THẢO LUẬN TỔ 01: SỬA ĐỔI LUẬT PHẢI TẠO SỰ KHÁC BIỆT GIỮA MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ VỚI CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ KHÁC
Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đa số đại biểu tại Tổ 1 - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã (sửa đổi), nhưng đề nghị tiếp tục làm rõ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và mô hình hoạt động của hợp tác xã đảm bảo phát huy hiệu quả trong tình hình mới.
SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI TOÀN DIỆN LUẬT HỢP TÁC XÃ 2012
Tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ bao quát phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
Đa số đại biểu Tổ 1 - Đoàn ĐBQH thành phố bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý tại các hội nghị với sự tham gia đông đảo Nhân dân, cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học hoàn thiện dự thảo. Theo đó, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã giải quyết nhiều vướng mắc hiện hành như: thay đổi quy định về thành viên hợp tác xã, trong đó có thành viên chính thức và thành viên liên kết; thay đổi quy định về tỷ lệ cung cấp dịch vụ ra bên ngoài linh hoạt hơn, giúp tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã quy mô nhỏ, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo luật là các chính sách hỗ trợ của nhà nước căn cứ vào hiệu quả hoạt động và đối tượng hỗ trợ, thay vì hỗ trợ theo danh sách hợp tác xã như trước đây. Bên cạnh đó, các quy định về quản trị hợp tác xã linh hoạt hơn, được tổ chức theo các mô hình khác nhau, làm tăng tính chủ động về mô hình quản trị tại các hợp tác xã.
Tên gọi dự thảo luật nhận được nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội. Theo đó, tại Kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hai phương án: (1) Luật các tổ chức kinh tế hợp tác và (2) Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Lan, Hoàng Văn Cường, Vũ Tiến Lộc đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã, vì tên gọi này được sử dụng xuyên suốt trong quá trình phát triển, trong các chương trình truyền thông, trong tiềm thức của người Việt. Thực tế, trên thế giới cũng sử dụng thuật ngữ hợp tác xã thay vì tổ chức kinh tế hợp tác.
Đại biểu Nguyễn Tấn Thịnh, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đồng tình với tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), vì khái niệm hợp tác xã đã được sử dụng bảo đảm bao quát mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình hợp tác xã. Bên cạnh đó, việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan chưa đánh giá hết tác động…
Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu cho rằng tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi) không còn phù hợp với tình hình mới, nhưng chưa đồng tình với tên gọi Chính phủ trình là Luật các tổ chức kinh tế hợp tác, đại biểu đề nghị đổi tên luật thành Luật các tổ chức hợp tác.
Sửa đổi Luật Hợp tác xã phải tạo sự khác biệt về mô hình hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác.
Góp ý về tiêu chí thực hiện chính sách, tại điểm b, khoản 1 Điều 17 quy định: “Có báo cáo kiểm toán được kiểm toán trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm đề xuất hỗ trợ để Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ theo quy định của từng nội dung chính sách cụ thể”, đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, quy định như vậy chưa phù hợp, đặc biệt đối với các hợp tác xã mới thành lập không có điều kiện để được nhận hỗ trợ từ nhà nước.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, luật cần tạo điều kiện để nhiều đối tượng có thể tham gia góp vốn, tuy nhiên theo Luật Cán bộ, công chức không cho phép công chức, viên chức góp vốn vào hợp tác xã. Như vậy, một bộ phận các nhà khoa học và các trường đại học sẽ không thể tham gia điều hành hoặc đóng góp trí tuệ nhằm tăng thêm tiềm năng, nâng cao giá trị gia tăng cho các hợp tác xã, để hợp tác xã phát triển đúng với với tinh thần Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị là tạo sự khác biệt giữa hợp tác xã với doanh nghiệp.
Liên quan đến quy định về thực hiện kiểm toán, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu quan điểm” “Qua rà soát toàn bộ dự thảo, dường như đây là điều kiện để nhận hỗ trợ của Nhà nước chứ không phải phải nhu cầu tự thân của các tổ chức kinh tế hợp tác", do vậy đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với nhu cầu thực tế.
Lấy ví dụ về mô hình xuất khẩu hoa ở Hà Lan, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, tại quốc gia này việc sản xuất hoa vẫn do từng gia đình trồng riêng lẻ nhưng khi bán ra thị trường, có tới 90% sản phẩm do hợp tác xã đứng tên. Đại biểu nhấn mạnh, mô hình hợp tác xã cần khác hoàn toàn với mô hình của các tổ chức kinh tế khác. Nếu như công ty cổ phần có mục tiêu lớn nhất là tạo ra nhều lợi nhuận nhất thì hợp tác xã hình thành giúp các thành viên sản xuất tốt hơn.
Xây dựng Luật Hợp tác xã nhằm tạo sức mạnh cho từng hộ sản xuất riêng biệt, hợp tác xã có vai trò nhiệm vụ liên kết các thành viên, thực hiện nhiệm vụ dự báo thị trường, cung cấp dịch vụ chung cho các hộ sản xuất riêng lẻ, hợp tác xã tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo nên địa vị, tiếng nói và đại diện cho các hộ sản xuất khi tiêu thụ sản phẩm…
Cũng trong phiên thảo luận tổ chiều ngày 1/11, Tổ 1 – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Theo đó, đa số đại biểu thống nhất với sự cần thiết xây dựng luật, tuy nhiên phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật rộng, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật hiện hành nên cần rà soát, tránh chồng chéo, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên thảo luận tổ 1:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=70099