THẢO LUẬN TỔ 13: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG THÊM CÁC PHƯƠNG THỨC THU THẬP CHỨNG CỨ VÀO DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều ngày 9/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Thảo luận tại Tổ 13 (gồm các Đoàn ĐBQH: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang), các ý kiến cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014, nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, hoàn thiện thể chế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 13, (gồm các Đoàn ĐBQH: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang)

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 13, (gồm các Đoàn ĐBQH: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang)

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đa số ý kiến tại Tổ 13 thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014; sự phù hợp của nội dung dự thảo Luật với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp. Việc sửa đổi luật cũng nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, hoàn thiện thể chế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 154 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Dự thảo luật giảm 02 chương, tăng thêm 57 điều. Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 06 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023.

Theo đại biểu, Phạm Trọng Nghĩa, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới yêu cầu bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; tiến hành khẩn trương, nghiêm minh, nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình, bước đi vững chắc. Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời. Do vậy, trong quá trình sửa đổi luật, cầm bám sát yêu cầu tại Nghị quyết số 27.

Cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể của dự án luật về thực hiện quyền tư pháp (Điều 3), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, khoản 1 Điều 3 quy định: “Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”; khoản 2 Điều 3 cũng quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án khi thực hiện quyền tư pháp.

Nêu quan điểm về quy định này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ mối quan hệ quyền tư pháp với quyền lập pháp và quyền hành pháp; phạm vi quyền tư pháp đến đâu; có nên định danh cụ thể tại dự án luật, nếu quy định trong luật có cần sửa đổi các luật liên quan để đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật?

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Cho ý kiến về việc bỏ quy định thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử (Điều 15 của dự thảo Luật), đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, tại Khoản 1 Điều 15 dự thảo Luật quy định: “Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được các bên thu thập, cung cấp, giao nộp, làm rõ tại phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”. Từ thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng, kết quả hội nghị góp ý dự thảo Luật do Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tổ chức, rất nhiều quan điểm đồng thuận với quy định trong dự thảo Luật là “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”.

Theo pháp luật tố tụng hiện hành, trong vụ án hình sự nghĩa vụ thu thập chứng cứ để chứng minh cho hành vi phạm tội là thuộc về trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát; còn trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đương sự có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ khách quan, đúng đắn và hợp pháp. Việc Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ có thể dẫn tới việc không vô tư, không khách quan. Mặt khác, việc quy định “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ” là phù hợp với thông lệ của các nước có nền tư pháp phát triển và xu hướng từng bước phát triển của nền tư pháp nước ta.

Để quy định này đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quan tâm 2 nội dung khi quy định “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”. Đó là dầu tư nguồn lực để Trung tâm trợ giúp pháp lí của Bộ Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lí miễn phí cho các đối tượng yếu thế, gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số…

Khi quy định “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”, cần nghiên cứu bổ sung thêm các “phương thức thu thập chứng cứ” vào dự thảo Luật nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân trong việc cung cấp chứng cứ.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Lê Thị Thanh Xuân về thu thập chứng cứ của Tòa án, đại biểu Nguyễn Văn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị quy định rõ, Tòa án không có nghĩa vụ phải thu thập chứng cứ, kể cả vụ việc hành chính và vụ việc hình sự để đảm bảo rõ ràng. Bởi Tòa án tham gia thu thập chứng cứ sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, không vô tư; nếu Tòa án thu thập sẽ coi trọng chứng chứ do mình thu thập dễ dẫn đến không khách quan và sẽ coi nhẹ chứng cứ của các bên liên quan khác cung cấp….

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đối với quy định về thành lập tòa án sơ thẩm chuyên biệt, nhiều đại biểu cho rằng đây là quy định mới, nhưng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động; phát huy trình độ chuyên môn cao của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử các vụ án đặc thù, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết loại việc này.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh băn khoăn về trường hợp Tòa án nhân dân dân cấp cao xét xử phúc thẩm đối với các vụ án Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt có phù hợp hay không? Hơn nữa, đây là mô hình mới, ban soạn thảo cần cung cấp, tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tổ chức mô hình phù hợp với Việt Nam. Hơn nữa, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt có làm tăng biên chế, bộ máy hay không?

Về việc đổi tên tòa án hành chính thành tòa án theo thẩm quyền xét xử, nhiều ý kiến còn băn khoăn việc đổi tên có làm thay đổi về chất, đổi tên cũng cần thay đổi chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo tính độc lập theo thẩm quyền xét xử, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk lưu ý khi đổi tên cần đảm bảo tương đồng giữa các cơ quan tư pháp, như công an, viện kiểm sát nhân dân, thi hành án. Việc đổi tên cần đảm bảo phù hợp với tính chất nội hàm của các cơ quan trong thẩm quyền xét xử của từng cấp, tránh chồng lấn trong xét xử.

Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu đóng góp ý kiến liên quan đến thành phần hội đồng xét xử, xét xử trực tuyến, kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất của tòa án, quy định về ngạch, bậc thẩm phán, quy định về tham gia đưa tin tại Tòa án, về ngạch, bậc của thẩm phán…

Một số hình ảnh tại Tổ 13:

Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 13 (gồm các Đoàn ĐBQH: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang) cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 13 (gồm các Đoàn ĐBQH: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang) cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Tổ 13 nghiên cứu tài liệu.

Đại biểu Quốc hội Tổ 13 nghiên cứu tài liệu.

Đại biểu Nguyễn Văn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị quy định, Tòa án nhân dân không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.

Đại biểu Nguyễn Văn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị quy định, Tòa án nhân dân không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị làm rõ mối quan hệ quyền tư pháp với quyền lập pháp và quyền hành pháp.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị làm rõ mối quan hệ quyền tư pháp với quyền lập pháp và quyền hành pháp.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ dự án luật trình Quốc hội.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ dự án luật trình Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh góp ý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh góp ý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Lan Hương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=81990