THẢO LUẬN TỔ 14: ĐẢM BẢO ĐẤT XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH VĂN HÓA NGHỆ THUẬT CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 9/6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại tổ 14, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định rõ trong dự thảo luật trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo đất xây dựng công trình văn hóa nghệ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hải Dương, Sơn La, Bình Thuận.

Tham gia thảo luận về dự án luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng; các tài liệu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, nhiều nội dung đã được tiếp thu, giải trình.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện đồng bộ dự thảo Nghị định và bổ sung tài liệu về danh mục các văn bản khác quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và các luật được sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật Đất đai, kèm theo dự kiến sơ bộ nội dung quy định chi tiết các quy định được sửa đổi, bổ sung tại luật được sửa đổi, bổ sung.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Bày tỏ quan tâm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo đó, các đại biểu đề nghị việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng phải được thông tin đến thôn, bản, cộng đồng dân cư (những đối tượng đã tham gia ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện).

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, đối với đất sử dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập, dự thảo luật trình lần này đã quy định cụ thể về việc thu hồi đất xây dựng bình đẳng giữa các công trình sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập với ngoài công lập, quy định rõ các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bao gồm đất xây dựng cơ sở văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, giao dục đào tạo, thể dục thể thao.

Đại biểu đánh giá cao quy định này khi đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao ngoài công lập được bình đẳng với các cơ sở công lập, có điều kiện tiếp cận với nguồn lực đất đai, góp phần khuyến khích, đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực này.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Về nguyên tắc sử dụng đất quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc: Nhà nước khuyến khích việc sử dụng đất vào mục đích phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ và môi trường. Đại biểu cho biết, hiện nay, nội dung này đang được quy định tại khoản 5 Điều 195 về đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần tập trung quy định tại Điều 6 để đảm bảo tính thống nhất, thể hiện rõ tầm quan trọng của nguyên tắc này.

Đối với trách nhiệm của nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, khoản 1 Điều 17 quy định Nhà nước phải có chính sách bảo đảm đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 17 nội dung: đất xây dựng công trình văn hóa nghệ thuật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc danh mục nhà nước, để thể hiện rõ nội dung chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 88 của Quốc hội về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng quan tâm đến chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, quy định các chính sách đất đai cho các đối tượng ưu tiên trong một điều (hoặc mục) của dự thảo Luật; trường hợp không quy định chung cho tất cả các đối tượng ưu tiên thì có điều quy định riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số để thuận lợi cho việc cụ thể hóa chính sách và tổ chức thực hiện của các địa phương.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Quan tâm đến chính sách tài chính liên quan đến đất đai, đại biểu Quàng Văn Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho biết, tuy chính sách đã mở ra, nhưng để đi từ chính sách đến thực tiễn còn nhiều khó khăn. Đại biểu đề xuất thiết kế cơ chế tài chính cho phép mở rộng đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo Nghị định số 45 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, theo đó, cần mở rộng sang cả các trường hợp được tặng cho, nhận quyền sử dụng đất.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến bày tỏ nhất trí với nội dung tiếp thu của Chính phủ về việc quy định đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao lại cho địa phương, ưu tiên giao đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng chính sách.

Các đại biểu cũng lưu ý rằng, kết quả thực hiện trong thời gian qua rất hạn chế, trong diện tích đất bàn giao về cho địa phương để giao cho các hộ thiếu đất là đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, do đó cần có quy định thu hồi đất từ các đối tượng khác để bổ sung quỹ đất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thực tế, nhiều địa phương không có nông, lâm trường nhưng có nhiều hộ thiếu đất ở, đất sản xuất. Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý bổ sung kiến nghị này.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo đất xây dựng công trình văn hóa nghệ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo đất xây dựng công trình văn hóa nghệ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đại biểu Quàng Văn Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đề xuất thiết kế cơ chế tài chính cho phép mở rộng đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo Nghị định số 45 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất

Đại biểu Quàng Văn Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đề xuất thiết kế cơ chế tài chính cho phép mở rộng đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo Nghị định số 45 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất

Các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi)./.

Các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi)./.

Minh Hùng - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=76826