THẢO LUẬN TỔ 04 VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI: PHÂN TÍCH KỸ CÁC CHỈ BÁO ĐỂ CHỦ ĐỘNG CÓ PHẢN ỨNG CHÍNH SÁCH RÕ RÀNG

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, thảo luận tại Tổ số 04 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Bà Rịa – Vũng Tàu về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đồng thời đề nghị tiếp tục phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế để có giải pháp phù hợp, nhấn mạnh các phản ứng chính sách cần phải chủ động, rõ ràng.

Thảo luận tại Tổ 04 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Bà Rịa – Vũng Tàu

Thảo luận tại Tổ 04 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Bà Rịa – Vũng Tàu

Trong khó khăn, những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được là rất đáng ghi nhận

Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về các nội dung: Một là, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Hai là, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. Ba là, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Bốn là, kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Năm là, báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Sáu là, kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Thảo luận tại Tổ 04, các đại biểu đều bày tỏ cơ bản thống nhất với các nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội. Đồng thời, đánh giá cao việc chuẩn bị các nội dung báo cáo, nhất là các báo cáo thẩm tra. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã có thẩm tra một cách toàn diện, thẳng thắn, có tình phản biện cao, chỉ rõ những mặt được, chưa được, những nội dung cần tiếp tục báo cáo làm rõ, những nội dung cần lưu ý thêm.

Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng Lê Tiến Châu làm Tổ trưởng điều hành thảo luận

Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng Lê Tiến Châu làm Tổ trưởng điều hành thảo luận

Các đại biểu cho rằng dù dự báo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2023 không đạt được như kế hoạch đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội, song trong bối cảnh cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ở trong và ngoài nước thì những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận và khích lệ, nhất là những nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, trong đó có vai trò của Quốc hội. Những kết quả như ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, công tác đối ngoại…được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết từ năm 2020 đến nay tình hình đất nước luôn phải đối mặt với khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19 với hậu quả nặng nề kéo dài. Cùng vơi đó, tình hình địa chính trị, địa kinh tế biến động cũng tác động đến trong nước như việc giảm số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hạn chế. Các nước có xu hướng kéo đầu tư trong nước và tăng bảo hộ. Kinh tế thế giới cũng hạ chỉ tiêu tăng trưởng. Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nêu rõ, trước những khó khăn đó cho thấy kết quả đạt được là đáng ghi nhận. Đặc biệt, Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết nhằm tháo gỡ các khó khăn. Các địa phương, cộng đồng doang nghiệp và người dân đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế phát biểu

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế phát biểu

Về giải pháp trong thời gian tới, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đề nghị nhấn mạnh ưu tiên giải quyết một số vướng mắc về giải ngân đầu tư công, hoạt động doanh nghiệp. Phát huy vai trò của kinh tế đối ngoại, tận dụng cơ hội mới từ đầu tư nước ngoài, theo hướng phù hợp với Việt Nam đồng thời chuyển sang đầu tư mới như năng lượng xanh…

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến cho biết theo nhiều phân tích của các chuyên gia, nếu phấn đấu tăng trưởng của năm 2023 từ 5-5,5% thì trong quý 4 phải đạt tăng trưởng 7%-8,8%. Điều này đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn trong 3 tháng cuối năm. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc để có dự báo, đánh giá tình hình để có giải pháp ứng phó.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng nhấn mạnh cần nắm chắc tình hình thế giới để có kế hoạch ứng phó linh hoạt.Cần điều tiết hài hòa cân bằng giữa tăng trưởng với lạm phát, cung và cầu, tiền tệ và tài khóa. Có biện pháp bảo đảm nguồn cung từ sản xuất, có giải pháp thúc đẩy tiêu dùng đầu tư xuất khẩu, tập trung kích cầu tiêu dùng qua giảm thuế giá trị gia tăng, điều hành phù hợp hiệu quả bảo đảm nguồn cung điện xăng dầu.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến phát biểu

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến phát biểu

Đồng thời, cần có giải pháp kích cầu đầu tư công và đầu tư tư nhân, ưu tiên cho các dự án sắp hoàn thành; giải quyết vấn đề căn cơ về giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng. Tăng bảo lãnh và hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh thông tin thị trường, xây dựng uy tín hình ảnh doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu mới, thị trường tiềm năng. Quyết liệt hơn trong thoái vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Phải rõ phản ứng chính sách

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đặt vấn đề trước tình hình mới, với những kết quả đạt được nếu tiếp tục thực hiện các giải pháp từ đầu năm thì liệu đến cuối năm và sang năm 2024 có đáp ứng được các mục tiêu yêu cầu đề ra. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng điều quan trọng là phát triển thị trường nội địa. Để làm được điều này thì tín hiệu trong điều hành phải rõ, xác định rõ có hay không thực hiện kích thích tiêu dùng trong nước không, thực tế có những chính sách tích cực như giảm VAT nhưng lại thiếu tính ổn định và dài hạn hay một số vấn đề về giá như giá năng lượng phải có định hướng chính sách rõ ràng để có đầu tư.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu phát biểu

Quan tâm đến các chỉ tiêu dự báo không đạt như tăng năng suất lao động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn chỉ rõ đây là vấn đề tổng thể cần được tính toán, làm rõ nguyên nhân. Đồng thời, nhìn vào dòng tiền, nhìn vào tổng mức đầu tư toàn xã hội trong 9 tháng đầu năm tăng 5,9% chủ yếu trong khu vực nhà nước từ đầu tư công, còn khu vực ngoài nhà nước rất thấp chỉ bằng 1,6 lần năm 2022. Nền kinh tế không thiếu tiền nhưng không hấp thụ được tiền. Trái phiếu doanh nghiệp ngừng trệ khi phát hành mới ít và quay vòng thấp…Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết đây là những chỉ báo vĩ mô cần được phân tích kỹ để có giải pháp chính sách.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng đề nghị cần có đánh giá làm rõ những bất ổn nội tại là gì, do thể chế chính sách hay do tổ chức thực hiện, chỉ rõ ở khâu nào để có giải pháp tháo gỡ.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh cho biết những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm phản ánh rất rõ những cố gắng vượt qua khó khăn của toàn hệ thống chính trị, được nhiều cử tri đánh giá rất cao và ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ làm việc không quản ngày nghỉ, xuống tận cơ sở tìm hiểu để có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ đạo tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội để bàn về giải pháp hay tổ chức Hội nghị triển khai các luật nghị quyết cho thấy Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ. Tuy nhiên, còn một số nội dung, chương trình như ba chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án trọng điểm, hay việc thực hiện Đề án 06, giải quyết chế độ chính sách cho nhân viên ngành y tế, thực hiện tinh giản biên chế, giải quyết bài toán thiếu giáo viên, những vấn đề trong chi trả bảo hiểm xã hội…từ năm ngoái đến năm nay thực hiện còn chậm, thiếu chuyển biến thực sự. Do đó, đề nghị trong nghị quyết kì họp này cần có tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu để làm cơ sở cho các cơ quan triển khai thực hiện, rõ trách nhiệm.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận tổ:

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng phát biểu

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng phát biểu

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu phát biểu

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 04.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 04.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=81289