THẢO LUẬN TẠI TỔ 3: CẦN CÓ CƠ CHẾ QUẢN LÝ TỐT HƠN SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRƯỚC KHI ĐƯA RA THỊ TRƯỜNG VÀ LÊN MẠNG XÃ HỘI

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tại Tổ 3 cho rằng cần có một cơ chế quản lý tốt hơn sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường, lên mạng xã hội theo hình thức trực tiếp...

THẢO LUẬN TẠI TỔ 3: PHÒNG THỦ DÂN SỰ CÓ VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CẢ TRONG THỜI BÌNH VÀ THỜI CHIẾN

Sáng ngày 02/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Thảo luận ở Tổ 3 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Gia Lai, Ninh Thuận.

Tại Phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, qua gần 12 năm thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 (được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, ngày 17/11/2010), đã phát huy tác dụng góp phần bảo vệ chế định về quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, góp phần đắc lực cho quá trình hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế sâu rộng, thực hiện tốt chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Toàn cảnh Phiên thảo luận ở Tổ 3 sáng ngày 02/11.

Toàn cảnh Phiên thảo luận ở Tổ 3 sáng ngày 02/11.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, cùng với xu thế phát triển kinh tế-xã hội, Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 cũng đã dần bộc lộ những hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Qua nghiên cứu dự án Luật, đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nêu ý kiến: Dự án Luật đã quy định rất chặt chẻ và chi tiết các nội dung có liên quan đến các hoạt động Giao dịch từ xa (thể hiện qua nội dung các Điều 38,39,40); Hoạt động Cung cấp dịch vụ liên tục (thể hiện qua nội dung các Điều 41,42); Hoạt động Bán hàng trực tiếp bao gồm các hình thức bán hàng tận cửa (thể hiện qua nội dung các Điều 43, 44), bán hàng đa cấp (thể hiện qua nội dung các Điều 45,46) và hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên (Điều 47) nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay vẫn còn rất đông người tiêu dùng chưa thành thạo về công nghệ số để thực hiện giao dịch điện tử trong mua bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; cộng thêm những hạn chế, bất cập của các Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các hoạt động này.

Do vậy, các hành vi gian dối, lừa đảo thông qua các hình thức bán hàng trên đang diễn ra khá phổ biến, với mức độ ngày càng tỉnh vi, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm người tiêu dùng yếu thế và dễ bị tổn thương.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng, các hình thức Bán hàng tận cửa, Bán hàng đa cấp, Bán hàng qua mạng (online) hiện nay đang phát triển với quy mô lớn; chủ yếu là các mặt hàng có trị giá cao, cụ thể như: Hàng thời trang, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm, hàng gia dụng, cây cảnh...

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Phần lớn những người kinh doanh dưới hình thức này không đăng ký kinh doanh, không giấy phép kinh doanh, không khai báo doanh thu, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế... Ngoài hệ lụy phát sinh các hành vi gian dối, lường gạt, lừa đảo mà nạn nhân thường thuộc về nhóm người tiêu dùng yếu thế, dễ bị tổn thương như đã nêu, các hình thức bán hàng trên đã tạo sự bất bình đẳng đối với các hình thức bán hàng truyền thống, dễ dẫn đến nguy cơ là nơi tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng gian, hàng giả trên thị trường và gây thất thu cho ngân sách nhà nước tương đối lớn.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận.

Với những hệ lụy trên, đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng, dự án Luật cũng cần có nội dung liên quan đến việc tăng cường chức năng quản lý nhà nước đối với các hình thức kinh doanh vừa nêu. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu bổ sung các quy định mang tính định hướng về biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi gian dối, lường gạt, lừa đảo trong các nội dung giao dịch đặc thù đã nêu, làm cơ sở pháp lý giúp Chính phủ xây dựng các quy định cụ thể về vấn đề này, nhằm bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển thị trường kinh doanh an toàn, lành mạnh và phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Đóng góp thêm về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng hóa khi đưa ra thị trường, đưa lên mạng xã hội, đại biểu Siu Hương- Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, đối với một số loại hàng hóa tiêu dùng đơn giản, người tiêu dùng có thể dùng mắt thường nhận thấy chất lượng không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, có rất nhiều loại hàng hóa như thuốc tây, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoặc hàng tiêu dùng bị ngâm tẩm hóa chất... để đánh giá về chất lượng cần có chuyên môn, máy móc mới phát hiện được. Do đó, thay vì đẩy nghĩa vụ đánh giá chất lượng và chịu trách nhiệm với lựa chọn hàng hóa cho người tiêu dùng thì pháp luật cần có một cơ chế quản lý tốt hơn sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường, lên mạng xã hội...

Ngoài ra, đại biểu Siu Hương tán thành với quan điểm của cơ quan soạn thảo khi quy định người tiêu dùng có trách nhiệm thông tin phản ánh đến cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng (khoản 2 Điều 16 Dự thảo).

Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 3.

Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 3.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình như đưa tin hay khiếu kiện sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa dẫn tới ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bình thường và lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Vì vậy, để hạn chế cũng như ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng, đại biểu Siu Hương đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung điều khoản này theo hướng quy định cụ thể hơn nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, khiếu kiện mình đưa ra; trường hợp có thiệt hại xảy ra từ việc thông tin sai sự thật, khiếu kiện sai thì phải bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh bị thiệt hại.

Nhằm bảo vệ tốt hơn cho người tiêu dùng khi mua hàng hóa xuất, nhập khẩu, đại biểu Lý Thị Lan- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, thực tế trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế, nhất là hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa giữa nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt là số lượng sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam để bán cho người tiêu dùng ngày càng tăng.

Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát về chất lượng, giá cả đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng. Thực tế có không ít sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam khi đến tay người tiêu dùng thì giá cả đã tăng lên nhiều hoặc chất lượng không bảo đảm. Đây là vấn đề cần phải quy định rõ đối với các sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam để bán cho những người tiêu dùng.

Vì vậy, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung nhập khẩu, tiêu thụ vào ngay sau từ tiêu thụ cho phù hợp, cụ thể: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hoặc nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa ...”; đồng thời đề nghị rà soát các quy định khác của dự án Luật.

Trong khuôn khổ phiên thảo luận Tổ, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu cơ bản thống nhất với việc cần thiết sửa đổi Luật hiện hành, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng. Một số ý kiến tại Phiên họp đưa ra là dự án Luật cần bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng; bảo đảm thông tin cá nhân của người dân trong các giao dịch điện tử.../.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 3:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3.

Các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai.

Các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai.

Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang.

Các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nêu quan điểm về hàng hóa khuyết tật, các loại hàng hóa có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.Đại biểu Hà Sỹ Huân nêu quan điểm tại Phiên thảo luận.

Bích Lan-Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=70143