THẢO LUẬN TỔ 12: QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN VỀ ĐIỀU KIỆN PHÒNG CHÁY VÀ THOÁT NẠN ĐỐI VỚI NHÀ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH
Đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các ĐBQH tại Tổ 12 nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu để có quy định cụ thể hơn về điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn đối với nhà ở. Đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nhằm quản lý chặt chẽ hơn, góp phần hạn chế những vụ cháy.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, chiều 19/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận. Đa số các ĐBQH đều thống nhất về việc cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với những lý do đã được Chính phủ nêu trong Tờ trình và cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Việc ban hành Luật cũng là luật hóa những quy định hiện hành và bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động cứu nạn, cứu hộ mà lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đang được giao đảm nhiệm nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn; khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập đang tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới.
Cho ý kiến về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở quy định tại Điều 17, đại biểu Nguyễn Văn Thuận – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh: Đối với loại hình nhà ở có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy thì thực hiện theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 17 và phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ rà soát, nghiên cứu để có thể quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn về điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn đối với cơ sở, nhà ở. Đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nhằm quản lý chặt chẽ hơn, góp phần hạn chế những vụ cháy với hậu quả đau lòng xảy ra gần đây.
Liên quan đến nội dung trên, tại điểm a khoản 1 Điều 17 dự thảo Luật quy định: “Hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn phòng cháy; chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; có giải pháp thoát nạn; chuẩn bị thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn”.
Về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu thay thế cụm từ “bếp đun nấu, nơi thờ cúng” thành “thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt”. Do nếu chỉ quy định “bếp đun nấu, nơi thờ cúng” thì còn thiếu các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt sử dụng trong nhà ở như diêm, bật lửa, bình ga... Việc sử dụng cụm từ “thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt” sẽ bao hàm đầy đủ hơn các thiết bị, dụng cụ có tính chất nguy hiểm, dễ gây cháy, nổ trong nhà và phù hợp với biện pháp bảo đảm an toàn đã được quy định tại khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật.
Quy định cụ thể nhiệm vụ của Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở
Đề cập về lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tại Điều 40 dự thảo Luật, có 4 lực lượng phòng cháy, chữa cháy, bao gồm: Lực lượng dân phòng; Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở; Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành; Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, tại Điều 9 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở được Quốc hội thông qua vào ngày 28/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, quy định “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo yêu cầu, hướng dẫn, phân công của Công an cấp xã hỗ trợ lực lượng dân phòng trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn phụ trách hoặc địa bàn khác khi được điều động”. Lực lượng Công an xã và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được đào tạo, tổ chức tương đối bài bản, trang bị đầy đủ trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác phòng cháy, chữa cháy. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định bổ sung 02 lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là: “Công an xã và Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở” để thống nhất với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã và Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Liên quan đến việc thành lập, quản lý lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành (Điều 41), đại biểu Chamaleá Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nêu quan điểm: Khoản 2 Điều 41 dự thảo Luật chỉ quy định: “…người đứng đầu cơ sở thành lập, quản lý và được bố trí thành Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành”. Tuy nhiên, điều khoản lại không quy định cụ thể về cơ cấu, tổ chức của các Đội này ra sao, từng đội thực hiện nhiệm vụ của mình như thế nào, mặc dù phạm vi thành lập và hoạt động của hai đội là khác nhau.
Để đảm bảo tính khả thi, không vướng mắc khi thực hiện Luật được ban hành, đại biểu Chamaleá Thị Thủy đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét quy định cụ thể nhiệm vụ của Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở thực hiện như thế nào, nhiệm vụ của Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành tại một số cơ sở thuộc một số lĩnh vực có nguy hiểm về cháy, nổ như thế nào, ra sao.
Cũng trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các ĐBQH tại Tổ 12 còn cho ý kiến đóng góp vào dự án Luật Phòng không nhân dân. Theo đó, đa số các ĐBQH nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành Luật Phòng không nhân dân nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Việc ban hành Luật còn tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của Phòng không nhân dân trong phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; cụ thể hóa quy định của Luật Quốc phòng năm 2018 về “Xây dựng phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện, hợp thành phòng thủ đất nước”, trong đó Phòng không nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo cho phòng thủ Quân khu, khu vực vững chắc.
Ngoài ra, các ĐBQH cũng cho rằng, việc ban hành Luật Phòng không nhân dân còn nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn về Phòng không nhân dân; đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=87522