề này trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đến đâu, giải quyết như thế nào? Trên mạng xã hội nhiều thông tin, hình ảnh được đăng tải cho thấy nhiều vụ việc hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là thực phẩm chức năng... bị tiêu hủy hàng loạt trên địa bàn và các tỉnh; kể cả hàng ngoại vẫn là hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết vấn đề này.