THẢO LUẬN TỔ 12: GIỮ MÔ HÌNH TỔ CHỨC THANH TRA HIỆN HÀNH ĐỒNG THỜI TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 26/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) liên quan đến hệ thống cơ quan thanh tra, nhiều đại biểu đề nghị giữ hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra như hiện hành gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện; đồng thời tăng cường hơn nữa năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan này.
Tại Tổ 12 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Ninh, Kiên Giang, Tp.Hải Phòng, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra và 05 nhóm quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến công tác thanh tra; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nhất là những nội dung mới về kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu quan tâm đến nhiều nội dung của dự thảo luật hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, các hình thức thanh tra, trình tự, thủ tục thanh tra…
Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, dự thảo Luật kế thừa quy định về hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Luật Thanh tra hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện. Tuy nhiên trong quá trình thảo luận còn có 02 loại ý kiến đối với mô hình Thanh tra huyện. Loại ý kiến thứ nhất tán thành tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra huyện. Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra, theo đó không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng bày tỏ đồng tình với quan điểm cần phải giữa Thanh tra huyện. Đại biểu nhấn mạnh hệ thống Thanh tra huyện là hết sức cần thiết, đảm bảo nguyên tắc “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra”; bảo đảm phù hợp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao cho Thanh tra huyện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng...Đại biểu cũng cho biết, những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện hiện nay không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; do đó, cần có giải pháp hiệu quả khắc phục hạn chế này.
Về Thanh tra Sở, dự thảo Luật quy định Thanh tra sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở quy định của luật chuyên ngành, yêu cầu quản lý trong từng lĩnh vực và tổ chức, biên chế được giao cho địa phương.
Bày tỏ đồng tình với quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra Sở, song đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng nếu chỉ quy định như dự thảo Luật sẽ rất khó thực hiện mà cần có quy định cụ thể để địa phương có cơ sở để tổ chức thành lập Thanh tra Sở. Theo đó, cần làm rõ đối với các Sở không thành lập tổ chức thanh tra thì nhiệm vụ thanh tra và những nhiệm vụ khác của Thanh tra Sở được giao cơ quan nào đảm nhiệm.
Cũng thống nhất với giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra Sở, đại biểu Nguyễn Việt Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề nghị cần quy định cứng một số Sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp được thành lập Thanh tra Sở, số còn lại giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ và tổng số biên chế được giao của địa phương để vừa bảo đảm sự thống nhất tương đối về tổ chức bộ máy Thanh tra sở trong phạm vi cả nước vừa đáp ứng được đặc thù, yêu cầu quản lý của từng địa phương và vẫn thực hiện được mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra. Đồng thời giải trình làm rõ các Sở không thành lập thanh tra thì nhiệm vụ thanh tra sẽ do cơ quan nào thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Việt Thắng cũng khẳng định vai trò của Thanh tra huyện. Nêu rõ đây là cơ quan tham mưu tích cực, hiệu quả cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu cho rằng cần phải duy trì mô hình Thanh tra huyện đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan này.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước làm cơ sở để Chính phủ xem xét, quyết định, trong đó cần xác định tiêu chí quan trọng nhất là cơ quan đó được pháp luật giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang thì đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật nhất là các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Bộ, Thanh tra Cục, Tổng cục thuộc Bộ… để thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Liên quan đến quy định về tổ chức Thanh tra Sở, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình tổng kết thi hành và lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật, các ý kiến đều nhất quán cần quy định trong Luật về Thanh tra Sở và nhấn mạnh đây là công cụ để quản lý nên không thể quy định tùy theo tình hình thực tế địa phương chỗ thành lập chỗ không. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng nên quy định rõ Sở nào cần thành lập thanh tra để thống nhất trong cả nước.
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại hội trường vào chiều ngày 13/6.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=65051