THẢO LUẬN TỔ 15 VỀ LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI): CHỈ LUẬT HÓA NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÃ RÕ, ĐÃ ĐƯỢC THỰC TIỄN KIỂM NGHIỆM

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 05/6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tổ 15 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Khánh Hòa, Bình Phước.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Hoàng Đức Chính - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nêu rõ, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung so với luật hiện hành; trong đó có bổ sung một số nội dung đã được quy định tại các văn bản dưới luật và đã được áp dụng ổn định. Dự thảo cũng có những vấn đề mới chưa được quy định cụ thể trước đây nhưng thực tiễn cho thấy việc đưa các quy định này vào luật là cần thiết.

Quan tâm tới quy định về ngân hàng chính sách tại Điều 17 dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Đức Chính cho biết, ở Việt Nam hiện nay có 2 ngân hàng chính sách là Ngân hàng chính sách xã hội được thành lập năm 2002 theo Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng phát triển Việt Nam được thành lập vào năm 2006 theo Quyết định 108 của Thủ tướng Chính phủ. Theo các Quyết định này, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển có một số đặc điểm đã được đưa vào dự thảo Luật, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được Nhà nước đảm bảo khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế, không phải thực hiện việc dự trữ bắt buộc. Đây cũng là những đặc điểm quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng cũng như hiệu quả triển khai các loại hình tín dụng được Nhà nước giao.

Trong thực tiễn thời gian qua, các chương trình tín dụng do hai ngân hàng trên thực hiện đã cung ứng một lượng vốn rất lớn cho các địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình đó cũng phát sinh những vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng này như việc đảm bảo nguồn lực tài chính cho các ngân hàng hoạt động có lúc còn khó khăn. Việc bố trí không đủ kế hoạch vốn hay cấp bù lãi suất, chi phí quản lý sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến tình hình tài chính và khả năng đảm bảo thanh khoản của các ngân hàng cũng như đến hiệu quả hoạt động triển khai các chương trình tín dụng. Do đó, đại biểu cho rằng, để các ngân hàng chính sách có thể thực hiện được chức năng, nhiệm vụ Nhà nước quy định thì việc đảm bảo yêu cầu về nguồn lực tài chính cho các ngân hàng là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Đại biểu Hoàng Đức Chính - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Đại biểu Hoàng Đức Chính - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Theo đại biểu, các ngân hàng này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên không có khả năng tạo ra nguồn lực tài chính để bù đắp cho sự thiếu hụt về nguồn lực do Nhà nước chậm thanh toán hoặc không thanh toán các khoản chi phí thuộc trách nhiệm của ngân sách nhà nước. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định rõ hơn về việc đảm bảo nguồn lực tài chính cho hoạt động của các ngân hàng chính sách. Đại biểu cũng đề nghị quy định ngân hàng chính sách không phải thực hiện dự trữ bắt buộc và không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Ngoài những vấn đề về đảm bảo nguồn lực tài chính cho hoạt động của các ngân hàng chính sách thì cũng có nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc thành lập và tổ chức hoạt động của ngân hàng chính sách cần được đưa vào luật như đã nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Việc quy định cụ thể hơn và theo hướng luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định và được kiểm nghiệm trong thực tế sẽ giúp các ngân hàng này xác định rõ hơn về địa vị pháp lý cũng như đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại, phát triển các ngân hàng này.

Bên cạnh đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các quy định tại các luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Doanh nghiệp; Luật chứng khoán;… và một số luật đang trình Quốc hội cho ý kiến hoặc xem xét thông qua để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật trên nguyên tắc chỉ luật hóa những vấn đề đã rõ, đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Đồng thời, rà soát những nội dung dự thảo Luật quy định đặc thù so với các luật khác, bảo đảm nguyên tắc áp dụng pháp luật đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung, làm rõ các khái niệm như tập đoàn tài chính, người có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của các khái niệm trong hệ thống pháp luật. Nghiên cứu, bổ sung một chương riêng về ngân sách, chính sách theo hướng luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định, đã được kiểm nghiệm thực tiễn tại các nghị định có liên quan của Chính phủ nhằm xác định địa vị pháp lý của các ngân hàng chính sách bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại, phát triển các ngân hàng này trong thời gian tới.

Cùng với đó, rà soát các nội dung xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hóa quan hệ dân sự, hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế, phù hợp với Hiến pháp, không chồng chéo với các quy định của các luật có liên quan. Làm rõ nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung trong điều kiện bình thường hoặc những nội dung đặc thù có thể áp dụng trong điều kiện bình trường, chỉ áp dụng với những khoản vay đúng quy định.

Quan tâm tới quy định về ngân hàng chính sách, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự thảo Luật có nhiều nội dung quy định điều chỉnh hoạt động của hai ngân hàng chính sách đề vượt quá thẩm quyền của Chính phủ. Do đó, cần phải cụ thể hóa và luật hóa trong dự thảo để đảm bảo căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện các chương trình tín dụng.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu quan điểm, việc tiếp cận công cụ hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước cho các tổ chức tín dụng khi hoạt động của ngân hàng chính sách phát sinh khó khăn tạm thời hay khi thường xuyên ban hành các chương trình tín dụng chính sách tại các luật chuyên ngành sẽ dẫn đến sự chồng chéo trong hình thức cũng như đối tượng hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết sau khi luật được thông qua sẽ không đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh tất cả những chương trình này.

Đối với hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là hoạt động của ngân hàng hợp tác xã tại Điều 116, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, quy định này kế thừa quy định của luật hiện hành. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định ngân hàng hợp tác xã được thực hiện một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh theo quy định tại Mục 2, Chương IV của luật này sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận văn bản, đại biểu cho rằng quy định này là chưa rõ ràng. Do đó đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn các hoạt động được phép của ngân hàng hợp tác xã ngay tại dự thảo Luật để đảm bảo sự tường minh cũng như tính hiệu quả, khả thi khi cấp phép thực hiện các hoạt động này.

Ngoài ra, tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về các quy định liên quan tới đối tượng áp dụng, áp dụng pháp luật, tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.../.

Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=76644