THẢO LUẬN TỔ 3: THỰC HIỆN CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG VÀ CÁC CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN CẦN ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG, HỢP LÝ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 25/6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. Các ý kiến tại Tổ 3 cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ về các nội dung này, tuy nhiên đề nghị việc thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan cần có lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn để đảm bảo công bằng và hợp lý giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Tổ 3 bao gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An và Quảng Ngãi. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận.

Qua thảo luận, các ý kiến tại Tổ 3 cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. Các ý kiến cho rằng, việc thực hiện tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 01/7/2024 cần bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW và quy định của pháp luật để thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận

Đồng thời cần bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội, bảo đảm an sinh cho Nhân dân trong quá trình phát triển; những nội dung trong các Nghị quyết của Trung ương đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện thì triển khai ngay; những vấn đề còn khó khăn, bất cập thì tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhằm tạo được đồng thuận xã hội, tránh xáo trộn lớn, phức tạp tình hình.

Đồng tình cao với phương án và giải pháp Chính phủ đề xuất việc thực hiện tăng mức lương cơ sở, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhận thấy, Chính phủ đã rất trăn trở khi tổ chức 21 cuộc họp bàn bạc, thảo luận về nội dung này. Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng, đây là cơ sở rất quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Tuy nhiên, việc vận dụng các chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương để đưa vào cùng một hệ số tính lương là rất khó. Vì theo Báo cáo của Chính phủ, hiện có 234 chức danh, chức vụ lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở. Bên cạnh đó, phụ cấp theo các chức danh, chức vụ lãnh đạo này còn nhiều hơn nữa như phụ cấp công vụ, phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc thù, phụ cấp thâm niên nghề…

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng, nếu không thận trọng thì việc đưa các chức danh, chức vụ lãnh đạo vào cùng một nhóm sẽ dẫn đến tâm tư, thiếu công bằng giữa các chức vụ, chức vụ trong hệ thống chính trị.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

“Đây là một bài toán rất khó. Trong khi đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW yêu cầu mỗi loại chức vụ tương đương chỉ quy định một mức lương chức vụ thay cho một loạt phụ cấp. Tôi cho rằng, với điều kiện hiện nay nhiều ngạch, bậc lương như vậy, chưa kể thực hiện bảo lưu với các trường hợp bị giảm so với lương cũ cũng là vấn đề cần quan tâm,”, đại biểu nêu rõ.

Vì vậy, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị cần xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở tổng quan tất cả các thành phần, đối tượng được hưởng lương liên quan đến nội dung này sau khi ban hành lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Bên cạnh đó, đại biểu bày tỏ băn khoăn khi hiện nay chưa ban hành được hệ thống danh mục vị trí, việc làm trong hệ thống chính trị, đây là nội dung rất khó.

Với hai nội dung lớn này có liên quan chặt chẽ đến việc thực hiện lương mới, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị cần xem xét thận trọng và có lộ trình để đảm bảo công bằng và hợp lý giữa các bảng lương và các đối tượng hưởng lương.

“Thời điểm này, chúng ta điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng là việc làm rất hợp lý, hợp tình trong bối cảnh hiện nay. Điều này cũng nhận được sự đồng tình rất lớn của dư luận. Tôi cũng đồng tình rất cao nội dung này và thống nhất đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị cần quan tâm thêm việc sắp xếp lại hệ thống thang bảng lương cũ và các phụ cấp kèm theo, từ đó tính tổng thu nhập của mỗi chức vụ trong hệ thống như nào thì lúc đó chúng ta mới có thể tính được”, đại biểu phân tích.

Thống nhất với đề xuất của Chính phủ về các nội dung này, đại biểu Võ Thị Minh Sinh nhấn mạnh, đây là nội dung cần có lộ trình, từng bước để đảm bảo hợp lý, khả thi.

Các đại biểu tại phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, khi chưa đủ điều kiện bãi bỏ lương cơ sở và hệ số tiền lương để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW thì chúng ta thực hiện tăng mức lương tối thiểu. Theo Báo cáo của Chính phủ, dự kiến mức tăng lương cơ sở là 30% đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhưng chỉ tăng 15% đối với các đối tượng nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Qua nghiên cứu, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ chưa giải thích rõ vì sao đối tượng nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội lại tăng thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Do đó, đại biểu đề nghị cần giải thích rõ nội dung này vì đối tượng nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội là đối tượng yếu thế hơn. Đồng thời đề nghị cần tăng mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng với mức tăng lương cơ sở.

Ngoài ra, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cũng đề nghị cần tăng cường sự kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng tăng lương nhưng đời sống của người dân lại không được tăng trong khi lạm phát lại tăng nhanh hơn.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội. Các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội để tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA)./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=87631