THẢO LUẬN TỔ 03 VỀ DỰ ÁN LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM (SỬA ĐỔI): ĐỂ LUẬT SỚM CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH

Sáng 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tổ 03 gồm các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội ở trung ương thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng và các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang.

Thảo luận tại tổ 03, các đại biểu cơ bản đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ và cho rằng sau khi tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ của cơ quan thẩm tra và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thiện thêm một bước, bảo đảm chất lượng yêu cầu. Về cơ bản, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục thực hiện cam kết quốc tế, khắc phục bất cập, vướng mắc thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế, bảo đảm hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thị trường bảo hiểm phát triển nhanh và bền vững hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành nội dung thảo luận Tổ

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành nội dung thảo luận Tổ

Các đại biểu ghi nhận, hồ sơ dự án Luật đầy đủ đúng quy định, đồng thời tiếp tục rà soát bổ sung đánh giá tác động và Dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị tiếp tục có rà soát, xem xét lại các quy định về áp dụng pháp luật để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát lĩnh vực bảo hiểm để cân đối các nội dung nhân thọ và phi nhân thọ, về bảo hiểm và tái bảo hiểm. Trong đó lưu ý đến sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp cần có tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện thời gian qua, từ đó xem xét, đưa vào trong luật những nguyên tắc, quy định đã ổn định, phù hợp và Chính phủ tiếp tục quy định chi tiết thi hành để từng bước tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp bảo hiểm vào bù đắp thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Yêu cầu tương tự cũng được các đại biểu đặt ra đối với nhóm quy định về bảo hiểm vi mô.

Các đại biểu đề nghị rà soát quy định về bảo hiểm bắt buộc; về hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, nhấn mạnh hợp đồng bảo hiểm cần bảo đảm bình đẳng cho các bên tham gia, giữa bên cung cấp bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm với người mua bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Các quy định về hợp đồng bảo hiểm phải thống nhất với Bộ luật Dân sự và phù hợp với đặc thù của hoạt động bảo hiểm gắn với xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Các quy định về doanh nghiệp bảo hiểm cần thống nhất với Luật Doanh nghiệp, đồng thời gắn với Đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp bảo hiểm để rà soát bảo đảm các doanh nghiệp đạt chuẩn.

Góp ý vào các nội dụng cụ thể, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, đề nghị lưu ý quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; rà soát quy định về bảo hiểm bắt buộc để bảo đảm tính logic giữa các điều khoản, cụ thể rõ định nghĩa, nội dung. Về bảo hiểm vi mô, đại biểu cho biết, trước đây được thí điểm triển theo Nghị định số 18/2005/NĐ-CP nhưng trong hồ sơ dự án Luật, báo cáo tổng kết thí điểm thực hiện bảo hiểm vi mô cũng như quy định của dự thảo Luật là chưa rõ, sơ sài. Do đó, đại biểu đề nghị phân tích đánh giá, tổng kết thực tiễn thí điểm áp dụng và đánh giá tác động quy định này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành luật nhưng Chính phủ lại trình đến tháng 7/2023 luật mới có hiệu lực thi hành, đại biểu cho rằng điều này mâu thuẫn ngay với sự cần thiết sửa đổi, không đáp ứng được tính cấp bách. Đại biểu đề nghị, nếu luật được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2022 thì luật sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2023.

Tán thành đề xuất về thời điểm có hiệu lực của Luật là vào ngày 01/01/2023, Chủ tịch Quốc hội cho rằng giải trình của Chính phủ về đề nghị lấy mốc thời điểm có hiệu lực của Luật sau khi được Quốc hội thông qua là 01/7/2023 là không thuyết phục.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay không có lý do gì để kéo dài thời gian có hiệu lực của Luật. Nếu phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành thì Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải tập trung hoàn thiện, không để tình trạng Luật ban hành xong lại để cả thị trường, cả nước phải ngồi chờ văn bản hướng dẫn thi hành. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các dự thảo văn bản hướng dẫn đã phải được trình Quốc hội kèm theo dự thảo Luật.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần xem xét ngay dự thảo văn bản hướng dẫn. Chỉ rõ, sau khi Quốc hội thông qua dự thảo Luật, dự kiến kỳ họp tháng 5/2022, còn tới 6 tháng để ban hành văn bản hướng dẫn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không thể lấy lý do không ban hành kịp văn bản hướng dẫn để chậm trễ áp dụng luật được, nhất là trong bối cảnh nước ta vừa phải phòng, chống dịch vừa phải phục hồi, phát triển kinh tế thì việc có một luật mới được ban hành có thể đẩy thị trường lên cũng là một giải pháp thiết thực cho việc phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, bày tỏ đồng tình với việc quy định về bảo hiểm vi mô trong luật và cho rằng đây là nội dung mang tính nhân văn hướng đến đối tượng yếu thế trong xã hội, bao phủ bảo hiểm rộng khắp đến các đối tượng trong xã hội được tham gia và hưởng các chính sách, quyền lợi từ bảo hiểm.

Tuy nhiên nội dung dự thảo Luật và trong dự thảo các văn bản hướng dẫn kèm theo quy định rất sơ sài. Dự thảo có chương riêng về bảo hiểm vi mô nhưng chỉ có 2 điều và đều giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Tại dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành mới chỉ có quy định về tổ chức bảo hiểm tương hỗ, còn quy định về đối tượng, sản phẩm bảo hiểm hay tiêu chí để xác định phí đóng bảo hiểm chưa quy định rõ. Quy định về việc thành lập, hoạt động, giải thể tổ chức bảo hiểm tương hỗ cũng chưa rõ ràng. Trong khi đó, phạm vi quản lý nhà nước giao cho Bộ Tài chính mà lại không đề cập đến trách nhiệm chính quyền địa phương, trong khi đối với loại hình bảo hiểm này xác định nhóm đối tượng yếu thế cần gắn với địa bàn, tiêu chí nhất định cần được phân nhóm cụ thể. Đại biểu cho rằng, với quy định như dự thảo thì rất khó hình dung được việc tổ chức thực hiện trên thực thể nào?

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đề nghị rà soát thiết kế lại quy định này, cùng với đó có đánh giá tác động cụ thể, nhất là đối với các đối tượng thụ hưởng phù hợp với nhận thức, điều kiện địa bàn và điều kiện kinh tế. Các quy định về điều kiện thụ hưởng bảo hiểm, giải quyết tranh chấp, sự kiện bảo hiểm, cụ thể mẫu hợp đồng, biên bản…cho nhóm đối tượng này.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La

Ngoài ra, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, cho biết, dự thảo Luật quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin theo hướng doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm không phải bồi thường trả tiền bảo hiểm và không phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua khi bên mua bảo hiểm không kê khai chính xác mọi thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đại biểu thực tế mức độ vi phạm về nghĩa vụ kê khai thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm rất đa dạng, có nhiều trường hợp không ảnh hưởng đến đối tượng, nội dung chính của hợp đồng bảo hiểm. Trong khi dự thảo Luật quy định áp dụng mọi vi phạm, mọi trường hợp, điều này dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng quy định, từ chối chi trả cho khách hàng khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Quy định này cần được cân nhắc, rà soát để bảo đảm quyền lợi của người mua bảo hiểm./.

Bảo Yến - Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=59938