Thảo luận tại Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Thanh Hóa Khóa XVIIIGỡ vướng để bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vận hành hiệu quả
Với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 11% trở lên, thảo luận tại Kỳ họp thứ 31, các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cần thực hiện quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý các nhà thầu yếu kém, chậm tiến độ; tiếp tục nâng cao năng lực điều hành của bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Gỡ "điểm nghẽn" giải ngân vốn đầu tư công
Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh thống nhất đánh giá, 6 tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của người dân. Đáng chú ý, GRDP tăng 7,88%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,02%; thu ngân sách đạt gần 30.000 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước; thành lập mới 1.725 doanh nghiệp, tăng 12,3% so với cùng kỳ, Thanh Hóa xếp thứ 8 cả nước và dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ về số doanh nghiệp thành lập mới; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Tại Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua 27 nghị quyết với sự đồng thuận, thống nhất cao. Ảnh: Quốc Hương
Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức lớn trong nửa cuối năm 2025, nhất là mục tiêu tăng trưởng 13,72% để GRDP cả năm có thể đạt 11%. Đại biểu Lê Quang Hùng (Giám đốc Sở Tài chính) đề nghị, cần tập trung vào các động lực tăng trưởng quan trọng, bảo đảm bố trí vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các dự án chuyển tiếp, vốn đối ứng ODA, tránh khởi công dàn trải, gây lãng phí.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên nhấn mạnh, UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao nhất, triển khai các giải pháp quyết liệt, khả thi phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 11% trong năm 2025. Trong đó, cần quyết liệt tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ ngay các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, khan hiếm vật liệu xây lắp, kiên quyết xử lý các nhà thầu yếu kém, chậm tiến độ.
Song song với đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng cơ chế “làn xanh” trong giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp; hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án ngoài ngân sách, các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ, du lịch; kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, gây lãng phí.
Nâng cao năng lực điều hành của chính quyền 2 cấp
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng cho rằng, quá trình vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp trong thời gian đầu còn một số khó khăn, bất cập, ảnh hưởng tới công tác giải phóng mặt bằng và triển khai các dự án chuyển tiếp. Cần phát huy tối đa tinh thần “kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, nâng cao năng lực điều hành của chính quyền địa phương 2 cấp. Bên cạnh đó, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị của một số địa phương cấp xã trong xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng.
Theo đại biểu Lê Trọng Thụ (Bí thư Đảng ủy phường Sầm Sơn), yêu cầu đặt ra hiện nay là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì đà tăng trưởng, tập trung nâng cao năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền cấp xã trong bối cảnh mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mới đi vào vận hành. Bởi, các bước chuẩn bị đầu tư, đấu thầu các dự án được giao làm chủ đầu tư cần được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả. Hiện, các địa phương còn lúng túng khi tiếp nhận chuyển giao từ các Ban Quản lý dự án cấp huyện trước đây, do đó cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể để thực hiện, tránh chậm trễ, gây khó khăn cho các nhà đầu tư, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên khẳng định, một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vận hành hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và thật sự gần dân. Theo đó, các cấp, các ngành cần tập trung tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao tinh thần trách nhiệm; phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong thực thi công vụ, tạo chuyển biến rõ nét trong phục vụ người dân.
“Các địa phương cần đặc biệt lưu ý việc triển khai các dự án đầu tư công chuyển tiếp từ cấp huyện về cấp xã sau khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được vận hành từ ngày 1/7/2025. Việc này phải bảo đảm tiến độ, chất lượng, đồng thời giải quyết dứt điểm công nợ các công trình chuyển tiếp của cấp huyện, các xã cũ trước sáp nhập. Nguồn vốn đầu tư công cần được bố trí có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí” - Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên khẳng định.
Những ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa không chỉ cho thấy tinh thần nhìn thẳng vào thực tế, nhận diện đúng những "điểm nghẽn", mà còn thể hiện quyết tâm chính trị cao trong thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện hiệu quả điều hành và nâng cao chất lượng phục vụ người dân; với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, cùng tinh thần “kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị, tin tưởng rằng Thanh Hóa sẽ tiếp tục bứt phá, thực hiện tốt các mục tiêu của năm 2025 và của cả nhiệm kỳ.